Sài Gòn hoa lệ. Sài Gòn năng động. Sài Gòn luôn nhộn nhịp với cuộc sống hối hả. Vậy mà, ở đây cũng Sài Gòn – chỉ cách khu đô thị sang trọng Phú Mỹ Hưng 6km đường chim bay – ít ai ngờ được lại có cuộc sống như thế...

Ma lực xóm Gò

Buổi sáng, chúng tôi đến xóm Gò (ấp 1 xã Phong Phú H. Bình Chánh TP.HCM). Con đường mòn chỉ đủ đặt bước chân, dài hun hút. Hai bên cây cối um tùm rậm rạp. Không một bóng người. Lẫn trên những con đường đê, ẩn mình trong những tán lá, những mái nhà lá nghèo nàn nằm yên ắng.

xóm Gò, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Sài Gòn

Đường vào xóm Gò không một bóng người.

Xóm Gò, một xóm gồm 2 tổ dân phố với khoảng 120 hộ dân tản rộng trên diện tích hơn 300ha. Bao bọc chung quanh xóm Gò là những con rạch: rạch Cống Lớn, rạch Chiếu, rạch Vắng, rạch Bà Lào biến vùng đất này thành một cù lao tách biệt với đất liền.

Do đặc thù của vùng đất này, trên hơn 300ha đó có những con rạch nhỏ xẻ chằng chịt cái cù lao nhỏ bé để nơi đây mọi người qua lại với nhau, thăm viếng hỏi han bằng một phương tiện duy nhất, xuồng ba lá.

Người đầu tiên chúng tôi gặp khi đặt chân lên cù lao xóm Gò là một nông dân trung niên, anh Nguyễn Ngọc Thắng. Anh Thắng đang thu hoạch những cây mía còm cõi trong khu vườn dừng tay tiếp chuyện chúng tôi : “Cuộc sống người dân trên cù lao này là thế đó anh ạ. Bao đời nay, từ ngày ông cha đến đây lập nghiệp, trải bao nhiêu đời rồi mà cuộc sống vẫn không đổi thay. Vẫn nghèo. Nghèo nhưng bà con quí vùng đất này lắm”.

Thú thật, nghe anh nói chúng tôi vẫn chưa hình dung ra được cái “ma lực” nào đã cuốn hút bà con gắn bó không rời với mảnh đất này. Trước mắt chúng tôi là những ao sâu. Nhà nào cũng có ít nhất là một ao. Bà con cho biết, nhiều năm trước đây, những ao sâu đó chính là những thửa ruộng. Những con sông, những dòng kênh bao bọc cù lao này đều mang 2 dòng nước. Mùa nắng – từ sau tết đến tháng 4 – nước sông nhiễm mặn. Phải chờ đến khi mưa xuống, có nước ngọt bà con mới sạ (gieo). Lúa chỉ làm được một vụ nhưng năng xuất rất thấp. Đám nào được lắm thì cũng chỉ đến mức 5 – 7 giạ/công. Vì thế, bà con mới quyết định bỏ làm lúa vét ruộng sâu thêm be bờ làm ao nuôi cá.

Trên những ao cá của bà con, chúng tôi thấy những mầm xanh dày đặc nhô lên trên mặt nước. “Bồn bồn đó anh”. Anh Thắng giải thích : “bồn bồn trước đây là loài cỏ dại mọc ven bờ. Nhu cầu tiêu thụ bồn bồn từ các nhà hàng đặc sản ngày một nhiều, của thiên nhiên không cung cấp đủ. Bà con nắm bắt được nhu cầu này đã tổ chức trồng bồn bồn trên những ao cá để hàng ngày có cái thu hoạch cải thiện cuộc sống. Mà thực, bồn bồn đã nuôi sống người dân nơi đây”.

xóm Gò, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Sài Gòn

Mái nhà tranh

120 hộ dân trên cù lao xóm Gò đều sinh sống bằng ao cá, trồng bồn bồn. Người nào có khả năng đánh bắt thêm thủy sản trên sông. Họ không bon chen không mưu cầu và cuộc sống hết sức thanh thản. Anh nghĩ xem, bên kia con rạch nhỏ là một cuộc sống xô bồ chụp giựt. Nhưng nơi đây, cũng là Sài Gòn, bà con chan hòa với nhau bằng tình làng nghĩa xóm. Không giành giựt đua tranh. Không âm mưu đen tối. Không giàu nhưng đủ ăn, bà con ngày này qua ngày khác cuộc sống lạc quan, bình dị, yên ả thì thử hỏi anh có thiên đường nào trên thế gian này bì được – anh Thắng bộc bạch.

Ly nước thấm đẫm tình người

Rời chỗ anh Thắng, chúng tôi tiến sâu vào xóm Gò cũng trên con đường độc đạo. Được vài trăm mét, thoáng thấy có con đê dẫn vào ngôi nhà lá ẩn mình trong đám dừa nước. Thì ra con đê vừa là đường đi vừa là bờ ngăn đôi hai ao cá. Bên trái, một thổ mộ với những ngôi mộ cũ xưa. Trên bia, những người quá cố đều chung một họ. Nhìn những ngôi mộ, chúng tôi chợt hiểu rằng vùng đất này khó khăn cách trở như thế nhưng bà con sống nơi đây chết cũng nơi đây.

Nhà đi vắng. Bầy chó trước sân sủa vang. Cửa chỉ khép hờ. Bên trong không tiện nghi không bài trí. Chỉ một vài thứ cần thiết cho sinh hoạt một gia đình.

Có lẽ nơi đây nhà nào cũng thế. Bốn phía vách bằng lá. Mái lợp cũng bằng lá. Lá lợp nhà dừng vách là những tàu dừa nước mọc sát nhà bà con. Họ chặt lên chẻ đôi phơi khô rồi đưa vào sử dụng. Khoảng 2 năm lá mục thì đám dừa nước sau khi chặt lú mầm kịp lớn để tiếp tục che chắn cuộc đời những người dân hiền lành chất phát.

Đi vài trăm mét nữa cũng trên con đường độc đạo không một bóng người dưới cái nắng thiêu đốt của miền nam, chúng tôi không tìm thấy một quán nước nào để giải cơn khát đang cào rát cổ họng. Ghé vào một căn nhà khang trang nằm sâu sau rặng bình bát. Chị Huỳnh Thị Kim Tươi, người phụ nữ duy nhất trong nhà chạy ra đón chúng tôi. Ngỏ lời xin nước, chị cười tươi như cái tên của chị : “ở đây làm gì có quán nước, quán ăn. Bán cho ai ? Mấy khi có khách vãng lai vào đây mà mở hàng bán quán ? Cả xóm Gò này chỉ có duy nhất một tiệm tạp hóa nhưng hàng hóa thì lèo tèo lắm chẳng bõ công đi.”

Ly nước mát chị rót làm chúng tôi thấm giọng. Nước vào châu thân đi đến đâu mát đến đó. Chị Tươi nói tiếp : “Anh biết nước này từ đâu không ? Giếng khoan đó. Mấy năm gần đây bà con và chính quyền xã cùng nhau khoan 5 giếng tại 5 cụm dân cư. Sắp tới sẽ khoan tiếp một giếng nữa. Nước từ giếng khoan bơm lên cao dẫn theo ống vào nhà. Có vậy mới sống được chứ nước sông bây giờ ô nhiễm lắm. Tắm giặt còn không dám huống chi là ăn uống . . .”

xóm Gò, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Sài Gòn

Anh Nguyễn Ngọc Thắng thu hoạch mía

xóm Gò, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Sài Gòn

Bồn bồn

xóm Gò, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Sài Gòn

Cá nuôi. . . không cho câu

xóm Gò, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Sài Gòn

Gần trưa. Nếu đêm trăng sẽ là “thuyền ai đậu bến sông trăng đó ?”

xóm Gò, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Sài Gòn

Lưới cá

xóm Gò, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Sài Gòn

Nhổ bồn bồn

xóm Gò, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Sài Gòn

Làm sạch bồn bồn trước khi ra chợ

xóm Gò, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Sài Gòn

Sống xóm Gò, thác cũng xóm Gò

xóm Gò, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Sài Gòn

Một ao cá bị ô nhiễm

xóm Gò, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Sài Gòn

Váng nổi dày trên mặt nước

xóm Gò, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Sài Gòn

Có điện, bà con mắc an-ten chão để xem truyền hình

xóm Gò, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Sài Gòn

Cầu xóm Gò đang trong giai đoạn hoàn thiện

(Còn nữa)

Trần Chánh Nghĩa (VietNamNet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.