LTS: Những năm qua, Hà Nội xây dựng được rất nhiều chung cư cao tầng, trung tâm thương mại, siêu thị, văn phòng cao cấp, khách sạn hiện đại... bộ mặt đô thị có nhiều chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, bên cạnh những hình ảnh hiện đại thì hệ thống hạ tầng Thủ đô phát triển chưa đồng bộ, tình trạng ùn tắc giao thông, úng ngập cục bộ, xây dựng không phép, trái phép đang là vấn đề nóng bỏng, bức xúc trong dư luận nhân dân...

Trước thực trạng đó, lãnh đạo thành phố đã và đang kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, đưa ra những giải pháp để giải quyết tình trạng này. Loạt bài sau là những góc nhìn về "khuyết tật đô thị" với những vấn đề cần nhanh chóng loại bỏ, để góp phần xây dựng một Hà Nội hiện đại, văn minh.


Bài 1: Sai không chỉ với dân…

Tình trạng xây nhà không phép, sai phép và trái phép xảy ra trên địa bàn Hà Nội là căn bệnh trầm kha, ngày càng có chiều hướng phức tạp. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này một phần do sự thiếu ý thức của người dân, phần khác do sự buông lỏng của chính quyền cơ sở trong lĩnh vực quản lý về trật tự xây dựng đô thị (TTXDĐT). Có không ít vụ việc, cán bộ chức năng nể nang, né tránh, thỏa hiệp, thậm chí đồng lõa với người vi phạm nhằm trục lợi cá nhân. Các công trình xây dựng không phép, sai phép, trái phép mọc lên đang từng ngày phá vỡ cảnh quan đô thị.

Chính quyền cũng xây nhà không phép!?

Người dân xây nhà không phép, sai phép, chính quyền ngăn chặn và xử lý là lẽ đương nhiên. Vậy nhưng tại quận Ba Đình, UBND phường Ngọc Hà cũng tự ý xây dựng công trình không phép thì cơ quan nào đứng ra xử lý? Tóm tắt vụ việc như sau: Gia đình bà Hà Thị Thục Anh hiện đang sử dụng 388m2 đất tại các số nhà 28, 30, 32 ngách 158/23 phố Ngọc Hà. Về nguồn gốc, trong số 388m2 đất này có 267m2 đất sử dụng hợp pháp, 121m2 đất gia đình bà Thục Anh tự san lấp, tôn tạo và đã đóng thuế sử dụng đất từ năm 2003. Năm 2007, UBND quận Ba Đình có dự án cải tạo hồ Đầm nằm trên địa bàn phường Ngọc Hà. Sau khi dự án hoàn tất, ven hồ Đầm thừa lại một khoảng đất trống, tiếp giáp với thửa đất tự tôn tạo của gia đình bà Thục Anh. Tháng 12-2010, gia đình bà Thục Anh tiến hành xây dựng nhà tạm trên phần đất tự tôn tạo này. Ngay lập tức, UBND phường Ngọc Hà ra quyết định tháo dỡ công trình xây dựng của gia đình bà Thục Anh với lý do "Xây dựng không phép". Điều lạ, ngay sau khi cưỡng chế công trình xây dựng không phép của người dân, UBND phường Ngọc Hà lại tự ý xây dựng ngay một ngôi nhà khác có diện tích khoảng hơn 40m2 ngay trên phần đất này. Không chỉ gia đình bà Thục Anh mà dư luận nhân dân tại phường Ngọc Hà vô cùng bức xúc trước việc làm áp đặt của chính quyền sở tại.

Khuyết tật đô thị

Hệ thống hạ tầng Hà Nội sẽ phát triển đồng bộ nếu quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng tốt

Trao đổi với phóng viên Hànộimới, ông Nguyễn Ngọc Lăng, Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Hà lý giải: "Chúng tôi xây dựng ngôi nhà đó vừa nhằm mục đích giữ đất, vừa để làm trụ sở tuần tra. Việc xây ngôi nhà đó không cần giấy phép vì nó đơn giản thôi mà, xung quanh được làm hoàn toàn bằng sắt, quây và lợp mái tôn, lúc nào không thích có thể di chuyển (!?)".

Lời giải thích của ông Phó Chủ tịch phường Ngọc Hà thật là bất hợp lý, bởi ai cũng có thể nhận thấy ngôi nhà do UBND phường xây dựng đàng hoàng, kiên cố hơn ngôi nhà tạm của gia đình bà Thục Anh rất nhiều lần. Hơn nữa, các tập thể, cá nhân phải tuân thủ pháp luật, bình đẳng thực thi luật pháp, cớ sao UBND phường lại vi phạm quy định về xây dựng nhà! Vậy tại sao người dân bị cưỡng chế vì xây dựng không phép, còn UBND phường lại "vô tư" xây dựng không phép?

Trong đơn gửi Báo Hànộimới, bà Thục Anh cho biết, bà đã chính thức khởi kiện ông Nguyễn Hoàng Linh, Chủ tịch UBND phường Ngọc Hà ra tòa vì ban hành quyết định cưỡng chế xây dựng không đúng pháp luật. Vụ kiện được Tòa án nhân dân quận Ba Đình thụ lý và dự kiến đưa ra xét xử trong tháng này.

Theo chúng tôi, vụ kiện vẫn chỉ tập trung vào vấn đề làm rõ nguồn gốc sử dụng đất, quy trình xử lý công trình xây dựng vi phạm chứ có lẽ ít ai đề cập đến việc xử lý công trình xây dựng không phép của UBND phường Ngọc Hà. Điều này tạo ra tiền lệ xấu trong quản lý, cấp phép về TTXDĐT, một khi chính quyền không gương mẫu thì làm sao nói được người dân. Và để lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực này, nhất thiết chúng ta cần có một cuộc "đại phẫu" cắt bỏ hết khối "u nhọt" đã tồn tại gây bức xúc dư luận từ bấy lâu nay.

Có tiền là xây được?

Trao đổi với chúng tôi về tình trạng xây dựng công trình không phép, sai phép trên địa bàn Hà Nội, một cán bộ Sở Xây dựng than thở: "Các anh thừa biết, việc phân cấp quản lý trong lĩnh vực TTXDĐT đã được quy định rất cụ thể, rõ ràng nhưng cán bộ cơ sở làm không hết trách nhiệm. Tại tất cả các xã, phường, thị trấn đều có lực lượng chuyên trách để làm công việc này. Các gia đình chỉ cần đào móng hoặc đặt mấy viên gạch, cán bộ TTXD tại cơ sở cũng đã biết rồi chứ đừng nói là xây cả một tòa nhà dăm bảy tầng mà họ không biết".

Chính từ việc xử lý không nghiêm dẫn đến số vụ vi phạm ngày càng tăng và có chiều hướng phức tạp. Năm 2010, Hà Nội kiểm tra 21.500 công trình xây dựng thì có tới 5.800 trường hợp vi phạm, trong đó 715 vụ xây dựng sai phép, 4.367 vụ xây dựng không phép, còn lại 790 vụ bao gồm các vi phạm khác. Đây mới chỉ là con số trên báo cáo, thực tế diễn ra phức tạp gấp nhiều lần. Việc cưỡng chế, "cắt ngọn" một số công trình xây dựng sai phép, không phép thời gian qua dường như không đủ sức răn đe người vi phạm. Có không ít công trình xây dựng chỉ sau khi bị báo chí phanh phui, người ta mới té ngửa là chủ đầu tư đã xây xong tầng thứ 8, thứ 9 mà vẫn không có giấy phép. Chuyện "con voi" chui lọt "lỗ kim" trong lĩnh vực quản lý TTXD xảy ra trên địa bàn Hà Nội không còn là chuyện hiếm. Chỉ trong tháng 4-2011, thành phố xảy ra hai vụ xây dựng không phép tai tiếng, khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Vụ thứ nhất xảy ra tại công trình xây dựng chung cư 83 Ngọc Hồi, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai do Công ty TNHH Cơ khí Hưng Sơn làm chủ đầu tư. Công trình này hiện đã xây đến tầng thứ 8, dù chưa hoàn thiện nhưng theo phản ánh của người dân, chủ đầu tư đã rao bán hết toàn bộ số căn hộ từ tầng 1 đến tầng 15. Thế nhưng, oái oăm thay cho đến tận bây giờ, công trình này vẫn chưa được cấp giấy phép xây dựng. Người Hà Nội từ cổ chí kim có lẽ chưa bao giờ được nghe lời "bào chữa" về hành vi xây dựng không phép giống như Công ty TNHH Cơ khí Hưng Sơn tự biện hộ cho mình: "Công ty không đợi giấy phép vì lý do xem ngày đẹp để khởi công và hợp tuổi giám đốc". Lời giải thích ngây ngô đó khiến dư luận bức xúc, người dân mất niềm tin vào chính sách pháp luật và vô hình trung bộ máy chính quyền tại cơ sở đã bị vô hiệu hóa.

Một người dân phường Hoàng Liệt nói gay gắt: "Xin lỗi, nếu là dân thường, chỉ cần xây không phép một bức tường rào cao dăm bảy chục phân, lập tức có người đến phá ngay. Chủ đầu tư phải "có gì" thì họ mới làm được như thế. Nhiều người nói với tôi rằng cứ "quan hệ" tốt thì muốn xây thế nào cũng được, chính quyền cứ lập đủ 3 cái biên bản vi phạm là tôi có thể xây xong một ngôi nhà...".

Vụ thứ hai tai tiếng nhiều không kém đó là công trình xây dựng tòa nhà 10 tầng tại 28 phố Đê La Thành, phường Thổ Quan, quận Đống Đa. Nằm trên tuyến phố liên tục xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, tòa nhà này ngạo nghễ phá vỡ cảnh quan đô thị nhưng cho đến bây giờ cả chính quyền phường và quận đều không biết chủ nhân của "tòa tháp" này đã được cấp phép xây dựng chưa. Ngay từ buổi đầu làm việc với cơ quan báo chí, UBND phường Thổ Quan khẳng định, công trình này xây dựng có giấy phép số 091453/GPXD, do Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Trần Việt Trung ký. Thế nhưng, lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa lại phản pháo rằng: "Chưa hề nhận hồ sơ xin cấp phép công trình này". Để thực hiện cái gọi là "làm đúng quy trình", quận Đống Đa phải thành lập đoàn thanh tra về việc cấp phép xây dựng. Đã hai tháng kể từ khi bị phát hiện, quận Đống Đa vẫn chưa đưa ra kết luận về vụ việc, mọi thông tin dường như bị giấu nhẹm. Dư luận đặt câu hỏi, việc kiểm tra một công trình xây dựng có phép hay không khó đến thế sao? Nếu quả đúng công trình xây dựng không phép, chủ nhân ngôi nhà này rất đại tài, theo như cách nói của nhiều người "không phép mà xây được thì mới... giỏi" (!?)

Trao đổi với PV Hànộimới, một chuyên gia trong xây dựng quy hoạch đô thị phân tích: Sở dĩ ngày càng xuất hiện nhiều công trình xây dựng không phép, sai phép vì việc thực thi pháp luật của chúng ta không nghiêm. Từ trước đến nay, chúng ta thường xử lý vụ việc theo kiểu "tiền trảm hậu tấu". Nếu xây dựng không phép thì tạm thời đình chỉ để xin phép, còn nếu "trót" xây dựng sai phép thì lại được gia hạn để xin cấp phép bổ sung. Cứ luẩn quẩn như thế nên luật pháp bị nhờn, chấp nhận nộp phạt để công trình vi phạm tồn tại thì chủ đầu tư nào chả thích.

Theo HaNoiMoi
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0