Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: Cao Thắng
Theo Bộ GTVT, việc điều chỉnh được thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đề xuất của các địa phương và kết quả dự báo lưu lượng phương tiện trên các tuyến đường hiện hữu. Theo đó, ở khu vực phía Bắc sẽ bổ sung 3 tuyến mới, gồm cao tốc Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình; cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn; cao tốc nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, bổ sung tuyến cao tốc từ Ngọc Hồi đến cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum). Tại khu vực phía Nam sẽ bổ sung 3 tuyến mới, gồm: cao tốc từ Gò Dầu tới cửa khẩu Xa Mát (Tây Ninh); cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh; kéo dài cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đến cảng Trần Đề.
Đồng thời với việc bổ sung các tuyến cao tốc mới, Bộ GTVT cũng điều chỉnh tiến độ đầu tư các tuyến cao tốc từ sau năm 2030 về trước năm 2030 do đã có các nhà đầu tư quan tâm và các địa phương đang nỗ lực huy động các nguồn lực để triển khai, bao gồm: cao tốc Trà Lĩnh - Đồng Đăng (nối Cao Bằng - Lạng Sơn); cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu; cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Bộ GTVT cũng cho biết, sau khi điều chỉnh quy hoạch, đến năm 2030, hệ thống đường bộ trên cả nước sẽ đạt 6.418km đường cao tốc, trong đó, riêng khu vực phía Nam đạt 950km cao tốc.
Sau năm 2030, hệ thống đường bộ sẽ được bổ sung mới 932km cao tốc với tổng vốn đầu tư hơn 129.000 tỷ đồng, trong đó, riêng khu vực phía Nam thêm 313km với tổng vốn gần 44.000 tỷ đồng, khu vực miền Trung - Tây Nguyên thêm 181km với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng.