Khu tập thể E4 Đại học Y Hà Nội được xây dựng cách đây 40 năm với mục đích dùng làm ký túc xá cho sinh viên nay đã được chia nhỏ làm nhà ở cho cán bộ, công nhân viên trong trường. Khu tập thể chính là nơi sinh sống của gần 150 hộ dân. Mỗi căn hộ chỉ vẻn vẹn có diện tích từ 12-20m2.
Do nhà ở chật chội nên sinh hoạt của người dân cũng rất bất tiện. Những công trình phụ được xây dựng trên những chuồng cọp được cơi nới nên cũng không hề có bất cứ một hệ thống xả thải nào mà chỉ có dẫn ống nước thải xả thẳng trực tiếp xuống đường
.
Khu tập thể E4 đại học Y đã không còn xa lạ với hình ảnh chằng chịt các loại ống thải tồn tại cả chục năm
Theo người dân sống ở đây chia sẻ: “Tất cả các hộ dân ở đây đều không có công trình xả thải, không có bể chứa nên chỉ có cách là dẫn ống xả đi đâu được thì xả. Biết là xả thải trực tiếp như thế này là không tốt nhưng cũng không còn cách nào khác”
Khi mà nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng thì thì số lượng nước thải cũng ngày càng nhiều. Chính vì thế lượng ống dẫn thải cũng chằng chịt, người dân lại không đồng bộ, thống nhất chung một đường nước thải mà mạnh ai nấy làm, ống nước thải được dẫn từ tầng trên xuống dưới vòng vèo có cái xuống mặt đất, có cái còn lơ lửng treo trên cao khiến ai cũng hoảng sợ vì mùi hôi thối.
Hàng trăm ống nước thải chồng chéo lên nhau khiến người dân không thể phân biệt được ống nào là ống nước, ống nào là ống “phân” để mà tránh. Với tuổi thọ cũng hơn 20 năm nhiều ống nước thải đã cũ và rò rỉ ra bên ngoài, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Chưa kể đến những đường ống gãy vỡ bất ngờ khiến người dân khu vực tầng 1 và những ai đi ngang qua “lãnh đủ” mọi loại chất thải mà chỉ biết ngán ngẩm lắc đầu.
Hôi thối, ruồi muỗi, người dân sinh sống tại đây đã phải sống chung với không gian ô nhiễm hàng chục năm trời. Nhiều nhà khi ăn cơm phải đóng kín cửa, đeo khẩu trang. Mỗi khi mưa lớn, nước dềnh lên mặt đường 20-30cm kèm theo phân người và hàng trăm thứ phế thải hôi hám từ khu tập thể xả ra. Người dân tại đây đã nhiều lần kêu cứu lên các cơ quan chức năng, nhưng đến nay, họ vẫn phải chung sống với những đường ống nước thải "ngay trên đầu".
Vấn đề nhức nhối nữa là hàng trăm con người ở đây vẫn phải ăn nước giếng khoan. Bà Thu ở khu vực tòa nhà E4 cho hay: “Trước đây, dân E4 dùng nước máy của thành phố. Nhưng mới đây, đường nước máy bỗng dưng ngừng cấp do phía đầu đường đang xây dựng các công trình xây dựng, nên chúng tôi đành phải chuyển qua ăn nước giếng khoan”.
Nhìn cảnh nhà vệ sinh với phân tươi và nước thải đổ thẳng ra mương, sau đó các hộ dân ở đây lại dùng nước giếng khoan lên từ lòng đất, nơi rất có thể những uế tạp đó sẽ ngấm sâu xuống thật là khiến ai cũng khó tưởng tưởng ra nổi trên giữa thủ đô Hà Nội mà vẫn còn tồn tại những nơi người dân phải “ăn ở với phân” như vậy.
Thiết nghĩ, chính quyền địa phương sở tại và cơ quan chức năng thành phố Hà Nội cần sớm có những giải pháp về hệ thống cống xả thải, nhằm xóa bỏ tình trạng ống nước thải treo trên đầu dân để đảm bảo môi trường sống không ô nhiễm và mỹ quan cho các hộ dân nơi đây.