Nhiều hộ dân sau khi mua đất làm nhà tại Dự án Khu đô thị Nam Thành Phố thì phát hiện hệ thống điện, nước không đúng như cam kết của chủ đầu tư
Theo phản ánh của hàng chục hộ dân đang sinh sống tại Khu đô thị Nam TP Thanh Hóa (Thanh Hóa), dự án trên đã đi vào hoạt động 5 năm nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành hệ thống điện, nước sinh hoạt phục vụ cho người dân khiến cuộc sống của các hộ dân bị đảo lộn.
Nhiều bất cập
Ông Nguyễn Đình T., chủ một hộ dân mới làm nhà tại đây cho biết: “Gia đình tôi đã phải bỏ hơn 1 tỷ đồng để mua 1 lô đất có diện tích 80m2 trong dự án.
Khi bán họ quảng cáo khu dự án hiện đại với nhiều tiện ích, hạ tầng, điện nước đầy đủ. Nhưng khi gia đình chúng tôi làm nhà để ở thì phát hiện không có điện, nước để sử dụng. Chẳng còn cách nào khác, tôi phải kéo nhờ điện từ các hộ lân cận cách đó 200m và khoan giếng lấy nước sinh hoạt”.
Không chỉ có gia đình ông T mà nhiều hộ dân trong Khu dự án đều chung cảnh ngộ. Anh Lưu Anh V., một người dân mua đất tại mặt bằng này phàn nàn: “Sau khi trúng đấu giá lô đất vì nhu cầu bức thiết về nhà ở nên gia đình tôi đã xây dựng nhà. Nhà đã xây xong nhiều tháng nay nhưng chủ đầu tư vẫn không đóng điện, nước cho chúng tôi sử dụng. Giờ muốn có điện, các hộ dân đều phải tự kéo điện ở các hộ khác về. Còn nước sinh hoạt phải khoan giếng nên nguồn nước không được đảm bảo”.
Theo tìm hiểu của PV, Dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật Khu nhà ở và công viên cây xanh thuộc Khu đô thị Nam TP Thanh Hóa được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2013, với tổng diện tích hơn 557.000m2, tổng mức đầu tư hơn 712 tỷ đồng tại phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa.
Dự án được giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hóa làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện dự án không quá 5 năm kể từ ngày ký quyết định phê duyệt.
Trong đó, riêng hệ thống cấp, thoát nước được phê duyệt đầu tư 74,2 tỷ đồng, hệ thống điện 60,5 tỷ đồng. Dự án được chia thành nhiều mặt bằng khác nhau.
Mặc dù được phê duyệt chi tiết là vậy, nhưng sau khi đi vào hoạt động, tại dự án công viên cây xanh và mặt bằng 2125 thuộc dự án này cho thấy nhiều bất cập.
Cụ thể, nhiều hạng mục hạ tầng như cống thoát nước, đường điện chiếu sáng, công viên cây xanh thi công dang dở rồi bỏ hoang nhiều tháng nay, đặc biệt hàng chục hộ dân mua đất tại mặt bằng 2125 đã xây dựng nhà ở đang lâm vào tình cảnh bán không được, ở không xong, bởi không được sử dụng hệ thống điện cáp ngầm theo thiết kế, không được dùng nước sạch để sinh hoạt.
Các hệ thống điện đèn chiếu sáng, trạm biến áp, đường ống nước ngoài phần đường nội bộ của mặt bằng đã được xây dựng hoàn thiện nhưng chỉ để cho có.
Hầu hết các hộ dân đều phải tự câu, kéo điện từ nơi khác về nhà để sử dụng khiến dây điện giăng mắc chằng chịt gây mất mỹ quan và rất nguy hiểm.
Tiếp tục kiến nghị
Không chỉ có các hộ dân sống tại mặt bằng 2125 không có điện nước phục vụ sinh hoạt mà ngay tại mặt bằng 2155 cách đó không xa cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Được biết, mặt bằng này do Ban Quản lý dự án TP Thanh Hóa làm chủ đầu tư, được đầu tư xây dựng từ năm 2009 đến nay. Tuy nhiên, hàng chục hộ dân tại mặt bằng này vẫn chưa được cấp điện, nước mặc dù hệ thông điện, nước đã hoàn thiện từ lâu.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND phường Đông Vệ cho biết: Thực tế nhu cầu về nhà ở của các hộ dân khi trúng đấu giá đất tại những mặt bằng này là rất cấp thiết.
Nhiều hộ dân đã đề nghị phường cũng như chủ đầu tư sớm đóng nối hệ thống điện, nước để thuận tiện cho nhu cầu xây dựng và phục vụ sinh hoạt.
Tuy nhiên, theo quy định của chủ đầu tư tại mặt bằng này thì 100% các hộ dân sau khi trúng đấu giá quyền sử dụng đất khi xây dựng hoàn thiện nhà thì chủ đầu tư mới đóng nối hệ thống điện, nước tổng cũng như cấp quyền sử dụng đất.
“Với trách nhiệm quản lý hành chính, UBND phường Đông Vệ sẽ sớm kiến nghị lên chủ đầu tư, yêu cầu họ nhanh chóng đóng nối điện, nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình xây dựng nhà cửa cũng như phục vụ cho sinh hoạt” - ông Tuấn cho biết thêm.
-
Thanh Hoá sắp có thêm hai khu dân cư gần 40ha
UBND Thanh Hoá vừa có quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đối với 2 khu dân cư với tổng diện tích gần 40ha.
-
Thanh Hoá quy hoạch một xã rộng gần 3.000ha để phát triển thương mại dịch vụ, công nghiệp
Khu vực được quy hoạch có tổng diện tích 2.976,45ha, là trung tâm tổng hợp của vùng phía Nam huyện Ngọc Lặc.
-
Thành lập cụm công nghiệp 30ha tại huyện ven biển Thanh Hoá
UBND tỉnh Thanh Hoá vừa có quyết định về việc thành lập Cụm công nghiệp Hoằng Đông, huyện Hoằng Hoá. Chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thành Nam.