“Tắc nghẽn” giải phóng mặt bằng
Dự án BOT hầm đường bộ Hải Vân giai đoạn 2 được triển khai từ tháng 12/2016, và theo kế hoạch sẽ phải hoàn thiện trong tháng 12/2020. Tổng mức đầu tư dự án là 7.200 tỷ đồng.
Tính đến nay, dự án đang triển khai thi công trong hầm Hải Vân 2 đã đào và gia cố đạt 54% chiều dài hầm. Phần xây dựng cầu và đường dẫn vào hầm Hải Vân 2 đã thi công cả phía Bắc và phía Nam với giá trị hoàn thành đạt hơn 35% khối lượng. Mục tiêu là sẽ hoàn thành dự án vào tháng 6/2020.
Theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Văn bản 500 ngày 10/4/2017 thì dự án hoàn thành toàn bộ công tác GPMB trước 31/12/2017.
Tuy nhiên, công tác GPMB của dự án này đã gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trên địa bàn tỉnh Thừa-Thiên Huế. Hiện công tác GPMB đã được địa phương bàn giao đạt 94,2%. Dự án đã giải quyết chi trả đạt khoảng 20/45,5 tỷ đồng GPMB.
Khu vực đường dẫn vào hầm đường bộ Hải Vân không thi công được do vướng mặt bằng.
Mặt bằng thi công mố A1 và đường dẫn đầu cầu phía Bắc cầu Hải Vân 2 chưa được bàn giao cho nhà đầu tư để triển khai dự án. Mặt bằng thi công các hạng mục dưới nước từ trụ cầu dẫn vào hầm (trụ P1-P2-P3) bị vướng một số lồng nuôi cá và sự ngăn cản thi công của người dân.
Người dân cho rằng, việc thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng đối với những hộ dân phải di dời cần được hỗ trợ trong mua đất tái định cư, chủ đầu tư cũng cần tính toán phương án hỗ trợ người dân khi khu vực giải phóng mặt bằng xây trụ cầu dẫn ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản của người dân.
Mặt bằng thi công Trạm dừng đỗ kỹ thuật phía Bắc đang thi công bị người dân ngăn cản với lý do ảnh hưởng đến vị trí neo đậu tàu thuyền và đường lên xuống.
Ông Nguyễn Văn Hùng ở thôn A Cư Đông 2, thị trấn Lăng Cô cho biết: “Dân ở đây chưa đồng tình với phương án đền bù khi số tiền đền bù thấp, ngoài chi phí đền bù còn phải tính đến phương án tổ chức chỗ neo đậu tàu thuyền cho người dân ở khu vực mới khi các trụ cầu của đường dẫn vào hầm làm mất đi bến đỗ thuyền.”
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, trong cuộc họp giải quyết vướng mắc về GPMB dự án hầm đường bộ Hải Vân giai đoạn 2, đã yêu cầu lãnh đạo UBND huyện Phú Lộc tích cực hơn nữa trong công tác này. UBND huyện Phú Lộc chủ trì, phối hợp với UBND thị trấn Lăng Cô và các lực lượng chức năng (Công an, Biên phòng) tổ chức đối thoại với người dân để giải thích về cơ chế, chính sách để người dân hiểu và chấp hành.
“Địa phương giải quyết kiến nghị về đơn giá đền bù của người dân, di dời bố trí nhà tái định cư cho các hộ bị ảnh hưởng, không đảm bảo an toàn dọc QL1 phía Bắc cầu Lăng Cô. Các vướng mắc về GPMB báo cáo Hội đồng tư vấn giải quyết các vướng mắc về GPMBtheo yêu cầu của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế” – ông Nguyễn Văn Phương yêu cầu.
Tuy nhiên đến nay vẫn “tắc nghẽn”, và chính quyền sở tại cũng chưa có hạn định thời gian nào chắc chắn là những vướng mắc ấy sẽ được khai thông.
Hầm Hải Vân 2 đã đào và gia cố đạt 54%.
Phương án tài chính “bế tắc”
Bên cạnh vướng mắc về GPMB, dự án BOT hầm đường bộ Hải Vân giai đoạn 2 cũng đang gặp phải “bế tắc” phương án tài chính vì những thay đổi trong hợp đồng đã ký kết.
Từ ngày 1/1/2016, Tập đoàn Đèo Cả được Bộ Giao thông vận tải và Tổng cục Đường bộ Việt Nam giao nhiệm vụ thực hiện quản lý vận hành và bảo trì hầm đường bộ Hải Vân 1 để thuận lợi trong việc thi công mở rộng hầm đường bộ Hải Vân 2. Đến nay, kinh phí quản lý vận hành hầm Hải Vân 1 (hơn 2,5 năm) khoảng 300 tỷ đồng được lấy từ nguồn vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư và vốn vay ngân hàng.
Theo ông Phạm Minh Đức, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả, phương án tài chính được duyệt của dự án từ 1/1/2016 đến 30/06/2017, kinh phí vận hành bằng nguồn vốn dự án và từ 1/7/2017 đến 31/12/2020 từ nguồn thu phí tại trạm Nam Hải Vân. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn chưa được thu phí tại trạm Nam Hải Vân do vướng mắc về vị trí với trạm thu phí BOT Phước Tượng Phú Gia đặt tại trạm Bắc Hải Vân cũ.
“Bộ Giao thông vận tải vẫn chưa thống nhất phương án cụ thể làm ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án, dẫn tới việc quản lý vận hành hầm Hải Vân có nguy cơ phải tạm dừng vì không có nguồn tài chính để tiếp tục vận hành” – ông Phạm Minh Đức nói.
Ngoài vấn đề về phương án tài chính đang bị thay đổi, ông Phạm Văn Đức cho rằng, công trình hầm đường bộ mang tính đặc thù với chi phí, suất đầu tư lớn nhưng hiện vẫn chưa có quy định về mức thu phí phù hợp với loại hình đầu tư này. Mặc dù Bộ Giao thông Vận tải đã thừa nhận, nhưng Bộ vẫn chưa tiến hành điều chỉnh lại cho hợp lý với tình hình thực tế./.