02/12/2014 7:53 AM
Nhà sập không được sửa, nơi ở mới chưa có, tiền hỗ trợ tạm cư bị cắt, nhiều người phải vào chùa sống tạm.

“Nằm trong quy hoạch khu đô thị mới có nghĩa là toàn bộ hiện trạng sẽ phải xóa trắng để xây mới. Khu đô thị mới cảng Hiệp Phước dù chỉ mới được duyệt quy hoạch chung 1/5.000 nhưng quyền lợi của người dân bị “treo” hết” - ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, mở đầu câu chuyện về quy hoạch khu đô thị cảng Hiệp Phước.

Nhà tồi tàn, đường nhếch nhác

Vừa vào khu đô thị cảng Hiệp Phước (rộng hơn 3.900 ha, bao gồm toàn bộ xã Hiệp Phước với hơn 3.100 hộ dân và một phần xã Long Thới, huyện Nhà Bè), chúng tôi phải đi qua con đường lầy lội có tên Mương Lớn ở ấp 2, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè. Đoạn đường chỉ 1,2 km nhưng chúng tôi phải trầy trật mất gần 1/2 giờ. Ông Trương Văn Thủy ngụ 102/5 tổ 5, ấp 2 cho biết con đường này xuống cấp đã lâu, huyện phải thường xuyên dặm vá thì người dân mới có thể đi lại được.

Dừng chân trước căn nhà tồi tàn 169/5B ấp 2, xã Hiệp Phước, chúng tôi được chủ nhà là ông Nguyễn Văn Ta cho hay: Kể từ khi có quyết định thu hồi đất, gia đình ông và nhiều hộ dân xung quanh chịu rất nhiều thiệt thòi. Chỗ ở hiện tại quá nhếch nhác, nơi ở mới thì chờ mãi mà vẫn chưa được bố trí. Số tiền hỗ trợ tạm cư của gia đình ông đã bị cắt. Một số hộ dân tại đây do chưa được bố trí tái định cư nên phải sống tạm bợ trong một ngôi chùa gần đó.

Bức xúc kéo dài

Từ khi quy hoạch được công bố vào năm 2004, người dân đã bị hạn chế nhiều quyền lợi về nhà, đất. Đến năm 2007 thì gần như bị cấm hẳn khi UBND TP có thông báo yêu cầu “trong thời gian chờ phê duyệt và công bố quy hoạch, UBND TP chủ trương tạm dừng việc chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, không giao đất cho các dự án khác tại khu đô thị cảng Hiệp Phước”.

Vì “lệnh cấm” trên mà nhiều năm qua, hàng ngàn hộ dân không được giải quyết chuyển mục đích sử dụng đất. Năm 2009, huyện chỉ giải quyết chuyển mục đích sử dụng đất cho những trường hợp thuộc diện khó khăn về nhà ở và từ cha mẹ cho con. Nhưng từ năm 2012, khi quy hoạch chung 1/5.000 của khu đô thị cảng Hiệp Phước được duyệt, không còn trường hợp nào được giải quyết nữa.

Nhiều năm qua gia đình ông Nguyễn Văn Ta (169/5B ấp 2, xã Hiệp Phước, Nhà Bè) phải sống trong căn nhà tồi tàn này. Hàng xóm của ông có người phải vào chùa ở tạm. Ảnh: V.HOA

Tháng 3-2014, trong buổi làm việc với UBND huyện Nhà Bè, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín chỉ đạo: Đối với các dự án chưa có quyết định thu hồi đất, chưa có quy hoạch 1/500, chưa có chủ đầu tư thì mọi quyền lợi của người dân phải được giải quyết bình thường tại khu đô thị cảng Hiệp Phước. Tuy nhiên, đã hơn tám tháng trôi qua nhưng chỉ đạo này vẫn chưa được thực hiện.

“Việc cấm chuyển mục đích sử dụng đất khiến người dân rất bức xúc. Huyện cũng muốn sớm giải quyết nhưng do TP chưa có văn bản chính thức bãi bỏ thông báo trước đây nên huyện chưa thể thực hiện” - ông Nguyễn Văn Trường giải thích.

Một vấn đề nữa là nhiều năm qua huyện Nhà Bè cũng phải rất cân nhắc khi đầu tư, sửa chữa đường sá phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. “Khi làm giao thông nông thôn, chúng tôi chỉ chọn những tuyến có đông dân và thực hiện trên nền hiện trạng chứ không dám mở rộng. Bởi sau này thực hiện theo quy hoạch mới thì toàn bộ công trình cũ phải xóa bỏ” - ông Trường nói.

Khu đô thị Thủ Thiêm đã giải phóng xong mặt bằng

“Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã cơ bản hoàn thành việc giải phóng mặt bằng sau gần 20 năm triển khai. Để hoàn thiện toàn bộ hạ tầng của khu đô thị Thủ Thiêm cần vài chục ngàn tỉ đồng” - ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP, cho biết tại lễ ký kết hợp đồng BT với Công ty Đại Quang Minh triển khai dự án bốn tuyến đường chính, dự án quảng trường trung tâm và khu công viên bờ sông trong khu đô thị Thủ Thiêm ngày 1-12.

Ông Tín yêu cầu Công ty Đại Quang Minh cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng để hoàn thành bốn tuyến đường vào năm 2017 như đã cam kết. Ban quản lý khu đô thị Thủ Thiêm và UBND quận 2 phải giải quyết nhanh các thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.

Theo ông Trần Bá Dương, Tổng Giám đốc Công ty Đại Quang Minh, bốn tuyến đường chính có tổng chiều dài gần 12 km gồm 10 cây cầu, tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỉ đồng.

_____________________________________

Quy hoạch khu đô thị mới có nghĩa là xây mới hoàn toàn, không chấp nhận bất kỳ một khu dân cư hiện hữu nào. Những khu vực đã có quyết định thu hồi đất người dân bị ảnh hưởng rất nặng nề. Nhất là trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận và cấp phép xây dựng.

Ông ĐOÀN NHẬT, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh

Người dân cho rằng quy hoạch khu đô thị mới Hiệp Phước là đúng đắn. Nhưng quy hoạch kéo dài quá khiến họ rất mệt mỏi, khổ sở. Đến nay người dân vẫn chưa được giải đáp thỏa đáng là khi nào thực hiện quy hoạch, khi nào xong.

Ông NGUYỄN VĂN TRƯỜNG,
Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè

Khu đô thị Tây Bắc: 10 năm chỉ giải phóng được 30%

Khu đô thị này có quy mô lớn nhất TP (9.000 ha, có khoảng 10.000 hộ dân của sáu xã bị ảnh hưởng) nhưng sau 10 năm chỉ mới giải phóng mặt bằng được khoảng 30%. Hạ tầng chính của toàn dự án (gồm sáu tuyến đường) đến nay cũng mới chỉ ở giai đoạn kêu gọi đầu tư.

Việt Hoa (PLTP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.