Tuy nhiên, suốt 15 năm qua, khu dân cư có hơn 120 hộ dân thường xuyên sống trong cảnh mưa lầy, nắng bụi. Ðường đi lại do dân tự làm bằng đủ loại vật liệu, gạch đá, đất cát, cống rãnh thoát nước không có, hệ thống chiếu sáng... không được đầu tư. Người dân phải tự góp tiền xây cống thoát nước thải, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng. Nhưng do tự phát, thiếu kết nối và quy hoạch chung nên tình trạng ngập úng trong mùa mưa, mùa nắng lại mù mịt bụi đất kéo dài.
Bí thư Chi bộ 9 (An Hải Bắc), Vũ Duy Mưu cho biết: Hàng chục năm nay, bà con nhân dân các tổ 26, 27, 28 và 29 liên tục có đơn kiến nghị, chất vấn trực tiếp tại các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu HÐND thành phố, đề nghị chính quyền đầu tư hệ thống giao thông, thoát nước và chiếu sáng. Sự việc kéo dài nhiều năm nhưng không ai trả lời, cũng không được đầu tư. Bà con có đơn kiến nghị, nếu thành phố khó khăn về vốn, người dân xin được góp vốn theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Tuy nhiên, UBND quận Sơn Trà cho biết, khu vực nói trên đã nằm trong dự án Khu thương mại dịch vụ đông nam nút giao thông Phạm Văn Ðồng - Ngô Quyền nên không thể thực hiện. Còn việc bao giờ nhà nước đầu tư cũng không ai dám trả lời.
Từ tháng 2-2010, Ban Quản lý dự án công trình Bạch Ðằng Ðông triển khai thực hiện đồ án quy hoạch xây dựng, giải tỏa, bố trí tái định cư khu đất thương mại dịch vụ ở nút giao thông Phạm Văn Ðồng - Ngô Quyền. Hơn 80 hộ dân được bố trí đất ở nơi khác để di dời, giải tỏa. Song, hơn ba năm qua, do bố trí nguồn vốn nhỏ giọt, lại chưa có phương án xây dựng công trình gì tại khu đất này, nên việc giải tỏa chắp vá, có nhà đã dời đi, để lại tường nhà, gạch đá ngổn ngang, cỏ dại và rác chất từng đống, trở thành nơi hút chích ma túy, mại dâm, nơi đổ rác, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Bí thư Ðảng ủy kiêm Chủ tịch UBND phường An Hải Bắc Nguyễn Thành Nam cho biết: Khu đất đã được giao cho Ban Quản lý Bạch Ðằng Ðông, trở thành điểm nóng ngay tại đầu tuyến đường Phạm Văn Ðồng, cầu Sông Hàn. Phường nhiều lần kiến nghị, nhưng hiện tại dân đang sống đan xen giữa những căn nhà hoang, khu đất trống..., mà Ban quản lý thì không thấy đâu. Chúng tôi cho dọn dẹp, xử lý, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó là rác lại đầy lên, ô nhiễm kinh khủng.
Ông Nguyễn Văn Hưng, người dân tổ 28 bức xúc: Theo quy định của TP Ðà Nẵng, những khu dân cư ổn định, có nhà ở hơn 50% sẽ được đầu tư làm đường nhựa, thoát nước..., thế nhưng khu vực này hình thành đã 22 năm, nhà ở đến hơn 90%, lại ba không: không đường, không điện, không thoát nước, chả khác gì vùng sâu, vùng xa trong lòng thành phố. Trong khi đó, chỉ cách con đường 7 m, là khu tái định cư D84, dù tỷ lệ nhà ở mới chỉ 20-25% đã có đầy đủ cơ sở hạ tầng khang trang. Thành phố "quên" mất chúng tôi rồi chăng?