Theo ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI, về lâu dài, phải cho DN kinh doanh vàng các công cụ để phòng ngừa rủi ro chứ không thể yêu cầu họ bán ra rồi bị động ngồi chờ nguồn cung từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Tập đoàn DOJI

Theo ông, việc NHNN tuyên bố bình ổn thị trường, không bình ổn giá có hợp lý?

Theo tôi, có 3 yếu tố chi phối và tác động thị trường là do cung, cầu và giá.

Riêng đối với vàng, quan sát nhiều năm và là người tham gia thị trường tôi thấy rằng yếu tố cung – cầu tác động rất mạnh đến thị trường chứ không phải đến từ yếu tố chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế.

Chính cung – cầu mới là ngòi nổ cho tình trạng bán tháo hay rồng rắn lũ lượt mua vàng. Yếu tố giá đã bị quan hệ cung – cầu làm cho lu mờ và không ảnh hưởng nhiều đến thị trường.

Quan điểm của NHNN là chỉ bình ổn thị trường chứ không bình ổn giá. Theo tôi hiểu, có lẽ “không bình ổn giá” ở đây là không tìm mọi cách san bằng độ vênh giá vàng trong nước với giá quốc tế, chứ mục tiêu quản lý và bình ổn thị trường mà NHNN đang hướng tới đã nằm trong nội hàm bình ổn giá vàng trên trị trường nội địa.

Tôi cho rằng, khái niệm “bình ổn thị trường” ở đây trong phạm trù ổn định thị trường, nghĩa là không có hỗn loạn, gây nên những cơn sốt, ai có nhu cầu vàng, ai cần mua vàng thì sẽ có vàng để mua, do đó yếu tố đầu cơ sẽ bị đẩy lùi. Như vậy, mục tiêu tăng cung để ổn định thị trường đã có hiệu quả rõ rệt.

Hãy thử hình dung nếu như như trong khoảng thời gian “ bi thảm” của thị trường vàng trong hai phiên ngày thứ sáu (12/4) và thứ hai (15/4/2013) vừa qua, giá vàng thế giới sụt xuống 225USD/ounce mà không có nguồn cung vàng từ NHNN qua các phiên đấu thầu để đáp ứng nhu cầu của thị trường thì sẽ ra sao?

Chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng náo loạn của thị trường do lực cầu tăng vọt khi giá xuống quá thấp mà cung không đáp ứng nổi.

Tại sao đã qua 13 phiên đấu thầu và NHNN đã bán ra gần 15 tấn vàng miếng mà chênh lệch giá vàng miếng trong nước và thế giới vẫn ở mức cao?

Vẫn là câu chuyện nguồn cung chưa đủ để đáp ứng khi mà lực cầu vẫn còn rất lớn. Áp lực cầu tăng cao đến từ nhu cầu cần vàng miếng để tất toán các trạng thái huy động vàng trước đây của cac NHTM trước ngày 30/6.

Theo số liệu công bố thì có đến 60 tấn vàng đã được NHTM mua vào để bù trạng thái thiếu hụt và vẫn còn thiếu tới 20 tấn nữa. Đã có gần 15 tấn vàng được đưa ra thị trường thông qua đấu thầu nhưng chừng ấy vẫn là chưa đủ cho sự thiếu hụt của riêng NHTM, chưa tính đến nhu cầu của thị trường tăng cao khi mà giá thế giới đã rớt thê thảm và xuất hiện tâm lý “bắt đáy” của người đầu tư như vừa qua. Ngoài ra, nguyên nhân chênh lệch giá vàng rộng thời gian gần đây còn khởi nguồn từ việc giá thế giới rơi quá nhanh trong khoảng thời gian ngắn.

Bên cạnh đó, mặc dù giá vàng quốc tế xuống rất thấp, nhưng giá USD lại khá ổn định, vì vậy giá vàng thế giới quy đỏi càng thấp hơn so với giá trong nước nên mức chênh lệch lại càng dãn ra.

Chênh lệch giá vẫn cao có phải là thất bại trong chính sách quản lý vàng của NHNN?

Giá chính là hàn thử biểu của thị trường và thị trường là tấm gương phản chiếu của mặt bằng giá cả. Ai cung thấy giá đấu thầu vừa qua là “chat” nhưng sẽ là giá hấp dẫn nếu như NHTM đã bán vàng ra trước đây ở mức cao hơn nhiều và bây giờ chỉ mua vào để bù sự thiếu hụt trạng thái này.

Ngược lại, những tổ chức đã bán vàng ra ở mức 39-40 triệu/lượng và bây giờ phải mua vào qua đấu thầu 42,5 triệu/lượng thì sự thua lỗ hàng trăm tỉ hay nghìn tỉ cũng là điều dễ hiểu. Thị trường vàng có quy luật khắc nghiệt của nó, có lẽ bức xúc của dư luận nằm ở chỗ ai hưởng lợi khi mà giá càng doãng ra có lẽ đã được lý giải nếu như được cắt nghĩa theo thực tế trên.

Tại thời điểm hiện nay với đầy đủ các công cụ trong tay như NHNN đã chia sẻ với công luận thì có lẽ thông qua đấu thầu đã mang lại cho ngân sách một khoản lợi nhuận rất lớn. Tuy nhiên, theo tôi hiểu, mục tiêu chính yếu của NHNN không phải là lợi nhuận, mà vẫn là mong muốn kéo sát giá trong nước với giá vàng quốc tế.

Là DN kinh doanh vàng, ông mong muốn thị trường vàng của Việt Nam như thế nào? Để có một thị trường như vậy thì vai trò quản lý của NHNN có cần thiết không?

Thị trường vàng thời gian dài vừa qua phát triển một cách tự phát và bị méo mó. Để đưa nó trở lại trật tự và vào khuôn phép thì cần phải áp dụng các biện pháp can thiệp hành chính.

Khi đã can thiệp hành chính thị trường bao giờ cũng có những hiệu quả tức thì, nhưng về mặt lâu dài cần điều hành thị trường vàng vận hành theo quy luật của thị trường. Mà đã chấp nhận sử dụng các biện pháp hành chính để can thiệp thì tôi cho rằng cầng phải triển khai quyết liệt, đồng bộ và có thời hạn.

Về lâu dài, đối với các DN, tôi cho rằng đã cho họ kinh doanh vàng thì hãy cho họ các công cụ để phòng ngừa rủi ro chứ không thể yêu cầu họ bán ra rồi bị động ngồi chờ nguồn cung từ NHNN.

Hà Tâm (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.