15/12/2020 10:00 PM
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 140/2020/NĐ-CP nhằm xử lý triệt để vướng mắc về đất đai để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 140/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 126/2017/NĐ-CP, Nghị định 91/2015/NĐ-CP và Nghị định 32/2018/NĐ-CP, nhằm xử lý triệt để vướng mắc về đất đai để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa (CPH).

Đã có quy định, nhưng không làm

Vướng mắc lớn nhất khiến giai đoạn 2016 - 2020 chỉ hoàn hành được khoảng 28% kế hoạch CPH (37/128 doanh nghiệp) là do vướng mắc về đất đai. Theo Nghị định 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần đã quy định, các doanh nghiệp thuộc diện CPH có trách nhiệm rà soát toàn bộ diện tích đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trước thời điểm quyết định CPH.

Theo ông Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, quy định trên chưa tách bạch rõ phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công với phương án sử dụng đất khi CPH. Nghị định 126/2017/NĐ-CP cũng chưa có quy định cụ thể về trình tự, thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất khi CPH. Đây chính là vướng mắc lớn nhất trong xử lý đất đai trước khi thực hiện chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước.

Chia sẻ vấn đề này, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, không chỉ có doanh nghiệp thuộc diện CPH mới bắt buộc phải rà soát toàn bộ diện tích đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất, mà Luật Đất đai, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã quy định, tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có vốn nhà nước phải thực hiện rà soát toàn bộ diện tích đất đang quản lý, sử dụng, lập phương án sử dụng đất của toàn bộ diện tích đất, bảo đảm phù hợp với pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương; phù hợp với chiến lược phát triển doanh nghiệp.

Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã siết lại việc quản lý, sử dụng đất đai theo hướng công khai, minh bạch trên cơ sở yêu cầu tất cả cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan đến đất đai phải thực hiện rà soát lại, lập phương án sử dụng đất, nếu sử dụng không đúng mục đích, quy hoạch, kế hoạch thì phải trả lại Nhà nước.

Ông Tiến cho rằng, đáng ra việc này phải được thực hiện nghiêm túc từ tháng 7/2014 (Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực), nhưng rất nhiều địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có vốn nhà nước không thực hiện do không có chế tài đủ mạnh để xử lý.

Chậm có ý kiến về phương án sử dụng đất sẽ bị kỷ luật

“Tại sao hàng trăm mảnh, hàng ngàn mảnh đất doanh nghiệp quản lý được, mà không sắp xếp được? Chẳng qua là không muốn minh bạch do doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng rất nhiều mảnh đất không đúng mục đích, cho thuê, cho mượn, giờ sắp xếp lại sẽ buộc phải trả lại Nhà nước. Đây là lỗ hổng đã được Nghị định 140/2020/NĐ-CP bịt lại theo hướng quy trách nhiệm cho từng chủ thể”, ông Tiến nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong triển khai Luật Đất đai; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công chưa được thực hiện nghiêm, thường xuyên; nhiều doanh nghiệp chỉ đến khi CPH mới sắp xếp, xử lý đất đai, dẫn đến làm chậm quá trình CPH, phát sinh nhiều vướng mắc chưa được xử lý triệt để dẫn đến gây thất thoát. Việc minh bạch hóa sử dụng đất đai chưa được thực hiện nghiêm túc; vẫn còn có sự chưa phối hợp đồng bộ giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu với cơ quan quản lý đất đai trên địa bàn; còn có hiện tượng né tránh trách nhiệm trong xem xét, xử lý tồn tại, thiếu sót trong thực hiện sắp xếp, xử lý nhà, đất tại các doanh nghiệp nhà nước...

Nghị định 140/2020/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, chính là việc hoàn thiện cơ chế, chính sách phục vụ chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước theo hướng tăng cường công khai, minh bạch, tính đúng, tính đủ giá trị doanh nghiệp khi CPH; tách quá trình xử lý liên quan đến đất đai ra khỏi quá trình CPH theo nguyên tắc, doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất trước khi công bố giá trị doanh nghiệp, qua đó hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình CPH, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán cổ phần và thu hút được nhà đầu tư có tiềm năng.

“Trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày nhận được đề nghị của cơ quan đại diện chủ sở hữu, UBND cấp tỉnh (nơi doanh nghiệp có diện tích đất đang quản lý, sử dụng) phải có ý kiến trả lời về phương án sử dụng đất khi CPH. UBND cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm chỉ đạo việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân chậm có ý kiến chính thức về phương án sử dụng đất khi CPH. Việc chậm có ý kiến về phương án sử dụng đất của doanh nghiệp được xem xét là một căn cứ để đánh giá và phân loại cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức”.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính)
Hàn Tín (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.