Nhiều tín hiệu thị trường cho thấy, lạm phát năm 2011 hiện đã lên đến đỉnh. Từ nay đến cuối năm, lãi suất huy động và vay vốn có thể lùi dần về mức tối đa lần lượt là 14% và 18%/năm. Đó là nhận định của một số chuyên gia kinh tế tại hội thảo “Ngân hàng và doanh nghiệp trước tác động của chính sách tiền tệ” tổ chức hôm qua (6.9) tại Hà Nội.

Tuy nhiên, các ý kiến cũng nhấn mạnh, các doanh nghiệp cũng không nên trông đợi cả vào chính sách tiền tệ và coi việc giảm lãi suất như một cứu cánh cho mình. Bởi tình trạng khó khăn trầm trọng của doanh nghiệp hiện nay có nguyên nhân căn bản là việc mất cân đối từ gốc và sự thiếu tập trung trong hoạt động.


Theo vụ trưởng vụ Dự báo chính sách tiền tệ, ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Đức Nghĩa, nếu nhìn lại mười năm trước đây, tổng phương tiện thanh toán thường tăng trung bình 26 – 27%/năm (một vài năm gần đây tăng tới 30%), thì mức 15% đặt ra cho năm 2011 là khá thấp. Ông Nghĩa cũng thừa nhận, chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao có những tác động bất lợi đến doanh nghiệp. Chính vì vậy, cuối tháng 8 vừa qua, thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã định hướng chính sách rõ ràng, là phải sớm đưa mặt bằng lãi suất cho vay về mức 17 – 19%/năm nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Và NHNN cũng đã ban hành hàng loạt chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện mục tiêu này, như bãi bỏ quy định tỷ lệ cho vay trên vốn huy động; sửa đổi quy định về cho vay ngoại tệ…


Tổng giám đốc ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) Nguyễn Hưng cho rằng, thời gian tới đây, với sự hỗ trợ của NHNN, việc tiếp cận vốn từ ngân hàng của các doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Các ngân hàng lớn đều đã đồng thuận thực hiện mục tiêu giảm lãi suất và hôm nay (7.9), NHNN sẽ làm việc với tất cả các ngân hàng trong hệ thống để chỉ đạo nội dung này. Mặc dù cần có độ trễ nhất định (một vài tháng) để mặt bằng lãi suất đồng loạt giảm, nhưng lãi suất cho vay một số lĩnh vực nhất định sẽ hạ ngay theo yêu cầu của NHNN. “VPBank chúng tôi cũng quyết định cung cấp khoảng 3.000 tỉ đồng, với lãi suất ưu đãi, phục vụ một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực như xuất khẩu, nông, lâm, thuỷ sản, y tế, giáo dục…”, ông Hưng cam kết.


“Không phải hạ lãi suất thì doanh nghiệp sẽ tốt hơn, mà cái chính là các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay phải nhìn lại mình, củng cố lại hoạt động, cơ cấu vốn và chiến lược để có thể phát triển tiếp trong giai đoạn tới”.

TS Vũ Đình Ánh

Viện trưởng viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, TS Đinh Thế Hiển, dự báo, từ nay đến cuối năm, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ lùi dần về 14% và 18%/năm. Cơ sở của nhận định này, là thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện khá dồi dào; chỉ số giá tiêu dùng cũng bắt đầu ổn định và giảm dần; hàng loạt chính sách mới của NHNN đã có tác dụng tháo gỡ những rào cản giảm lãi suất của các ngân hàng thương mại. Việc tín dụng tám tháng qua tăng rất thấp, nghĩa là dư địa tín dụng từ nay đến cuối năm còn khá rộng mở – cơ hội để doanh nghiệp có thể tiếp cận đươc vốn dễ dàng hơn.


Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh, dự báo lạm phát cả năm nay có thể tới 20%, tương đương với năm 2008, nhưng mức tác động còn “kinh khủng” hơn, có thể cảm nhận rõ qua chỉ số bán lẻ hàng hoá và tiêu dùng dịch vụ từ đầu năm đến nay chỉ ở mức 6 – 7%, nếu trừ đi yếu tố tăng giá – mức rất thấp. Tuy nhiên, ông Ánh cũng cho rằng, nhìn vào một số chỉ tiêu thống kê, như tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng xuất khẩu, tăng trưởng sản xuất công nghiệp đều tương đối khả quan, do vậy, chưa hẳn chính sách tiền tệ thắt chặt đã “bóp nghẹt” doanh nghiệp.


Theo ông Ánh: “Vấn đề lãi suất chỉ là một trong những yếu tố làm trầm trọng hoá tình trạng doanh nghiệp, còn nguyên nhân căn bản là việc mất cân đối từ gốc và sự thiếu tập trung trong hoạt động của họ. Lãi suất hiện nay đã lên đến đỉnh, lãi suất tín dụng sẽ dần hạ xuống. Mặc dù vậy, không phải hạ lãi suất thì doanh nghiệp sẽ tốt hơn, mà cái chính là các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay phải nhìn lại mình, củng cố lại hoạt động, cơ cấu vốn và chiến lược để có thể phát triển tiếp trong giai đoạn tới”

Theo Thảo Nguyễn (SGTT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.