Sự cố nước sạch Hà Nội nhiễm dầu thải cho thấy công tác giám sát, kiểm tra chất lượng nước chưa chặt chẽ, việc bảo vệ nguồn nước đầu vào rất đáng báo động.

Thông tư số 24 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) quy định việc xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình khai thác nước mặt đã được quy định rất rõ với khoảng cách từ 1.000-1.500 m tùy theo quy mô công trình. Tuy nhiên, từ sự cố nhiễm dầu đầu nguồn Nhà máy Nước sạch Sông Đà cho thấy việc kiểm soát khu vực được bảo hộ vệ sinh còn rất lỏng lẻo.

Có quy định nhưng thực thi yếu

Bộ TN-MT cũng quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân là phải bảo vệ nguồn nước khi trực tiếp khai thác, sử dụng; theo dõi, giám sát các hoạt động trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình.

Luật sư (LS) Trần Tuấn Anh (Đoàn LS TP Hà Nội) cho biết trong Thông tư số 24 cũng quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo thanh kiểm tra, giám sát các hoạt động trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trên địa bàn. Cùng với đó, UBND cấp huyện, xã thực hiện các biện pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn. Đồng thời, tiếp nhận thông tin, giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt. "Tuy nhiên, dẫn chiếu từ sự việc đổ trộm dầu thải vừa xảy ra, vai trò của UBND các cấp đã được thể hiện hay chưa, các cơ quan này đã làm tròn trách nhiệm giám sát khu vực bảo hộ vệ sinh nguồn nước chưa, khi xảy ra sự cố cũng không ứng phó kịp thời mà phải đến khi dư luận lên án, họ mới vào cuộc?" - LS Trần Tuấn Anh đặt vấn đề.

Hiện việc quản lý nguồn nước liên quan đến rất nhiều bộ như Y tế, Xây dựng, TN-MT và chính quyền các địa phương. Tuy nhiên, sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước còn chậm trễ, bị động, thiếu những cảnh báo kịp thời cho người dân. Ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam, cho rằng các cơ quan chức năng còn rất lúng túng khi xử lý sự cố, việc huy động nguồn lực, trang thiết bị để ứng phó cũng chưa đáp ứng khiến sự việc xảy ra gần 1 tuần mới có những kết quả xét nghiệm ban đầu. Ông Sơn cũng đặt vấn đề về việc kiểm soát nguồn nước đầu vào của Nhà máy Nước sạch Sông Đà còn bất cập bởi nước bị nhiễm dầu nhưng vẫn cho chảy vào hệ thống xử lý.

Các quy định về giám sát, quy chuẩn chất lượng nước sạch sử dụng cho sinh hoạt đã được nêu rõ trong Thông tư số 41 của Bộ Y tế. Trước khi đưa nguồn nước vào sử dụng phải xét nghiệm tất cả các chỉ tiêu theo quy chuẩn của Bộ Y tế. Đồng thời, khi xảy ra sự cố phải thông báo chất lượng nước hằng ngày cho cơ quan quản lý và khách hàng để xử lý. Thế nhưng trong sự việc vừa qua, phải mất gần 1 tuần, Sở Y tế TP Hà Nội mới có kết quả xét nghiệm chất lượng nguồn nước. Trong khi đó, hàng vạn hộ dân Hà Nội vẫn phải sử dụng nước nhiễm Styren để ăn, uống.

Người dân Hà Nội phải mua nước đóng bình để ăn uống sau sự cố nước sạch nhiễm dầu thải

Giám sát tự động

Sau sự cố nhiễm dầu khiến hàng vạn hộ dân Hà Nội lao đao trong cơn khủng hoảng nước sạch, các cơ quan chức năng của TP Hà Nội đã bước đầu nhận ra những lỗ hổng trong an ninh nguồn nước. Theo ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội, sau khi xác định nước đầu nguồn bị đổ trộm dầu thải, các cơ quan chức năng của TP đã xem xét, yêu cầu Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) xây dựng kế hoạch bảo vệ nguồn nước, lắp đặt hệ thống camera giám sát, theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời những tác động gây ảnh hưởng đến nguồn nước cấp cho nhà máy.

UBND tỉnh Hòa Bình cho rằng Viwasupco cần khẩn trương lắp đặt tuyến ống dẫn nước kín trực tiếp từ sông Đà về nhà máy, thay vì lấy nước qua các kênh dẫn hở như hiện nay. Về lâu dài, để bảo đảm chất lượng nước mặt sông Đà cung cấp cho nhà máy, tỉnh Hòa Bình yêu cầu Viwasupco phải tăng cường phương án bảo vệ nghiêm ngặt nguồn nước, bảo đảm ổn định chất lượng nguồn nước. Đồng thời, tiếp tục duy trì, kiểm soát chặt việc thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nước và chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình hồ Đầm Bài.

Trao đổi với Báo Người Lao Động về giải pháp để bảo đảm an ninh nguồn nước, đại biểu Quốc hội Nghiêm Vũ Khải - Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - cho rằng không thể chờ đợi vào sự giám sát thủ công và việc lấy mẫu nước kiểm tra định kỳ phải được thực hiện chặt chẽ, tuân thủ pháp luật hơn. Theo ông Khải, cần có các hệ thống quan trắc, phân tích số liệu, chỉ số tự động, để khi có dấu hiệu ô nhiễm sẽ kịp thời báo về trung tâm chỉ huy, tạm ngừng lấy nguồn nước vào hệ thống xử lý của nhà máy.

Ông Nghiêm Vũ Khải cũng cho rằng nếu khi doanh nghiệp đầu tư các hệ thống quan trắc hiện đại thì giá thành nước sẽ cao lên, do đó người dân cần nhìn nhận cả 2 mặt của vấn đề, để hài hòa lợi ích của các bên. "Bên cạnh đó, cần có các phương án nguồn nước đầu vào dự phòng, để khi xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước thì lập tức có nguồn nước thay thế" - đại biểu Nghiêm Vũ Khải đề xuất. Vị đại biểu Quốc hội cũng kiến nghị hệ thống sản xuất, cấp nước sạch sinh hoạt phải được nâng cấp hiện đại hơn, đồng bộ hơn để đáp ứng nhu cầu, không thể vận hành theo lối tư duy "hết chỗ này thì lấy chỗ kia bù vào".

Dừng sản xuất khi nước đầu vào không bảo đảm

UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu Viwasupco xây dựng phương án, trang bị các phương tiện, thiết bị cần thiết và thực hiện các biện pháp kịp thời ứng phó, khắc phục các sự cố ảnh hưởng tới nguồn nước. Trường hợp không bảo đảm chất lượng nguồn nước đầu vào, phải ngừng ngay hoạt động sản xuất, báo cáo đến các cơ quan chức năng của địa phương và trung ương.

Minh Chiến (NLĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.