17/02/2023 1:35 PM
Trong bối cảnh thua lỗ 1.944 tỷ đồng và không có khả năng trả nợ, Xi măng Quang Sơn được Bộ Công thương kiến nghị cho phép điều chỉnh giấy phép khai thác, bổ sung sản lượng 5 triệu tấn/năm để tạo nguồn trả nợ cho khoản nợ quá hạn 917 tỷ đồng.

Xi măng Quang Sơn được Bộ Công thương kiến nghị cho phép điều chỉnh giấy phép khai thác, bổ sung sản lượng 5 triệu tấn/năm để tạo nguồn trả nợ hàng nghìn tỷ đồng

Mới đây, Bộ Công thương đã có văn bản báo cáo, cung cấp một số tài liệu liên quan đến quá trình đề xuất, triển khai thực hiện dự án nhà máy Xi măng Quang Sơn, cho đoàn thanh tra của Tổng thanh tra Chính phủ về việc thanh tra toàn diện dự án này.

Được biết, dự án nhà máy Xi măng Quang Sơn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 140/QĐ-TTg ngày 8/2/2002, do Tổng công ty cổ phần xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) làm chủ đầu tư, đặt tại xã Quang Sơn, H.Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.

Dự án này được thiết kế với công suất 1,51 triệu tấn xi măng/năm, tổng mức đầu tư 3.791 tỷ đồng từ vốn vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB); Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV); Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài của Bộ Tài chính; Ngân hàng BNP-Paribas (Pháp) và vốn của Vinaincon là 200 tỷ đồng.

Dự án khởi công từ năm năm 2003, dự kiến đi vào hoạt động năm 2005 nhưng do khó khăn về vốn, giải phóng mặt bằng nên tháng 10.2010 mới đi vào hoạt động.

Để quản lý, vận hành dự án, Vinaincon đã thành lập Công ty TNHH một thành viên xi măng Quang Sơn (gọi tắt là Công ty xi măng Quang Sơn), bắt đầu hoạt động từ tháng 7/2011. Nhưng từ khi hoạt động đến nay, Xi măng Quang Sơn liên tiếp thua lỗ.

Mặc dù có lãi trong 3 năm từ năm 2019 (lãi 200 tỷ đồng), năm 2020 (lãi 2020 tỷ đồng), năm 2021 (lãi 123,4 tỷ đồng) nhưng do chi phí tài chính lớn nên doanh nghiệp này vẫn không đủ trả lãi cho các tổ chức tín dụng và Bộ Tài chính, chưa tính đến nợ gốc.

Tính đến hết năm 2022, Xi măng Quang Sơn có dư nợ vay dài hạn 3.597 tỷ đồng, lỗ lũy kế 1.944 tỷ đồng và nợ quá hạn các tổ chức tín dụng 917 tỷ đồng.

Theo Bộ Công thương, Công ty xi măng Quang Sơn hiện không đủ vốn lưu động để sản xuất kinh doanh và việc tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn do tình hình tài chính mất cân đối, toàn bộ tài sản đã thế chấp cho các khoản vay dài hạn…

Do đó, để cải thiện tình hình tài chính, thoát lỗ và có đủ nguồn trả nợ cho Bộ Tài chính và các tổ chức tín dụng và việc tiếp tục duy trì sản xuất nhà máy xi măng Quang Sơn, Bộ Công thương kiến nghị cho phép điều chỉnh giấy phép khai thác, bổ sung sản lượng 5 triệu tấn/năm để tạo nguồn trả nợ cho doanh nghiệp này.

Trước đó năm 2018, Công ty Xi măng Quang Sơn từng được đề nghị bàn giao lại cho Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) của Bộ Xây dựng quản lý, tái cơ cấu, song VICEM đã thẳng thừng từ chối.

Phía VICEM cho hay, Xi măng Quang Sơn đang gánh trên vai khoản nợ khổng lồ (vốn vay lên đến 95% tổng mức đầu tư), nhà máy lại nằm ở vị trí không thuận lợi cho giao thông và vận chuyển sản phẩm, cũng như thị trường tiêu thụ, chi phí giá thành cao... Với thể trạng “sức khỏe” như vậy, rất khó để tái cơ cấu trong bối cảnh thị trường đang dư cung lớn như hiện nay.

Thiên An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.