Quyết định 33/2014 của UBND TP.HCM không đặt ra điều kiện tách thửa nhằm mục đích gì. Thế nhưng Sở TN&MT lại có văn bản lưu ý các quận/huyện không cho tách thửa vì mục đích kinh doanh.
“Hiện quận đang giải quyết bình thường nhưng vẫn lấn cấn trước công văn của Sở TN&MT. Rõ ràng vặn vẹo dân tách thửa để ở hay kinh doanh rồi mới giải quyết hay không là không ổn. Dân sẽ bức xúc, khiếu nại” - phó chủ tịch một quận cho hay sau khi nhận Công văn 142/2016 của Sở TN&MT vừa gửi UBND các quận/huyện.
Quyết định 33/2014 không hạn chế diện tích khu đất được tách thửa cũng như số thửa được tách. Ảnh: HTD
Sở: Quận/huyện hiểu chưa đúng
Tại Công văn 142, Sở TN&MT cho hay Quyết định 33/2014 được TP.HCM ban hành nhằm áp dụng cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở, có nhu cầu tách thửa để ở. Thế nhưng có một số quận/huyện, cán bộ chưa hiểu đúng hoặc cố tình hiểu sai nội dung của Quyết định 33 nên cho nhiều trường hợp được tách thửa, chuyển mục đích nhằm chuyển nhượng kinh doanh. Điều này gây ảnh hưởng tới công tác quản lý nhà nước, hình thành những khu dân cư không đảm bảo hạ tầng kỹ thuật.
Sở TN&MT đề nghị các quận/huyện hiểu đúng, áp dụng đúng Quyết định 33; phải rà soát tổng hợp các trường hợp đã xử lý, đánh giá nhu cầu thực sự của người sử dụng đất, tính chất mức độ vi phạm nếu có.
Quận/huyện: Có gì sai mà cấm?
“Quận không thể biết trường hợp nào xin tách thửa để kinh doanh hay để sử dụng. Quyết định 33 không hạn chế diện tích khu đất được tách thửa cũng như số thửa được tách. Quận không thể suy đoán trường hợp đất vài ngàn mét vuông, tách ra nhiều nền thì chủ đất sẽ chuyển nhượng, kinh doanh. Mà nếu họ chuyển nhượng thì cũng có gì sai pháp luật mà cấm?” - vị phó chủ tịch đặt câu hỏi.
Ông Thân Thế Hùng, Trưởng phòng TN&MT quận 12, cho hay sau công văn của Sở, quận vẫn giải quyết việc tách thửa cho người dân như lâu nay. “Việc tách thửa chuyển mục đích sử dụng đất dựa vào các yếu tố: Phù hợp quy hoạch, đảm bảo cơ sở hạ tầng và đủ diện tích tối thiểu theo quy định. Quận không hỏi người dân tách để làm gì, ở hay bán” - ông nói.
Để quản lý chặt chẽ hơn, ông Hùng cho hay sau khi nhận Công văn 142, quận 12 đã cho lập tổ công tác phối hợp với UBND các phường để rà soát các khu đất lớn còn trống nhằm hạn chế việc tách thửa manh mún. “Đây là thẩm quyền, chức trách của quận/huyện được quy định tại Quyết định 33” - ông giải thích.
Luật sư Huỳnh Văn Nông, Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích: Phạm vi điều chỉnh của Quyết định 33 là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có yêu cầu tách thửa đất, Quyết định 33 không đặt ra điều kiện tách thửa nhằm mục đích gì. “Do đó công văn của Sở TN&MT nói rằng Quyết định 33 không áp dụng cho trường hợp tách thửa để chuyển nhượng kinh doanh là chưa phù hợp. Coi chừng có tình trạng cán bộ cố tình làm khó, họ chìa công văn của Sở để vặn vẹo, bắt bẻ người dân” - ông lưu ý.
Nhắc nhở để chống biến tướng, lợi dụng
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, khẳng định công văn của Sở không hạn chế quyền lợi hợp pháp của người dân trong việc tách thửa, chuyển nhượng đúng pháp luật. Mục đích của công văn là nhắc nhở các quận/huyện về tình trạng một số người lợi dụng chính sách tách thửa bán nền mà không phải bỏ tiền đầu tư hạ tầng.
“Nhìn thấy hiện tượng này là một mối nguy trong công tác quản lý đất đai, Sở là cơ quan quản lý chung thấy cần phải lên tiếng lưu ý. Những khu đất trống lớn mà không đầu tư theo quy định của một dự án, chỉ xẻ đường giao thông rồi phân lô tách thửa xây nhà thì tương lai đô thị sẽ ra sao?” - ông Thắng bày tỏ.
Theo ông, Công văn 142 của Sở là một văn bản hành chính đưa ra các nội dung cần thực hiện cho các cơ quan liên quan để chấn chỉnh tình trạng. Còn giải quyết việc tách thửa đất ở cho người dân, các quận/huyện cứ căn cứ vào Quyết định 33 để thực hiện.
Ông cho biết tại Công văn 142, Sở cũng lưu ý các quận/huyện giải quyết ngay các hồ sơ tách thửa chuyển mục đích đúng quy định pháp luật. “Quyết định 33 sắp tới sẽ được điều chỉnh một số nội dung sau khi Nghị định 43/2014 hướng dẫn Luật Đất đai 2013 được sửa đổi theo hướng thuận lợi hơn cho người dân” - ông Thắng nói.
Nhiều khu đất lớn phân lô hạ tầng kém chất lượng
Qua xem xét một số hồ sơ đang hỏi ý kiến về việc cung cấp điện tại Sở Công Thương TP.HCM khi tách thửa theo Quyết định 33, Sở Công Thương thấy một số trường hợp lên đến vài ngàn mét vuông, thậm chí hơn 7.000 m2.
“Xuống thực tế thấy xót ruột, có những khu đất trống lớn, đẹp mà hạ tầng kỹ thuật rất thô sơ. Tại đây, những con đường mới mở không chừa vỉa hè hoặc chừa rất ít, cắm vài cột điện, thậm chí xài chung trạm điện công cộng bên ngoài. Khi Sở yêu cầu ngầm hóa lưới điện để phù hợp quy hoạch, một số chủ đầu tư phản ứng vì chi phí cao, họ phải chừa lề đường nhiều hơn nên đất kinh doanh giảm lại” - Phó phòng Năng lượng thuộc Sở Công Thương TP.HCM, bà Lương Xuân Nhung, cho hay.
Cẩm Tú (Pháp luật Tp.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.