"Gia đình mới vào ở được 16 ngày mà đã xài hết 50m3 nước do vòi nước bị hở khiến nước chảy liên tục. Tầng trên mà có người tắm là phòng tắm nhà tôi ướt hết do nước chảy từ trên xuống. Vào toilet là phải đội nón. Ở đây, nhà nào cũng vậy".

Giải quyết tái định cư cho người dân sau khi thu hồi đất lâu nay vẫn là vấn đề trăn trở tại TP.HCM. Bởi tái định cư không đơn giản là bố trí nơi ở mới mà còn là câu chuyện giải quyết việc làm, lợi ích người dân và nhiều vấn đề xã hội khác. Trên thực tế, bài toán an dân trong tái định cư vẫn treo lơ lửng, chưa có đáp án thỏa đáng cho người bị thu hồi đất.

Kỳ 1: Nhà tái định cư, chưa ở đã xuống cấp

Mẫu số chung của các căn hộ chung cư tái định cư tại TP.HCM là tình trạng xuống cấp trầm trọng. Thậm chí, nhiều chung cư mới đi vào sử dụng 2 – 3 năm đã có dấu hiệu ọp ẹp.

Tình trạng thấm nước, nứt tường phổ biến ở hầu hết các chung cư tái định cư tại TP.HCM

Đụng đâu hư đó

Tại các chung cư tái định cư như: Chu Văn An ở quận Bình Thạnh, An Sương ở quận 12, Thủ Thiêm ở quận 2... tình trạng nứt dọc tường nhà, tường tróc sơn, thấm nước, hệ thống thoát nước không thoát nước, gây ngập vào mùa mưa… đã xảy ra từ nhiều năm nay.

Thậm chí, tình trạng xuống cấp tương tự còn xảy ra tại các chung mới sử dụng từ 2 – 3 năm trở lại đây. Chung cư Thạnh Mỹ Lợi, thuộc phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, được đưa vào sử dụng năm 2009. Hiện người dân đang sinh sống tại chung cư này rất bức xúc về tình trạng xuống cấp kéo dài mà… không ai ngó ngàng tới.

Chị Ngô Thị Huệ, số nhà 103, lô B5, chung cư tái định cư Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, bức xúc: “Hồi tôi mới vào ở là hầu như toàn bộ đồ đạc trong nhà này đã hư hỏng cả rồi. Cái quạt máy mắc trên trần tự dưng gãy cánh khi đang quạt, bồn cầu thì nứt, vòi nước hư hỏng. Tôi còn nhớ, gia đình tôi mới vào ở được 16 ngày mà đã xài hết 50m3 nước do vòi nước bị hở khiến nước chảy liên tục. Chưa hết, tầng trên mà có người tắm là phòng tắm nhà tôi ướt hết do nước chảy từ trên xuống. Vào toilet là phải đội nón. Ở đây, nhà nào cũng vậy”.

Chị Huệ đã làm đơn gửi lên Ban quản trị 2 lần, đợi hơn 2 tháng, cuối cùng chị phải tự bỏ chi phí ra sửa và cam kết tự chịu trách nhiệm nếu xảy ra sự cố trong khi sửa chữa.

Bà Trần Ngọc Yến, số nhà 104, lô B5 thì kể: “Tôi nhớ ngày đầu mới nhận nhà, bước vào nhà định mở cửa sổ cho thoáng, vừa chạm tay vào thì chốt cửa gãy lìa, thanh sắt đâm vào tay chảy máu. Tường nhà còn có nhiều vết nứt vừa được sơn phết lại. Những hôm trời mưa thì nước từ cống trào lên ban công, phải tát liên tục. Những hộ ở dưới còn khổ hơn, hễ mưa là ngập nước, rác rưởi, chất thải tràn vào cả trong nhà”.

Điện hành lang mỗi hộ gia đình phải đóng 20.000 đồng/tháng nhưng đèn hư hỏng thì không ai sửa chữa. Hầu hết trần nhà các lô nhà 4 tầng từ B1 đến B6 đều đã tốc mái. Trời mưa, nước dội thẳng xuống hành lang trước các căn hộ nên những hộ dân ở đây phải… tát nước theo mưa.

Chị Huệ cho biết: “Mái nhà bị thủng từ hồi bão số 1 đầu năm tới giờ mà có thấy ai lên sửa chữa đâu”.

Dân cứ kêu, nhưng đâu vẫn vào đấy

Về những phản ánh của người dân khi yêu cầu sửa chữa không được đáp ứng, ông Trần Vĩnh Tú, Phó Ban quản trị chung cư Thạnh Mỹ Lợi cho biết: “Có quá nhiều nơi hư hỏng, trong khi đó ở đây chỉ có một đội sửa chữa, chính vì thế số lượng yêu cầu bị tồn đọng lên tới hơn 60%. Thời gian gần đây đã tăng cường thêm một đội, tuy nhiên các đội sửa chữa này không chỉ làm việc tại đây mà còn “chạy sô” cả những nơi khác”.


Mái nhà chung cư Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 hư hỏng từ bão số 1 đến nay chưa ai sửa chữa

Nhận xét về chất lượng các căn hộ tái định cư, ông Tú cũng cho rằng, hiện tại có rất nhiều nơi hư hỏng trong đó chủ yếu là hiện tượng thấm, dột. Kể từ khi bắt đầu sử dụng đến tháng 7/2012, Ban quản trị chung cư đã nhận được 820 phiếu đề nghị bảo hành, bảo trì.

Ngoài 12 lô nhà 4 tầng, Thạnh Mỹ Lợi còn có hai cao ốc tái định cư C1 và C2, được đưa vào sử dụng từ năm 2010, đến nay đã thấy xuất hiện các khe nứt trên tường và thấm nước.

Ban quản lý hai cao ốc này cho biết, thời hạn bảo hành của toà nhà đã hết hồi tháng 2 vừa rồi nhưng đến nay, phía đơn vị bảo hành là Công ty Cổ phần Xây dựng số 5 vẫn còn bảo hành, sửa chữa một số hạng mục như: chống thấm, sơn phết lại tường, xử lý khe lún… Khi nào bảo hành xong sẽ bàn giao lại cho Ban quản lý. Nhưng khi hỏi thời hạn sẽ bàn giao thì Ban quản lý cũng chưa biết là khi nào.

Tương tự, chung cư tái định cư An Phúc - An Lộc, quận 2, chung cư 109 Nguyễn Biểu, thuộc phường 1, quận 5, chung cư Lý Chiêu Hoàng ở quận Bình Tân mới sử dụng từ năm 2008, đã có dấu hiệu xuống cấp, thấm nước, nứt tường nhà.

Còn tại chung cư Tân Mỹ, quận 7, sử dụng từ tháng 2/2010, nhiều hộ dân phản ánh, đã có hiện tượng thấm nước, tróc sơn tường. Ngoài ra, thang máy không đảm bảo an toàn, hệ thống PCCC không có dây dẫn nước trong các hộp chữa cháy.

Về phía cơ quan chức năng, Sở Xây dựng TP.HCM cũng đã có nhiều cuộc kiểm tra chất lượng các chung cư tái định cư trên địa bàn thành phố và ghi nhận tình trạng xuống cấp của những chung cư này, báo cáo với UBND thành phố. Sau đó đề nghị chủ đầu tư và ban quản lý chung cư lên phương án sửa chữa, khắc phục những hư hỏng. Nhưng đến nay, đâu vẫn vào đấy.

Trước tình trạng này, nhiều hộ dân tái định cư ngán ngẫm: “Cứ ở tạm, khi nào có tiền mua nhà thì dọn đi nơi khác. Chứ biết làm sao bây giờ”!

Theo Duy Nguyên - Nguyễn Cường (Infonet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.