Kết thúc phần xét hỏi trong ngày làm việc đầu tiên, 5 cựu quan chức huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) đều phủ nhận cáo buộc đã trực tiếp chỉ đạo phá nhà ông Đoàn Văn Vươn.

Ngày 8/4, ông Phạm Xuân Hoa (nguyên phó Ban chỉ đạo cưỡng chế) bị xét hỏi đầu tiên. Ông nhận vào tháng 11/2011 khi huyện có quyết định cưỡng chế thu hồi 19,3 ha khu đầm nuôi tôm của ông Vươn, ông đã soạn thảo kế hoạch cưỡng chế, tuy nhiên không đề cập đến nội dung tháo dỡ tài sản.

Trả lời câu hỏi ai là người sửa quyết định cưỡng chế, chỉ đạo phá dỡ nhà, ông Hoa khẳng định: Trưởng ban chỉ đạo, ông Nguyễn Văn Khanh. Theo ông Hoa sau khi người nhà ông Vươn nổ súng vào đoàn cưỡng chế, ông không biết ai đã phá nhà của ông Đoàn Văn Quý (em ông Vươn, sống trên cùng khu đất). "Lúc đó anh em đông quá, tôi không kiểm soát nổi", ông nói. Thừa nhận có trách nhiệm trong việc gây thiệt hại cho gia đình ông Quý, nhưng ông Hoa cho rằng hành vi của mình "chỉ có mức độ".

Cựu Phó chủ tịch Nguyễn Văn Khanh. Ảnh: TTXVN.

Theo cáo buộc của cơ quan công tố, ông Phạm Đăng Hoan (nguyên bí thư đảng ủy xã Minh Quang, Tiên Lãng) đã thuê máy xúc đến phá dỡ nhà ông Quý. Khai trước tòa, ông Hoan cho biết: “Việc tổ chức cưỡng chế là của huyện, với trách nhiệm của xã, tôi cũng chỉ tham gia chứ không chỉ đạo".

Cùng bị cáo buộc hành vi phá hủy tài sản, ông Lê Thanh Liêm (nguyên chủ tịch UBND xã Minh Quang) cho rằng, ông được Ban chỉ đạo giao nhiệm vụ vận động gia đình ông Vươn giao lại đất. Trước khi cưỡng chế, ông có tham gia các cuộc họp của UBND huyện nhưng sáng 6/1/2011 khi ra tới hiện trường đã thấy máy xúc đang làm việc.

Về lời khai này, ông Khanh thừa nhận có điện thoại giục người mang máy xúc tới khu vực cưỡng chế nhưng “không nhằm phá dỡ nhà ông Quý”. Ông Khanh cho rằng, chỉ làm theo quyết định của UBND huyện, do vậy người chịu trách nhiệm trong việc này phải là chủ tịch Lê Văn Hiền

“Bị cáo Khanh nói thế là không đúng. Tôi không đề cập đến chuyện tháo dỡ”, ông Hiền phản bác. Cựu chủ tịch Tiên Lãng khẳng định “huyện không có bất cứ chỉ đạo nào về việc tháo dỡ nhà của gia đình ông Vươn và Quý”, mọi việc đều thực hiện theo quyết định giao đất và điều 38 Luật Đất đai.

Tự cho là không biết việc ông Khanh đề cập đến chuyện phá dỡ nhà ông Vươn và Quý, ông Hiền chỉ thừa nhận: "Đã thiếu trách nhiệm".

Để làm rõ người ra lệnh phá dỡ nhà, HĐXX đã thẩm vấn nhiều nhân chứng. Ông Mai Công Nhìu khai, chiều 5/1 có nghe ông Khanh phát lệnh tháo dỡ cho các tổ thực hiện nhiệm vụ. Sau khi thấy nhà trông đầm của ông Vươn bị phá đổ, ông Nhiều nghe thấy ông Khanh tiếp tục ra lệnh phá ngôi nhà 2 tầng. Do nhà xây kiên cố, các lực lượng chuyển sang phá căn nhà mái bằng cạnh đó.

Ông Đoàn Văn Vươn ra tòa với tư cách bị hại. Ảnh: TTXVN.

Ra tòa với tư cách bị hại, ông Đoàn Văn Vươn cho biết sau khi nhận khu đầm ở bãi bồi ven biển đã đầu tư nhiều tiền của và công sức để khai hoang và cải tạo. Chưa kịp thu hồi vốn thì gia định nhận được quyết định thu hồi nên bức xúc. Lúc nhận quyết định thông báo cưỡng chế, ông đã dừng đầu tư nhưng vẫn để em trai xây dựng các công trình trên phần đất đó như chuồng trại, nhà kho, chòi canh…

Không nhớ hết số tiền đầu tư, nhưng ông Vươn không đồng tình với kết luận thẩm định thiệt hại là hơn 295 triệu đồng. ông Vươn xin HĐXX giảm nhẹ mức phạt cho ông Khanh và tăng nặng hình phạt đối với các bị cáo còn lại.

Sáng 9/4, phiên xử tiếp tục với phần tranh tụng.

Nhóm Phóng viên (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.