02/04/2016 7:51 AM
Trong giới kinh doanh bất động sản (BĐS), thuật ngữ “đánh hàng ngoài” ám chỉ việc nhân viên môi giới giao dịch chui các dự án không thuộc công ty chủ quản phân phối.

Môi giới càng “cứng”, tỷ lệ “đánh hàng ngoài” càng lớn. Chưa bàn đến pháp lý của những dự án được bán chui, chỉ riêng hành động này, môi giới đã vi phạm cam kết làm nghề. Các chuyên gia BĐS cho rằng, dù có quy định nhưng chế tài không đủ mạnh sẽ chẳng thể quản được tình trạng nhân viên sàn A bán hàng của sàn B, C, D, tiềm ẩn rủi ro cho người mua nhà.

Tích cực bán… chui

Tìm đến một sàn BĐS có tiếng tại Hà Nội, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị ngỏ ý muốn tìm mua dự án tại quận Thanh Xuân đang được sàn này rao bán rầm rộ. Nhanh chóng, nhân viên môi giới tên M. được bố trí đến tư vấn. Trong quá trình nhận thông tin hỗ trợ, phóng viên chủ đích chuyển hướng sang một dự án khác tại Nam Từ Liêm thì được M. cho biết: “Dự án này sàn em không phân phối nhưng do có mối quan hệ, em đang nắm trong tay 5 suất ngoại giao giá tốt. Nếu chị có nhu cầu, em sẽ dẫn chị đi xem ngay”.

Nhân viên môi giới bất động sản giới thiệu cho khách hàng về một dự án nhà ở tại Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Theo tài liệu mà phóng viên thu thập được, thực tế dự án này đang vướng vào mớ hỗn độn GPMB vì người dân chưa chịu bàn giao đất. Ngoài ra, dự án này cũng mới bị đình chỉ thi công do thiếu giấy phép xây dựng. Đồng nghĩa, mọi hoạt động bán – mua dự án trên thị trường là trái luật. Dù vậy “cò” M. lại khẳng định chắc chắn: “Dự án pháp lý đầy đủ, giá cả ưu đãi. Chị không xuống tiền đặt cọc ngay là mất suất” (?!).

Khi trao đổi về tình trạng này với lãnh đạo sàn thì nhận được câu trả lời: “Sàn có gần 2.000 nhân viên và công ty đã có những quy định chặt chẽ về bán hàng, tuy nhiên xuất hiện đâu đó một số nhân viên bán hàng ngoài. Trường hợp phóng viên phản ánh, công ty đã kiểm tra lại và có hình thức kỷ luật đuổi việc nhân viên M. do làm ảnh hưởng đến uy tín của công ty cũng như lợi ích của khách hàng”. Tuy nhiên, hai tuần trôi qua, "cò" M. vẫn chủ động hẹn gặp phóng viên tại sàn như chưa hề có quyết định… thôi việc (?). Nhân viên này còn nhiệt tình “em vừa có mối tại 3 dự án mà anh chị quan tâm ở những căn tầng đẹp trong khung giá 15 triệu đồng/m2”.

Một môi giới BĐS lâu năm tên B. chia sẻ: “Mỗi sàn chỉ phân phối một vài dự án nhưng nhân viên kinh doanh có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn nên mức độ cạnh tranh vô cùng kinh khủng. Chính vì lẽ đó, việc “đánh hàng ngoài” trong giới này như một cách để tồn tại. Càng những người môi giới lâu năm, nhiều mối quan hệ thì chuyện bán hàng “chui” càng mạnh.”

Nắm kẻ có “tóc”

Cũng theo B., việc “đánh hàng ngoài” có hai cách trực tiếp và gián tiếp. Nhân viên làm trực tiếp thường ôm trong tay 8 - 10 dự án để bán chui cho khách hàng có yêu cầu. Gián tiếp sẽ chuyển khách sang cho đơn vị phân phối chính thức. Cả hai hình thức đều được hưởng hoa hồng khi giao dịch thành công. Tuy nhiên “đánh hàng ngoài” trực tiếp bao giờ cũng hưởng phần trăm hoa hồng cao hơn.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh cho biết, nhân viên sàn A có thể làm chui cho sàn B, trao đổi, tung hứng dự án cho nhau là chuyện đương nhiên của dân trong nghề. Lãnh đạo sàn không thể kiểm soát được vì số lượng nhân viên quá đông đảo. Thậm chí một số sàn vì doanh số dù biết cũng lờ đi. Thực tế, nhiều trường hợp người mua nhà mất tiền oan vì trót đặt cọc mua nhà tại các dự án “đánh hàng ngoài”, yếu pháp lý của các “cò” môi giới. Khi ra khiếu nại, kiện tụng, “cò” đã kịp cao chạy xa bay, sàn chủ quản cũng phủi tay bằng cách khẳng định nhân viên này không nằm trong biên chế thì rủi ro khách hàng lại gánh.

Ông Nguyễn Quốc Khánh - Tổng Giám đốc Sàn DTJ nhấn mạnh: “Phải nắm người có tóc chứ ai nắm kẻ trọc đầu? Điều quan trọng là phải có chế tài mạnh như cấm hành nghề hoặc rút giấy phép nếu sàn nào làm sai để răn đe các lãnh đạo sàn xử lý nghiêm việc các nhân viên bán chui những dự án chưa đủ giấy tờ, thủ tục pháp lý”.

Trong khi đó, ông Phạm Sĩ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam lại cho rằng: “Pháp luật cũng phải trừng trị luôn cả những nhân viên môi giới đi “đánh hàng ngoài”. Vì hơn ai hết, họ thừa biết tình trạng dự án như thế nào mà vẫn cố tình thổi phồng thông tin, đẩy khách hàng vào cảnh tiền mất tật mang”.

Gia Tuấn (KTĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.