30/06/2013 8:42 AM
Thấy nhà rao bán ngập trên mạng, trên báo Mua & Bán với giá chỉ còn bằng 2/3, thậm chí một nửa giá cách đây 2 năm, anh Chung (Lạc Long Quân – Hà Nội) thấy mừng vì nghĩ rằng cuối cùng, cơ hội mua nhà đúng giá trị thực đã đến với vợ chồng anh. Nhưng trải qua hành trình hơn 3 tháng đi xem không dưới hai chục căn nhà, anh mới thở hắt ra mà kết luận rằng: Mua nhà chỉ luôn dễ với người trong túi có nhiều tiền…

Thị trường bất động sản rơi vào giai đoạn ảm đạm nhất từ trước tới nay

Muôn loại “phí” cho “cò”

Mới đầu, khi mới có ý định mua nhà, anh Chung và vợ đặt ra nguyên tắc: Không mua nhà qua “cò”. Thế nhưng, lúc vào thực tế mới thấy, hiếm có ngôi nhà nào do chính chủ rao trên báo. Vợ chồng anh Chung lúc đầu cương quyết không nhờ vả cò là thế, nhưng rồi sau hàng tuần lễ gọi điện thoại đến hàng chục số điện thoại ghi “chính chủ” đều gặp phải cò, cuối cùng anh Chung đành tặc lưỡi đồng ý nhờ cò dẫn lối đưa đường trong chuyện mua nhà.

Thời buổi kinh tế suy thoái, số vụ môi giới mua bán thành công nhà đất lác đác như lá mùa thu, đội quân cò vạc nghĩ ra chiêu “quay” khách đi xem nhà. Cứ một nhà khách muốn xem mất 50.000, có nơi 100.000. Riêng khoản tiền trả cho cò dẫn đi xem nhà, vợ chồng anh Chung đã mất vài triệu bạc. Có căn nhà, anh chị chỉ xem được ở bên ngoài vì chủ nhà đi vắng, trong khi tiền xem nhà thì đã trót đưa cho cò trước đó. Cò ngọt nhạt: “Anh chị cứ yên tâm, lúc nào liên hệ được với chủ nhà em sẽ gọi cho anh chị ngay”. Nhưng chờ mãi mà không thấy cò gọi lại, anh Chung chủ động nhắc thì cò hẹn lần lữa, lấy lý do chưa gọi lại được cho chủ nhà. Bực mình, anh Chung tặc lưỡi coi như mất tiền oan.

Đó là chưa kể, nếu mua được nhà, anh Chung sẽ phải mất phí dịch vụ cho cò. Cò không nói rõ anh phải chi bao nhiêu, chỉ nói là “tùy tâm”, nhưng một người bạn anh Chung đã từng mua nhà qua cò tiết lộ, số “tiền tươi” phải mất không dưới 5 triệu. Về phía người bán, thường phải mất 0,7% - 1% giá trị căn nhà cho cò.

Thêm vào đó, cò còn bòn rút được tiền của người bán hoặc người mua nếu họ không có thời gian và muốn nhờ cò làm “trọn gói” thương vụ mua bán.

“Làm xiếc” với giá

Xem nhà nhiều, anh Chung mới nghiệm ra rằng: Nhà trên quảng cáo với trong thực tế khác nhau một trời một vực. Nhiều nhà khi đọc quảng cáo anh Chung thấy rất ưng, lại phù hợp với túi tiền của mình. Nhưng đâu ngờ, với mức giá xấp xỉ 2 tỷ đồng, những ngôi nhà anh được cò dẫn đi xem đều vào ngõ sâu hun hút, đi vào vài lần cũng khó nhớ được đường ra. Đã vậy, có chỗ hai xe máy tránh nhau còn khó. Vậy mà lần nào dẫn anh đi xem, cò cũng nói chắc như đinh đóng cột: “Căn này anh vào xem là kết luôn”.

Khi thấy anh Chung có vẻ không ưng căn nhà vừa xem, cò lại vuốt ve: “Căn này mới năm ngoái có người trả 3 tỷ rồi mà chủ nhà chưa bán đó anh! Năm nay thị trường èo uột quá, họ lại đang cần tiền gấp nên mới bán giá đó. Anh mà không mua thì thật uổng...”.

Lại có căn nhà, ngõ vào thông thoáng, diện tích rộng rãi, nếu quả thật chủ nhà bán giá đó thì quá “mềm”. Xem xong ưng luôn, vợ chồng anh Chung hẹn chủ nhà tối sẽ đến đặt cọc. Nhưng phút cuối, anh Chung phát hiện sổ đỏ căn nhà chỉ thể hiện phần đất, chứ không có phần nhà. Nghi vấn, anh Chung quyết định nhờ người quen bên địa chính hỏi về khu đất mà ngôi nhà anh muốn mua đang tọa lạc thì được trả lời: Khu đất đó đang trong diện quy hoạch. Trả trách mà người chủ rao nhà với giá mềm như vậy.

Thấy anh Chung ngãng ra, cò gọi lại thiết tha: “Anh cứ mua đi, khu đó quy hoạch treo, biết bao giờ mới làm. Mà không khéo nhà đó sau này ra mặt đường...”. Anh Chung chỉ cười trừ, tìm cớ thoái thác, vì không muốn đôi co với cái lý của... cò.

Thấy mua nhà đất với tầm tiền như vậy có vẻ vướng vào nhiều vấn đề đau đầu, vợ chồng anh Chung quyết định chuyển sang mua nhà chung cư. Với số tiền khoảng 2 tỷ, anh chị có vô số sự lựa chọn. Nhưng với yêu cầu “cách Bờ Hồ trong vòng bán kính 5km”, xem ra mơ ước được sở hữu một căn hộ chung cư như ý muốn của vợ chồng anh Chung cũng không phải dễ dàng. Những chung cư cũ ngay gần trung tâm thành phố vẫn rao giá ngất ngưởng 45 – 50 triệu một m2, mà hạ tầng thì quá cũ kỹ, xuống cấp. Còn những chung cư được quảng cáo có đầy đủ cơ sở hạ tầng, điện đường trường trạm thì đều đang trong quá trình xây dựng. Những chung cư đáp ứng được cả hai tiêu chí: gần trung tâm, hiện đại thì chỉ đại gia mới đủ tiền mua...

Băn khoăn mãi, cuối cùng vợ chồng anh Chung nhắm một chung cư sắp bàn giao vào cuối năm nay. Sau khi đi xem nhà mẫu, vợ anh cứ thích mê, bắt chồng “xuống tiền” mua một căn bằng được. Tuy nhiên, dù rất nhiều căn ở khu chung cư đó rao bán cắt lỗ trên mạng với giá trên dưới 2 tỷ, và cũng đều rao chính chủ, nhưng khi anh Chung gọi thì lại đều vấp phải cò. Điều đáng nói, căn nào anh thấy hướng đẹp, tầng đẹp, giá mềm...

hỏi cò cũng bảo vừa có người mua, sau đó lại giới thiệu cho anh căn khác với lý lẽ thuyết phục: “Anh chỉ cần thêm một ít tiền nữa thôi”, “Căn này đẹp hơn nhiều...”. Có lần bực mình, anh Chung hỏi cò: “Sao nhiều căn bán rồi mà bọn em vẫn rao để khách hàng mất công hỏi?” thì cò giả lả: “Bọn em bận quá nên chưa cập nhật thông tin mới. Mà căn này không còn bọn em có căn khác, anh lo gì...”.

Khổ như người mua nhà

Hơn 3 tháng ròng đi tìm nhà, xem không dưới hai chục căn nhà, cuối cùng, vợ chồng anh Chung tặc lưỡi quyết định mua căn chung cư hẹn cuối năm bàn giao, dù số tiền phải bỏ ra để tậu căn hộ này vượt quá ngân sách dự tính ban đầu.

Anh chị mua qua một nhà đầu tư thứ cấp nên được cắt lỗ 15%. Cứ tưởng là mua được nhà giá rẻ mà lại đẳng cấp, nhưng gần đây, qua thông tin của những người mua nhà cùng khu với anh, anh Chung mới té ngửa ra rằng nội thất của căn hộ đã bị chủ đầu tư “rút ruột” rất nhiều. Tính ra, nội thất của mỗi căn hộ bị giảm đến 15 – 20% giá trị so với nội thất của căn hộ mẫu. Nhiều người đã mua nhà bức xúc tính kiện chủ đầu tư sau khi có những bằng chứng về sai phạm của đơn vị này. Nhưng rồi, họ đau khổ nhận ra rằng, trong hợp đồng mua bán họ đã sa bút ký không hề có điều khoản quy định nội thất của căn nhà thực tế phải giống hệt với căn hộ mẫu.

Có lẽ do thị trường bất động sản rớt giá thê thảm, chủ đầu tư không bán được những căn còn lại nên quyết định bớt xén nội thất của những căn hộ đã có người mua để bù đắp thiệt hại chăng?

Dù với lý do gì thì những người mua nhà vẫn phải gánh chịu thiệt thòi nhiều nhất. Khi bất động sản giá cao, họ không thể đủ tiền để có một ngôi nhà của riêng mình. Khi thị trường bất động sản tuột dốc không phanh như hiện nay, tưởng chừng họ đã chạm tay được vào ngôi nhà mơ ước, nhưng rồi, vẫn có rất nhiều trở ngại xuất hiện, như chiêu làm giá, chiêu kiếm lời của cò, của chủ đầu tư... khiến cho chặng đường đến với ước mơ của họ, nếu thành hiện thực, cũng phải trải qua không ít bầm dập, đau thương.

Dù với lý do gì thì những người mua nhà vẫn phải gánh chịu thiệt thòi nhiều nhất. Khi bất động sản giá cao, họ không thể đủ tiền để có một ngôi nhà của riêng mình. Khi thị trường bất động sản tuột dốc không phanh như hiện nay, vẫn có rất nhiều trở ngại xuất hiện, như chiêu làm giá, chiêu kiếm lời của cò, của chủ đầu tư... khiến cho chặng đường đến với ngôi nhà mơ ước của họ, nếu thành hiện thực, cũng phải trải qua không ít bầm dập, đau thương.
Nguyệt Nhi (Giáo dục và Thời đại)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.