Theo thống kê của Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA), hiện 25% cư dân Hà Nội không đủ tiền để mua nhà ở, 20% nhà ở đô thị bị xếp vào loại không đạt tiêu chuẩn. Đặc biệt ở Hà Nội, khoảng 30% dân số có diện tích nhà dưới 3m2/người. Con số này cho thấy Hà Nội hiện vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu xã hội hóa nhà ở cho mọi đối tượng.

Nhà ở xã hội chậm tiến độ, kém chất lượng

Đánh giá về tiến độ xây dựng nhà ở xã hội, nhà tái định cư, đại diện của Sở Xây dựng thừa nhận, có nhiều dự án bị chậm vì thiếu vốn. So với mục tiêu 15.500 căn hộ dành cho người có thu nhập thấp (tương đương 1,1-1,5 triệu m2) mà Hà Nội phải phát triển được trong giai đoạn 2011-2015, thì cho đến nay số lượng nhà đầu tư đăng ký, được thành phố chấp chuận triển khai đạt 12.000 căn hộ. Trong số này, hiện không có nhà đầu tư nào đăng ký xây dựng quỹ nhà ở cho thuê, thuê mua mà chủ yếu đề xuất được vay tiền thành phố để xây nhà bán cho người có thu nhập thấp. Doanh nghiệp nào cũng lên tiếng được xin vay thêm vốn để triển khai dự án, thậm chí là gần 50% tổng số vốn đầu tư của công trình.

Mặc dù theo quy định, chủ đầu tư phải có tối thiểu 20% vốn thực hiện dự án, một phần huy động từ khách hàng theo tiến độ, phần khác, các doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi thì công trình xây dựng ra, giá thành cũng phải ưu đãi. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi lo ngại liệu các ngành chức năng có kiểm soát, bóc tách được giá thành khi thành phố cho vay ưu đãi hay lại tính bình quân với vốn vay thương mại của doanh nghiệp?

Hay như các dự án nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố cũng rơi vào tình cảnh khó thực hiện và dù có thực hiện cũng chỉ mới đáp ứng một phần nhu cầu sử dụng của người dân. Hiện có tổng cộng 11 dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân với tổn diện tích đất là 110ha, dự kiến khi hoàn thành đáp ứng khoảng 74.000 chỗ ở, tương đương với khoảng 14% nhu cầu nhà ở của công nhân. Theo kết quả điều tra cho thấy, số lượng nhà ở đầu tư xây dựng cho công nhân còn rất khiêm tốn, chưa đảm bảo điều kiện về tiêu chuẩn theo quy định, hệ thống hạ tầng còn chưa đồng bộ nên điều kiện về chỗ ở cho công nhân còn nhiều hạn chế (vệ sinh môi trường, cấp thoát nước…)

Đối với nhà tái định cư, trên địa bàn TP Hà Nội 12073 nhà ở tái định cư đã hoàn thành việc xây dựng, trong đó có 10.816 căn đã đưa vào sử dụng, 1.257 căn chưa sử dụng. Tuy nhiên, hàng năm các quận huyện và các chủ đầu tư đăng ký xây dựng quỹ nhà tái định cư lớn, khoảng 5000 căn hộ/năm song thực tế kết quả sử dụng quỹ này của năm năm gần đây ít hơn nhiều so với đăng ký ban đầu, chỉ sử dụng 1000 căn hộ/năm. Trong khi đó các quận, huyện thực hiện công tác giải phóng mặt bằng chậm đều lấy lý do thiếu quỹ nhà tái định cư. Đây cũng là một trong những khó khăn, vướng mắc trong công tác cân đối, bố trí quỹ nhà tái định cư.

Một số dự án do yêu cầu phải bố trí nhà gấp phục vụ giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, phải đưa dân vào sử dụng sớm, trong khi đó dự án xây dựng khu đô thị tái định cư chưa hoàn chỉnh đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hoặc nhà tái định cư chưa bàn giao cho Sở xây dựng (như khu Nam Trung Yên) ảnh hưởng đến điều kiện sinh hoạt và gây bức xúc đối với các hộ dân tái định cư.

Sợ cảnh “ bỏ tiền chẵn, thu tiền lẻ”?

Thực tế hiện nay, việc quản lý xác nhận đối tượng đủ điều kiện mua nhà thu nhập thấp, nhà xã hội, việc kiểm soát hậu kiểm trong vấn đề quản lý mua bán chuyển nhượng quỹ nhà này còn nhiều bất cập, chưa có sự thống nhất trong các quy định của pháp luật. Giá nhà thấp, tiến độ đóng tiền theo tiến độ dự án trong thời gian qua đang vượt khả năng chi trả của đối tượng mua, chưa có chính sách tài chính hỗ trợ cho người mua nhà. Không nhà đầu tư nào đủ điều kiện xây dựng quỹ nhà ở cho thuê.

Bà Tô Thị Hạnh, Giám đốc Quỹ đầu tư phát triển thành phố Hà Nội cho hay, nguyên nhân khiến chương trình nhà thu nhập thấp tại Hà Nội chưa đạt như mong muốn là do cả doanh nghiệp và người dân chưa nhận được nhiều hỗ trợ từ phía nhà nước, khiến giá bán vẫn còn khá cao, vượt quá khả năng chi trả của người thu nhập thấp.

Theo bà Hạnh, trên thực tế các dự án nhà thu nhập thấp chỉ được miễn thuế trong năm 2009, được hưởng 10% lợi nhuận định mức khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Cái khó của các chủ đầu tư dự án nhà thu nhập thấp, nhà xã hội hiện nay là “bỏ tiền chẵn, thu tiền lẻ” nên hầu hết đều không mặn mà, cho dù thành phố có hô hào đến mấy.

Đơn cử như dự án xây nhà cho công nhân của khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ - Hà Nội), mặc dù chủ đầu tư hứa hẹn sẽ tiếp tục vay tiền quỹ để đầu tư nhưng một năm nay lại đang có ý định chuyển đổi, do đó dù chỉ mới xây một trong số bốn tòa theo dự kiến nhưng cũng không thể lấp đầy. Tỷ lệ lấp đầy này cũng là khó khăn cho các doanh nghiệp khiến cơ quan tín dụng khó thu hồi vốn.

Trong khi đó, một số người dân đã được chủ đầu tư cho dọn đến ở, song số tiền phải đóng còn lại, họ có biểu hiện chây ỳ, không chịu nộp với vô vàn lý do, khiến chủ đầu tư cũng thấy nản. Trong khi đó chế tài xử lý các trường hợp chây ỳ chậm thanh toán khi đến hạn còn quá nhẹ như cắt điện, cắt nước… không hiệu quả.

Bà Hạnh đề nghị thành phố nên xem xét về vấn đề hỗ trợ lãi suất đối với các chủ đầu tư để giảm giá thuê mua cho các đối tượng sử dụng bên cạnh việc đánh giác chính xác năng lực tài chính của các chủ đầu tư. Để kích cầu loại hình này, nhà nước cần sát cánh với doanh nghiệp.

“Thực tế là nhiều chủ đầu tư muốn vay tiền để thúc đẩy việc hoàn thiện tiến độ dự án nhưng vấn đề không phải là vay ít hay vay nhiều mà phải căn cứ vào cơ chế, nguồn thu, khả năng chi trả” bà Hạnh nói.

Ông Nguyễn Xuân Chính, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội nhìn nhận ngoài vấn đề về giá bán, giá thuê khá cao, tồn tại nữa là do nhiều dự án được đầu tư tại những khu vực xa dân cư, xa trường học, chợ…, trong khi hạ tầng của dự án lại chưa có nên nhiều công nhân, người dân cũng không muốn dọn đến ở.

Cũng theo Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, vấn đề nhà ở cho công nhân là cần thiết để giảm tải khó khăn về nhà ở cho người lao động, nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân, hạn chế các nguyên nhân làm phát sinh tệ nạn xã hội.

Tuy nhiên, số lượng các dự án nhà ở cho công nhân vẫn còn hạn chế và chậm hoàn thành. Các cơ quan quản lý nhà nước cần có cơ chế chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cụ thể cho các chủ đầu tư xây dựng các công trình này về vốn, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các chủ đầu tư được thông báo về quỹ đất 20% từ các dự án khu đô thị có vị trí gần các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để Ban quản lý lập chương trình xây dựng nhà ở cho công nhân.

Theo Nhân dân
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.