Giá thép cuối năm còn giảm
Theo ghi nhận CafeLand, thời gian gần đây, giao dịch thép tại các cửa hàng, công ty, sàn, trên địa bàn Tp. HCM đều có xu hướng chững lại. Hiện giá bán phổ biến ở mức 15,6 - 16,8 triệu đồng/tấn (chưa bao gồm VAT và phí vận chuyển), giá bán lẻ dao động từ 18 - 18,7 triệu đồng/tấn. Giá bán tại các nhà phân phối lẻ đang được điều chỉnh giảm khoảng 100.000 - 200.000 đồng/tấn để đẩy mạnh tiêu thụ.
Còn Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, do nhiều công trình bị cắt giảm để kiềm chế lạm phát, cộng với lãi suất ngân hàng vẫn cao và sắp tới là mùa mưa bão nên nhiều công trình sẽ hạn chế thi công khiến sức mua trong tháng 8 sẽ chỉ dao động quanh mức khoảng 300.000 tấn.
Ngoài ra, giá phôi và thép phế trên thị trường thế giới đang có dấu hiệu chững lại ở mức 670 - 690 USD/tấn đối với phôi và 470 - 490 USD/tấn đối với thép phế. Điều này dẫn đến khả năng thép sẽ đứng giá, thậm chí giảm và các doanh nghiệp trong nước có thể sẽ tiếp tục nâng chiết khấu để kích cầu.
Theo các chuyên gia dự báo, sức tiêu thụ thép từ nay đến cuối năm sẽ thấp do nền kinh tế thế giới vẫn chưa khởi sắc rõ rệt.
Tìm đầu ra
Theo báo cáo kết quả kinh doanh của các Công ty sản xuất vật liệu xây dựng cho biết, trong quý II/2011, doanh thu của các Công ty này đều tăng lên trong khi lợi nhuận lại giảm. Nguyên nhân là do sản lượng tiêu thụ trong quý II hầu như không tăng nhưng giá bán tăng lên nên doanh thu tăng. Trong khi đó, giá vật tư đầu vào như than, điện, xăng dầu,… tăng nên lợi nhuận giảm.
Thêm vào đó là do tác động của việc thực hiện chính sách cắt giảm đầu tư công, tạm dừng, hoãn các công trình chưa thật cần thiết và một phần do bắt đầu mùa mưa bão nên nhu cầu xây dựng trên địa bàn cả nước đang giảm.
Trước tình hình trên, nhiều doanh nghiệp dự đoán rằng kế hoạch kinh doanh cả năm khó có thể đạt được. Vì vậy, không ít doanh nghiệp quyết định điều chỉnh kế hoạch cho 6 tháng cuối năm.
Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (VICEM) cũng đưa ra mục tiêu 6 tháng cuối năm, sản xuất clinker đạt 7.490 nghìn tấn, sản xuất xi măng ước đạt 11.100 nghìn tấn. Trong quý III, do tình hình mưa bão nhiều, tiêu thụ trong nước chậm, nên các đơn vị thành viên sẽ chú trọng công tác xuất khẩu.
Tính từ đầu năm đến nay, lượng thép và xi măng bị tồn đọng khoảng 420.000 tấn, cao gấp đôi so với những năm trước. Lượng thép xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2011 chỉ khoảng 80.000 tấn, giảm 50% so với năm 2010. Vì vậy, thông tin từ Bộ Tài chính cho biết quan điểm sẽ không đánh thuế xuất khẩu đối với 2 mặt hàng thép và xi măng đã tạo lối thoát cho các doanh nghiệp trong nước. Việc hỗ trợ này sẽ tạo điều kiện để số thép tồn đọng được xuất khẩu sớm hơn.
Theo CafeLand, trong những tháng cuối năm này, các doanh nghiệp, cửa hàng vật liệu xây dựng sẽ tiếp tục tung ra những “chiêu” khuyến mãi, giảm giá, tăng tỷ lệ chiết khấu,… để lôi kéo người mua.