CafeLand - Một số dự án được quảng bá gắn mác xanh nhưng mục đích duy nhất chỉ là để bán được hàng, dễ khiến người mua nhà móc thêm hầu bao cho khoản xanh đầy hư vô.

Một số dự án được quảng bá gắn mác xanh nhưng lại rất khó để kiểm định chất lượng.

Vài năm trở lại đây, bất động sản xanh đang được xem là một khái niệm thời thượng trên thị trường bất động sản. Nhất là ở những thành phố có mật độ dân số cao, việc dự án được gắn mác xanh hay thiên nhiên, sinh thái dường như đang trở thành một điểm cộng của dự án khi bán hàng. Vì vậy, không ít chủ đầu tư sẵn sàng khoác lên dự án của mình “mác xanh” khiến người mua khó phân biệt đâu là thật, đâu là giả.

Theo ông Nguyễn Bá Thành, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, tính đến tháng 08/2017, trên địa bàn TP.HCM đã có 7 công trình đạt được các chứng chỉ Công trình Xanh. Trong số đó, có 3 công trình chung cư, 2 công trình văn phòng, 1 công trình trường học và 1 công trình công nghiệp.

Số lượng ít ỏi là vậy thế nhưng trên thị trường hiện nay, muốn tìm một dự án bất động sản quảng bá xanh không khó. Điển hình như Kingdom101 quy mô 1.000 căn hộ được giới thiệu là dự án được bao bọc bởi tổ hợp không gian xanh lớn nhất quận 10 với mật độ xây dựng chỉ chiếm 40%.

Không những vậy, dự án này được quảng bá đạt chứng chỉ xanh Greenguard cấp bởi Hội Đồng Môi Trường Singapore, chứng nhận sản phẩm Laminate Greenlam có khả năng kháng khuẩn, thân thiện với môi trường và an toàn với người sử dụng.

Không riêng gì Kingdom101, chỉ cần tìm kiếm cụm từ căn hộ xanh hay chung cư xanh trên Google sẽ cho ra hàng triệu kết quả, trong đó nhiều dự án như Hưng Phát Green Star, Jamila, Imperia Garden,…

Dù được quảng bá rầm rộ, thế nhưng theo các chuyên gia, có nhiều chủ đầu tư đi theo trào lưu, gắn mác xanh vào dự án của mình bằng những chữ “eco, xanh hay green…” để tạo sự quan tâm của khách hàng mua nhà, nhưng phần nhiều trong số này lại không đạt, hoặc mỗi dự án lại tự đặt ra một tiêu chuẩn riêng. Ông Đỗ Hữu Nhật Quang, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Kiến trúc xanh TP.HCM cho rằng đây là thực tế có thật, điều này khiến cho công trình xanh thời gian qua thiếu minh bạch.

Trên thực tế, một dự án bất động sản xanh không chỉ đơn thuần là dành nhiều diện tích cho cây xanh, mặt nước. Cây xanh tuy giúp ích rất nhiều cho công trình trên nhiều khía cạnh khác nhau như tạo ra không khí trong lành và góp phần làm giảm năng lượng sử dụng để làm mát công trình. Song, chỉ trồng cây xanh thì không đủ để giúp công trình đạt các chứng nhận công trình xanh, mà cần có nhiều yếu tố nữa.

Theo ông Quang, muốn biết dự án đó có xanh hay không thì cần “soi vào” nhiều tiêu chí. Hiện nay có 3 tiêu chuẩn công trình xanh phổ biến, đó là LEED (Mỹ), Green Mark (Singapore) và LOTUS (Việt Nam). Năm 2015 có chứng chỉ EDGE (của tổ chức IFC thuộc Ngân hàng Thế giới) là chứng chỉ công trình sử dụng tài nguyên hiệu quả.

Tùy vào mức độ công trình xanh mà chi phí cho công trình sẽ tăng lên tương ứng, tức là cấp độ xanh càng cao thì chi phí đầu tư càng nhiều. Tuy nhiên, tựu chung lại, có 5 nhóm yêu cầu, bao gồm năng lượng, nước, vật liệu, chất lượng không khí trong nhà và vị trí bền vững. Việc đáp ứng cả 5 nhóm tiêu chí này khiến công trình xanh không chỉ tốt cho môi trường mà còn rất có lợi cho nhà đầu tư và người sử dụng.

“Người mua nhà muốn biết dự án có xanh hay không cần hỏi chủ đầu tư làm theo tiêu chí gì. Cấp độ đáp ứng của dự án đối với bộ tiêu chí đó là mức nào. Hiện nay để ra được một chứng chỉ xanh thì dự án phải được thiết kế, xây dựng và sau khi hoàn thành công trình phải nộp hết tất cả hồ sơ hoàn công qua cho Hội đồng công trình xanh mới được cấp chứng nhận”, ông Quang Lưu ý.

Còn theo Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC), một công trình xây dựng được gọi là công trình xanh khi chúng đạt những tiêu chí sử dụng năng lượng, nước và các nguồn tài nguyên khác một cách hiệu quả. Bảo vệ sức khỏe sử dụng và nâng cao năng suất lao động, giảm thiểu chất thải, ô nhiễm và hủy hoại môi trường.

Về phía chủ đầu tư, việc đầu tư công trình xanh đúng mực dù làm tăng chi phí đầu tư ban đầu nhưng về lâu về dài sẽ giảm chi phí vận hành đáng kể. Tuy nhiên, cũng có không ít doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chưa chú trọng đến các chiến lược phát triển dự án xanh dài hơi để mang lại lợi ích lâu dài thực thực cho người sử dụng. Thậm chí, một số dự án được quảng bá gắn mác xanh nhưng lại rất khó để kiểm định chất lượng. Mục đích duy nhất mà các dự án này nhắm tới là để bán được hàng, dễ gây nhầm lẫn và hoang mang cho người mua nhà.

Trần Trung
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.