Dự án Park City được xem là dự án chuyển nhượng suôn sẻ nhất tại Hà Nội
Theo ông Lương Trí Thìn, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Đất Xanh, năm 2013 sẽ là năm của hoạt động chuyển nhượng công ty và các dự án bất động sản tại Việt Nam, với sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước cũng như các nhà đầu tư nước ngoài.
Với diễn biến xấu của thị trường bất động sản trong năm 2012, năm 2013 chính là cơ hội thuận lợi cho nhà đầu tư có vốn tiến hành đàm phán các dự án. Dự đoán của các chuyên gia kinh tế, với những nhà đầu tư có vốn sẽ có nhiều cơ hội mua được những dự án có vị trí cùng mức giá tốt nhất.
Theo đánh giá của các chuyên gia bất động sản, hiện nhà đầu tư Nhật Bản rất chuộng mua những tòa nhà hiện hữu ở khu vực trung tâm thành phố. Các doanh nghiệp Singapore quan tâm tới các sản phẩm nhà ở để bán, còn doanh nghiệp Malaysia lại muốn phát triển các khu đô thị.
Ngay trong những ngày đầu năm 2013, Công ty phát triển nhà Thủ Đức đã công bố thoái vốn thành công tại Dự án Đồng Mai, tọa lạc tại Hà Đông, Hà Nội với tổng giá trị chuyển nhượng 80 tỷ đồng.
Ngày 16/1/2013, Quỹ đầu tư VinaLand của VinaCapital cũng công bố chuyển nhượng thành công Dự án tại 30 Nguyễn Du, Hà Nội cho Vinataba, thu về 3,3 triệu USD.
Công ty Sông Hằng công bố rót vào Dự án Hatoco Trần Phú 500 tỷ đồng để nắm quyền chi phối và tái khởi động lại dự án vào 5/1/2013, sau hơn 1 năm phải tạm dừng triển khai.
Trường hợp chuyển nhượng Dự án Park City được xem là dự án chuyển nhượng suôn sẻ nhất khi Công ty Perdana Park City (Malaysia) chấp thuận mua lại 100% cổ phần của Công ty cổ phần Phát triển quốc tế Việt Nam (VIDC). VIDC là công ty liên doanh giữa Tập đoàn Perdana Park City (Singapore) và Công ty Đầu tư phát triển đô thị Vinaconex Hoàng Thành - chủ đầu tư Dự án Park City trước khi chuyển nhượng.
Với Dự án Khu đô thị Splendora, từ cuối năm 2012 đến nay, Tổng công ty Vinaconex đang tiếp tục tìm kiếm đối tác trong nước hoặc quốc tế để chuyển nhượng phần vốn tại Công ty liên doanh TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC). Vinaconex hiện sở hữu 50% vốn điều lệ tại An Khánh JVC (42,5 triệu USD), với Dự án Khu đô thị Splendora có tổng diện tích hơn 240 ha.
Còn Dự án Khu đô thị AIC (Mê Linh, Hà Nội) đã được tái khởi công ngày 27/1/2013 sau 3 năm nằm “bất động”. Để dự án có thể tái khởi động, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Bất động sản AIC đã phải chuyển nhượng đến 70% cổ phần cho một đối tác nước ngoài đến từ Malaysia.
Tuy nhiên, nếu so sánh với bất động sản phía Nam, thì làn sóng mua bán dự án tại đây đã diễn ra sớm hơn từ đầu năm 2012.
Chỉ tính riêng trong 6 tháng cuối năm 2012, Công ty địa ốc Hoàng Quân đã mua 4 lại dự án. Đầu năm 2013, công ty lại vừa nhận chuyển nhượng một phần dự án Khu nhà ở cán bộ công nhân viên Nam Hiệp Thành có quy mô 3,53ha, tọa lạc tại đô thị mới Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu do Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Hiệp Thành làm chủ đầu tư và đổi thành tên Khu dân cư Dịch vụ Cinderella 2. Theo kế hoạch kinh doanh, trong năm nay Hoàng Quân sẽ tiếp tục tính toán mua thêm các dự án địa ốc có giá “mềm” nhằm đa dạng hóa sản phẩm.
Tương tự, Công ty Đất Xanh ngay đầu năm 2013 đã công bố mua lại 2 dự án căn hộ tại Tp.HCM. Dự án đầu tiên có quy mô 3,6ha do Công ty Cổ phần Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico) làm chủ đầu tư, có tổng số 2.000 căn hộ với tổng mức đầu tư là 1.200 tỷ đồng. Dự án thứ hai nằm trên địa bàn quận Gò Vấp gồm 4 khối nhà, quy mô 3,2ha. Trước đó, Đất Xanh cũng đã hoàn tất mua 2 dự án căn hộ của Công ty Thiên Lộc và dự án của Công ty Gia Phú đầu tư hồi cuối năm 2012.
Nhìn trên thực tế mua bán dự án bất động sản trong năm 2012 và tháng đầu năm 2013 có thể thấy, hầu hết các doanh nghiệp bán dự án đều là những doanh nghiệp chọn bất động sản là lĩnh vực đầu tư ngoài ngành. Với giải pháp bán dự án bất động sản đang làm ăn thua lỗ là cách để doanh nghiệp thu hồi vốn nhằm tập trung nguồn lực vào những sản phẩm thế mạnh.