Phát triển và hoàn thiện hệ thống quỹ nhà tái định cư (TĐC), đáp ứng nhu cầu sống của người dân là xu hướng quản lý tất yếu của các nhà hoạch định chính sách. Trước sức ép giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án nhà ở xã hội thì vấn đề trên càng trở nên bức thiết. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn Hà Nội, hệ thống nhà TĐC đang thực sự bộc lộ nhiều bất cập. Bên cạnh sự xuống cấp nhanh chóng là muôn vàn nỗi khổ mà người dân tại các khu TĐC phải chịu đựng.

“Khổ như ở nhà tái định cư…” câu cửa miệng nghe qua tưởng chừng như đùa vui, thế nhưng trên thực tế hiện nay ở Hà Nội có không ít những khu tái định cư đau khổ như vậy. Nhà chưa kịp ở đã lún nứt, nước thải không xả ra ngoài lại chảy ngược, dềnh lên mùi xú uế…

Trăm nỗi khổ phía sau nơi an cư

Hà Nội từ lâu được biết đến như một địa phương đi đầu cả nước về vấn đề phát triển nhà ở. Theo đó, mục tiêu của Ủy ban Nhân dân Thành phố đề ra là đến năm 2015 diện tích nhà ở bình quân toàn thành phố phải đạt 23,1 m2/người. Đến năm 2020 con số này tăng lên 26,3 m2 và 2030 là 31,5 m2. Đó là mục tiêu chung nhằm nâng cao chất lượng “an cư” trước nhu cầu ngày càng lớn về nhà ở của người dân.

Thế nhưng, khi nhìn nhận và đánh giá về chất lượng của quỹ nhà TĐC hiện nay đa phần các chuyên gia đều đưa ra nhận định không mấy lạc quan. Có thể thấy một số hạn chế của hệ thống nhà TĐC như chất lượng thấp, cơ sở hạ tầng còn yếu và thiếu đồng bộ, quản lý không chặt chẽ…

Tòa nhà N5 (khu TĐC Đồng Tàu) xuống cấp nghiêm trọng

Trên thực tế, những bất cập của nhà TĐC được hiển hiện ngay trong quá trình sử dụng của người dân. Nền nhà sụt lún, nước thải không xả ra ngoài lại chảy ngược, dềnh lên mùi xú uế…đang là tình trạng phổ biến của hầu hết các tòa nhà trong khu tái định cư Đồng Tàu (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội). Gần đây nhất, ngày 24/12 , vụ sập nền nhà tại nhà N5 đã gây tâm lý lo lắng, hoang mang cho người dân.

Theo tìm hiểu, khu TĐC Đồng Tàu được đưa vào sử dụng năm 2007, tập hợp các dãy nhà được đánh số thứ tự từ N1 đến N10. Những khu nhà này nằm dưới sự quản lý của Xí nghiệp Quản lý Dịch vụ và Khai thác khu Đô thị (trực thuộc Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội).Sau hơn10 năm đưa vào sử dụng, khu Đồng Tàu đã có nhiều hạng mục hư hỏng nặng. Tình trạng sụt, lún diễn ra rất nhanh khiến nhiều hộ dân lo lắng khi nguy cơ đổ sập có thể xảy ra.

Theo quan sát, tại nhà N5, N7 hiện tượng bong tróc, nẻ, lún trở nên nghiêm trọng với những khoảng rỗng lớn. Toàn bộ khu nhà N2, N5, N6 đã rêu mốc, tường ẩm ướt, gạch nền tầng 1 thì sụt lún, móng tầng 1 nứt toác "biến dạng" hở cả đường ống thoát nước ngầm. Ông Phạm Văn Hoan – một người dân bức xúc cho biết, khi gia đình ông đang cùng người thân liên hoan Giáng sinh thì bất ngờ nền căn nhà ở tầng 1 khu N5 bất ngờ phát ra tiếng nổ lớn, sau đó toàn bộ nền ngôi nhà có diện tích khoảng 23m2 bị sụt xuống 30cm.

Hiện tượng lún, nứt ở Đồng Tàu cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thống đường ống dẫn nước xả thải của các tòa nhà. Tại khu N3, N5, N6, N7 hầu như các đường ống xả nước đều gẫy gậpkhiến nước thải thường xuyên chảy ra lênh láng bốc mùi hôi thối.

Bà Nguyễn Thị Bẩy (sống ở tòa nhà N2) bức xúc: "Khu nhà tôi xuống cấp đến nay là 5, 6 năm rồi. Nền tầng 1 sụt lún, xung quanh móng nhà thì “há miệng, nền nhà để xe khấp khểnh, lồi lõm, bậc lên xuống nhà xe gãy gập, thang máy liên tục hỏng hóc, hệ thống phòng cháy chữa cháy hầu như không có”.

Cũng theo lời của những người dân sống trong các khu chung cư này, từ khi thấy hiện tượng sụt, lún cũng như chứng kiến cảnh “không ai quan tâm” thì nhiều gia đình đã phải bán tống tháo căn hộ để chuyển đi nơi khác, bảo toàn tính mạng của mình và người thân.

Không chỉ ở khu TĐC Đồng Tàu, nhiều khu TĐC khác cũng đang xuống cấp như khu TĐC Trung Hòa – Nhân Chính. Đến nay, diện mạo bề ngoài khu TĐC này không khác một khu tập thể cũ là bao. Đáng nói, đến thời điểm này, hiện tượng tường vôi bong tróc, thấm dột, thang máy hỏng từng diễn ra phổ biến tại hầu hết các hạng mục như khu N3A,N4, N5, N6E, …

Hay như tại ba tòa nhà tái định cư 6 tầng ở khu Sài Đồng (quận Long Biên), phần nhiều diện tích khuôn viên, sân thì cỏ mọc ken dày, một số diện tích đất người dân tận dụng trồng rau xanh. Nhìn lên, những khối nhà bong tróc, không người sinh sống. Dự án được xây dựng từ năm 2001, nhưng suốt 5 năm sau khi hoàn thành vẫn bị bỏ hoang gây lãng phí.

Bức xúc khó giải tỏa

Trở lại với câu chuyện của khu TĐC Đồng Tàu, theo tìm hiểu được biết, khu đất trên thuộc quỹ nhà TĐC nằm trên diện tích 10,3ha với 9 tòa nhà cao tầng, tương đương với 680 căn hộ. Khu TĐC được sử dụng nhằm mục đích phục vụ công tác TĐC thuộc Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 1 và 2.

Theo đó, các nhà cao tầng N3, N4, N7, N10, N9 có 368 căn hộ đã được UBND thành phố Hà Nội cho phép sử dụng để bố trí TĐC phục vụ công tác giải phóng mặt bằng dự án thoát nước giai đoạn 2 trên địa bàn các quận huyện Ba Đình, Thanh Xuân, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì…

Như vậy, khu TĐC Đồng Tàu là một trong những dự án an sinh lớn và việc đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho người dân sau khi phát triển những công trình trọng điểm là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, công tác duy tu, sửa chữa các căn hộ trong khu TĐC lại chưa được coi trọng nếu không muốn nói là hết sức thờ ơ. Hiện trạng các tòa nhà lún, nứt gây ảnh hưởng đến điều kiện sinh hoạt của hàng trăm hộ dân nơi đây là sự thực hiển nhiên mà theo phản ánh của các hộ dân ban quản lý “lờ” đi suốt nhiều năm.

Rõ ràng, có một thực tế, bên cạnh sự xuống cấp “thần tốc” là muôn vàn nỗi khổ mà người dân ở các khu TĐC phải chịu đựng. Việc quan trọng hàng đầu của các cơ quan chức năng hiện nay là sớm tìm ra căn nguyên và khắc phục những tồn tại của các khu nhà TĐC. Chỉ có như vậy, nhà TĐC mới không trở thành nỗi ám ảnh, bất an đối với người dân.

Phạm Thảo (LĐTĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.