Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích tại BSC, sức hấp dẫn của ngành BĐS trong năm 2013 là rất thấp, chỉ khi có sự linh hoạt của hệ thống ngân hàng đối với tín dụng BĐS và các gói giải cứu của Chính phủ được thực hiện một cách đầy đủ thì toàn thị trường mới có cơ hội thay đổi.

Bất chấp những động thái chính sách từ Chính phủ, giá BĐS vẫn đang tiếp tục xu hướng giảm từ đầu năm đến nay. Giá đang hấp dẫn hơn nhưng dòng tiền vẫn đứng ngoài thị trường. Điều này đang làm cho nhiều chủ đầu tư hết sức đau đầu.

Ở phân khúc thị trường căn hộ, xu hướng chính từ đầu năm đến nay là khuyến mại, chiết khấu, giảm giá nhằm tranh thủ cơ hội thời điểm Tết cổ truyền dòng kiều hối về nhiều để bán hàng tồn kho. Tuy nhiên, kết quả hết sức ảm đạm. Theo ông Phạm Đức Toàn - đại diện EZ Property, việc lượng kiều hối không đổ dồn vào BĐS như các năm trước cũng là việc dễ hiểu khi thị trường suy thoái và đóng băng như hiện tại.


Ảnh minh họa

Hiện giá căn hộ đã xác lập một mặt bằng mới, đặc biệt tại một số quận như Hà Đông giá chỉ còn dao động quanh mức 10 – 15 triệu đồng/m2. Xu thế khuyến mại, chiết khấu, tặng quà vẫn tiếp tục diễn ra ở hầu hết các dự án mở bán như Golden Land, Thăng Long Garden, Sails Tower, Skylight…

Tương tự, phân khúc thị trường văn phòng, cho thuê, mặt bằng bán lẻ giá cũng đang tiếp tục đi xuống. Riêng thị trường biệt thự, liền kề giá giảm rất mạnh nhưng gần như không có thanh khoản, nhà hoàn thiện tăng cao và tỷ lệ bỏ trống rất lớn.

Bài toán về đầu ra hay nói cụ thể hơn là làm sao thu được tiền về để tái đầu tư vẫn chưa thực sự có lời giải cho chủ đầu tư. Có thể nói, khát khao của các chủ đầu tư hiện nay là tiền mặt. Ông Mark Townsen - Giám đốc điều hành hãng tư vấn BĐS uy tín CBRE cho rằng, nếu như năm 2009, nhiều nhà đầu tư xem yếu tố quyết định dự án BĐS là vị trí, sang năm 2011 người ta nói nhiều đến yếu tố thời điểm, thì năm 2013 này “tiền mặt sẽ là vua”, là yếu tố quyết định lợi thế cho nhà đầu tư.

Tuy vậy, có được tiền, tìm được đầu ra vào lúc này thực sự không phải là một điều dễ dàng. Nhiều chủ đầu tư than họ đang “mắc kẹt” khi đã triển khai quá nhiều dự án BĐS cùng một lúc, với gánh nặng nợ vay ngân hàng, vấp phải khiếu kiện khi đã huy động tiền từ người mua nhưng không thể triển khai dự án theo tiến độ.

Trong khi đó, một kênh huy động vốn quan trọng khác là từ TTCK của các DN BĐS niêm yết lại cũng đang trong tình trạng bế tắc khi DN chịu tác động kép từ 2 phía: TTCK sụt giảm mạnh và thị trường BĐS đóng băng, do đó hầu hết các cổ phiếu BĐS đều giảm mạnh.

Thống kê từ Công ty chứng khoán BIDV (BSC) cho thấy, trong năm 2012 có hơn 20% số công ty BĐS trên sàn niêm yết có giá cổ phiếu giảm từ 50% đến 80%, có 52% số công ty có giá cổ phiếu giảm từ 30% đến 50%, có 71% số công ty có giá giảm dưới 30%.

Trong tình trạng bế tắc hiện nay, từ góc độ các DN phát triển dự án, theo ông Nguyễn Đình Trung - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh, các chủ đầu tư nên phối hợp chặt với ngân hàng vì các ngân hàng có nhiều kinh nghiệm trong việc thẩm định dự án và quan trọng hơn là họ có thể đảm bảo đầu ra cho dự án.

Còn theo đánh giá của các chuyên gia phân tích tại BSC, sức hấp dẫn của ngành BĐS trong năm 2013 là rất thấp, chỉ khi có sự linh hoạt của hệ thống ngân hàng đối với tín dụng BĐS và các gói giải cứu của Chính phủ được thực hiện một cách đầy đủ thì toàn thị trường mới có cơ hội thay đổi.

Tuy nhiên, điểm khó hiện nay là dư nợ và nợ xấu đối với lĩnh vực kinh doanh BĐS đang ở mức cao. Nếu tính dư nợ liên quan đến BĐS như: cho vay kinh doanh BĐS, vay thế chấp BĐS, vay sản xuất kinh doanh… thì con số hiện đạt khoảng 1 triệu tỷ đồng tương đương khoảng 57% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống.

Nguyễn Minh (Thời báo ngân hàng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.