Sự “đóng băng” của thị trường cùng với chính sách thắt chặt tín dụng khiến nhiều Tập đoàn, TCty lớn cũng đang phải kêu “cứu” trước tình trạng thiếu vốn, dẫn đến nhiều dự án dở dang, công nợ lớn, có mảng bị phá sản…

Sản xuất đình đốn, dự án dở dang


Cứ nhìn vào kết quả của 6 tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp (DN) đang rất lo lắng cho “số phận” của mình trong những tháng còn lại của năm.


Ông Nguyễn Đăng Nam - Tổng giám đốc Tập đoàn Phát triển Nhà và đô thị (HUD) chia sẻ, có lẽ chưa bao giờ các DN hoạt động trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh BĐS lại gặp nhiều khó khăn như giai đoạn hiện nay. Với nhiều tác động kép như ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu còn chưa chấm dứt, tình hình lạm phát tăng cao, chi phí xây dựng biến động, việc huy động vốn đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn trong điều kiện thắt chặt chính sách tài khóa của nhà nước và chính sách tiền tệ của Ngân hàng và đặc biệt là lãi suất ngân hàng tăng cao ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của sản phẩm và tình trạng suy giảm, đóng băng của thị trường BĐS trong cả nước gây ảnh hưởng lớn đến DN.


 “Khát” vốn, doanh nghiệp BĐS, XD đồng loạt kêu

Nhiều dự án BDDS "dở dang" do thiếu vốn. Ảnh minh họa.


“Chủ đầu tư tại các công trình mà Tập đoàn đang thi công thiếu vốn thanh toán dẫn đến giá trị dở dang, công nợ lớn (trên 5.500 tỷ đồng), vượt quá khả năng của các đơn vị, trong khi đó lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng tăng quá cao, các công trường làm cầm chừng đã làm giảm đáng kể hiệu quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị thi công cũng như đầu tư” - ông Dương Khánh Toàn - Tổng giám đốc Tập đoàn Sông Đà cho biết.


Vị TGĐ này phân trần, dù đã rất cố gắng nhưng do hoàn cảnh hết sức khó khăn hiện nay nên doanh thu chỉ đạt 49%, ở mức 27.679 tỷ đồng (kế hoạch năm là 56.500 tỷ đồng), giá trị đầu tư đạt 44%, ở mức 4.566 tỷ đồng (kế hoạch năm là 10.470 tỷ đồng), lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 18% kế hoạch năm, tương đương với 560 tỷ đồng; thu nhập bình quân tháng của một cán bộ công nhân viên là 4,26 triệu đồng. Như vây, chỉ tiêu lợi nhuận đạt thấp nhất so với kế hoạch.


Cùng chung cảnh ngộ, ông Lê Văn Chung - Chủ tịch HĐQT TCty Công nghiệp xi măng Việt Nam (VICEM) than thở, lợi nhuận 6 tháng đầu năm của VIECM chỉ còn 314 tỷ đồng, tính ra lợi nhuận chỉ được 2-3%, không đủ trả cổ tức cho cổ đông theo lãi suất ngân hàng.


Ông Chung dẫn chứng, chi phí đầu vào tăng cao (giá xăng tăng từ 32% - 43%, điện tăng 15,28%, than tăng 41%) lãi suất vay vốn tăng khoảng 12 – 21,5% nên làm tăng giá thành sản xuất và giảm lợi nhuận của các đơn vị thành viên cũng như của toàn VICEM.


Nên xem lại chính sách tiền tệ

Trước thực trạng trên, ông Nam kiến nghị Bộ Xây dựng tiếp tục làm việc với Ngân hàng Nhà nước xem xét, đưa ra các tiêu chí, điều kiện cụ thể để tiếp tục cho vay đối với các dự án BĐS đang triển khai dở dang, các dự án nhà ở phục vụ đối tượng thu nhập thấp, nhà ở mức trung bình phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân và rút ngắn các thủ tục, khắc phục các điểm chưa thống nhất, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực BĐS.

Từ phía Tập đoàn Sông Đà, ông Toàn cũng đề nghị Bộ Xây dựng kiến nghị với Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng có giải pháp giảm lãi suất huy động và cho vay để các DN hoạt động sản xuất kinh doanh tối thiểu không bị thua lỗ do chi phí tài chính.

Đồng quan điểm trên, ông Chung cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần xem xét lại chính sách tiền tệ như thế nào cho hợp lý, do chính sách thắt chặt tín dụng nên DN của ông không có lợi nhuận và phải cắt giảm các dự án chưa triển khai. Ông Chung cho rằng, hiện nay hình thành 2 khối, khối ngân hàng lợi nhuận vẫn cao từ 20 – 25% trên vốn chủ, trong khi nhà sản xuất lợi nhuận chỉ 2-3% là không ổn. Vì thế, cần có biện pháp tháo gỡ về vốn và lãi suất, nếu thắt chặt tín dụng dẫn đến đình đốn sản xuất thì nhiều đơn vị sẽ không trả được nợ thậm chí nguy cơ phá sản sẽ nhiều.


Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân nhấn mạnh, 6 tháng còn lại là rất khó khăn nhưng ưu tiên số 1 là phải lành mạnh về tài chính. Nghĩa là, tiền ra phải có tiền về, phải nghĩ mọi cách, nếu bỏ chi phí rồi phải tìm cách thu hồi vốn, nếu chưa chi, chưa đầu tư phải rà soát, nếu không xử lý kịp thời có thể dẫn tới đổ vỡ. Mặt khác, mô hình quản trị công ty mẹ công ty con phải rà soát lại quy chế điều lệ phải làm cho tốt… nhằm đảm bảo 6 tháng cuối năm tránh đổ vỡ. Điều này không riêng gì doanh nghiệp BĐS mà cả khối sự nghiệp cần nâng cao quyền tự chủ. Mà tự chủ tức là “tự mình sống được”.


“6 tháng đầu năm nay, sau khi làm việc với ngân hàng, chúng tôi thấy có loại đáng cho vay lại thắt chặt, có loại cần thắt chặt lại nới lỏng cho vay nên chắc chắn sẽ có sự điều chỉnh”, Bộ trưởng cho hay.


Theo Nguyễn Lê (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.