Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, bảng giá đất được xây dựng định kỳ năm năm một lần, công bố công khai vào ngày 1-1 của năm đầu kỳ.
Ông Nguyễn Bé, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa, xác nhận với chúng tôi bảng giá đất áp dụng năm năm giai đoạn 2020-2024 của tỉnh này đã ban hành chậm so với quy định.
Tồn đọng hàng trăm hồ sơ
Bảng giá đất tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2015-2019 hết hiệu lực từ ngày 31-12-2019. Tuy nhiên, mãi đến ngày 18-2, UBND tỉnh mới ban hành bảng giá đất mới giai đoạn 2020-2024, có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
“Khi trình dự thảo bảng giá đất mới ra kỳ họp HĐND tỉnh hồi tháng 12-2019, Sở TN&MT chuẩn bị chưa đảm bảo các nội dung, yêu cầu của HĐND tỉnh nên phải chuẩn bị lại. Đến kỳ họp bất thường ngày 7-2, HĐND tỉnh mới thông qua bảng giá đất giai đoạn 2020-2024. Sau đó, UBND tỉnh mới có quyết định ban hành” - ông Bé giải thích.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân thừa nhận việc chậm ban hành giá đất đã gây tồn đọng hàng trăm hồ sơ đất đai chưa được giải quyết.
Hầu hết những hồ sơ này nộp tại các văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ), chi cục thuế cấp huyện trong khoảng thời gian từ ngày 1-1 đến 17-2. Đa số hồ sơ là tính thuế đất để cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển nhượng, tặng cho… Nhiều hồ sơ bị tồn đọng tại các bộ phận một cửa đã vi phạm quy định về thời hạn giải quyết.
Nhiều trường hợp chuyển nhượng bất động sản ở Khánh Hòa bị tồn đọng do tỉnh ban hành chậm bảng giá đất mới. Ảnh: TẤN LỘC
Không biết áp dụng bảng giá đất nào
Theo Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa, lý do tồn đọng hồ sơ là các chi cục thuế không biết áp dụng giá đất nào để tính. Khi chưa có bảng giá mới, các chi cục thuế có văn bản đề nghị các chi nhánh VPĐKĐĐ tạm dừng giải quyết hồ sơ có phát sinh nghĩa vụ tài chính. Đề xuất này sau đó đã được Sở Nội vụ thống nhất.
Thế nhưng sau khi tỉnh ban hành bảng giá đất mới, các chi nhánh VPĐKĐĐ, chi cục thuế cấp huyện cũng không biết giải quyết thế nào cho đúng quy định pháp luật đối với hàng trăm hồ sơ đất đai đã tiếp nhận trước đó.
Xem thêm: Bất động sản nghỉ dưỡng Khánh Hòa
“Bất cập ở chỗ bảng giá đất mới có hiệu lực từ ngày ký, tức ngày 18-2. Trong khi bảng giá đất cũ đã hết hiệu lực từ ngày 31-12-2019. Các đơn vị không biết áp dụng bảng giá nào để tính cho đúng mà không gây thiệt thòi cho người dân” - lãnh đạo một chi nhánh VPĐKĐĐ nói.
Trong khi đó, theo lãnh đạo VPĐKĐĐ tỉnh Khánh Hòa, nhiều hồ sơ tiếp nhận sau ngày 31-12-2019 được các chi nhánh gửi kèm bảng giá đất cũ đến cơ quan thuế để tính nghĩa vụ tài chính. Điều này là không phù hợp với quy định pháp luật.
Theo quy định, nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với trường hợp công nhận quyền sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất được tính theo giá đất tại thời điểm VPĐKĐĐ gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế hoặc thời điểm người sử dụng đất nộp đủ hồ sơ hợp lệ.
Tuy nhiên, có thể thấy rõ có sự bất cập ở đây. Đối với các hồ sơ nằm trong khoảng thời gian sau ngày 31-12-2019 nhưng trước ngày 18-2 nếu áp dụng bảng giá mới thì người dân sẽ bị thiệt thòi.
Được biết tại một số chi nhánh VPĐKĐĐ, người dân đã được cho ký một bản cam kết khi giải quyết hồ sơ với nội dung: Tại thời điểm chuyển nhượng, bảng giá đất 2014-2019 đã hết hiệu lực nên chưa có cơ sở tính thuế. Nay chúng tôi được biết đã có bảng giá đất mới 2020-2024 nên xin được tính thuế hồ sơ của chúng tôi trên cơ sở giá đất mới hiện hành. Chúng tôi xin cam kết không khiếu nại, khiếu kiện gì về sau.
Phải giải quyết theo hướng có lợi cho dân
Theo luật sư Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa, trong khoảng thời gian bảng giá đất cũ đã hết hiệu lực và bảng giá đất mới chưa được ban hành, các cơ quan chức năng cần đưa ra phương án giải quyết phù hợp với luật, không gây thiệt thòi đối với người dân.
“Nhà nước ban hành chậm thì phải có trách nhiệm khắc phục, áp dụng pháp luật không gây thiệt hại cho người dân. Về pháp lý, bảng giá đất cũ chỉ hết hiệu lực khi có quyết định mới thay thế. Do đó, nếu không giải quyết hồ sơ đất đai cho dân trong thời hạn luật định, hoặc áp giá theo hướng bất lợi cho dân thì có thể coi đó là hành vi, quyết định hành chính trái luật, gây thiệt hại đối với người sử dụng đất” - luật sư Hà phân tích.
Theo đại diện Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa, cơ quan này đã báo cáo, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết các vướng mắc đối với những hồ sơ đang tồn đọng.
Nêu quan điểm xử lý, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho rằng: “Quan điểm của tỉnh là giải quyết theo hướng có lợi cho dân. Cơ quan chức năng cần mời từng trường hợp đến, tính toán, áp dụng theo giá đất nào cũng được vì giá đất mới không thay đổi bao nhiêu. Tinh thần là giải quyết theo hướng thỏa thuận có lợi cho dân”.
Ông Tuân cũng thông tin đã yêu cầu các sở, ngành chức năng liên quan kiểm tra, rà soát từng trường hợp đối với các hồ sơ tồn đọng để giải quyết sớm.
So với bảng giá đất ban hành năm 2015, bảng giá mới do UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành ngày 18-2 tăng 30%-50% tùy vào các khu vực đồng bằng, miền núi, các trục giao thông… |
-
Khánh Hòa kêu gọi đầu tư 4 khu công nghiệp mới
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có báo cáo số 451/BC-UBND về công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025....
-
Hé lộ dòng vốn đầu tư lớn đổ vào tỉnh Khánh Hòa trong năm 2024
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có báo cáo số 451/BC-UBND về công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025....
-
Khánh Hòa lập quy hoạch mới khu vực núi Chín Khúc gần 1.000 ha
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Quyết định số 3149/QĐ-UBND phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) Khu vực núi Chín Khúc, thành phố Nha Trang và huyện Diên Khánh.