Dự án khách sạn với tổng diện tích 7.707 m2 đã được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt, thế nhưng gần 17 năm nay dự án vẫn bị treo, làm cho hàng chục gia đình lâm vào cảnh sống dở chết dở.
Công ty TNHH MTV dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO), được phép xây dựng dự án khách sạn ở Ba Làng - Vĩnh Hải - Khánh Hòa. Ngày 8/10/2003, UBND tỉnh Khánh Hòa có Thông báo 434/TB cho phép dự án được đầu tư trên diện tích 7.707m2. Thế mà từ đó đến nay, dự án này vẫn chưa khởi động.
Mới đây, TP. Nha Trang đã có ra 4 Quyết định thu hồi và áp giá bồi thường đối với hộ ông Phạm Văn Tuân, cư ngụ tại 245 Phạm Văn Đồng, Tổ 8, Ba Làng, phường Vĩnh Hoà,TP. Nha Trang. Các Quyết định mang số 5925- 5926-5927- 5929/QĐ-UB ngày 27/9/2017 UBND-TP. Nha Trang.
Ông Tuân cho biết: Nội dung của 4 quyết định trên do Phó chủ tịch UBND Thành phố là Lê Huy Toàn ký ngày 27/09/2017 là không đúng, đã vi phạm và xâm phạm quyền lợi và gây thiệt hại cho tôi và gia đình tôi. Cụ thể như sau:
1/ Khu nhà đất gia đình tôi đã mua bán, chuyển nhượng và ở ổn định từ năm 1996, các giấy tờ chuyển nhượng, mua bán đều qua chứng thực của chính quyền địa phương hàng năm đều có nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, (khuôn viên nhà đất có 341m2 – trong đó có 150m có giấy chứng nhận QSDĐ – mục đích sử dụng lâu dài làm nhà ở đô thị, diện tích còn lại 183m2 chưa có sổ bởi vì thời điểm làm sổ năm 2001 quy định hạn mức).
Hiện trường nhà ông Tuân ở Ba làng – Khánh Hòa.
Các loại giấy tờ và thời điểm mua bán đều phù hợp Điều 50 của Luật đất đai, là quyền sở hữu hợp pháp nhà và đất của gia đình tôi.
Vậy mà khi họp xét thu hồi bồi thường, giải tỏa đất chỉ công nhận 150m – diện tích 183m còn lại không được bồi thường mà chỉ hỗ trợ.
Theo quyết định số 1901/ QĐ-UB năm 2000 và theo quyết định 2406 năm 2003 và khu nhà đất gia đình tôi có giấy chứng nhận (sổ đỏ năm 2002) có trước khi dự án được duyệt…”. Vậy mà khi họp xét, nhà đất và toàn bộ đất đổ san lấp mặt bằng và toàn bộ hệ thống đường xá, cống rãnh, khu này trước đây là khu đầm lầy không được tính tiền bồi thường”.
Nếu tính kể từ quyết định số 1901 QĐ-UB năm 2000 cho đến thời điểm hiện nay 2017 là 17 năm nhưng Công ty tư nhân (Chủ đầu tư) vẫn nằm yên, bất động trong khi đó luật đầu tư xây dựng là 12 tháng và 24 tháng nếu không thực hiện thì bị thu hồi, sao nay vẫn còn tồn tại.
2/ Căn cứ theo nội dung của Điều 2 Luật đất đai ghi rõ thẩm quyền thu hồi đất và quyền của người sử dụng đất:
- Nhà nước thu hồi đất bồi thường tái định cư.
- Nhà nước thu lại quyền sử dụng đất để bồi thường cấp tái định cư.
Qua 2 nội dung đã được phân cấp rõ, khu nhà và đất tôi vẫn ở thì Nhà nước thu lại QSDĐ là thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Khánh Hòa, chứ không phải thẩm quyền của UBND Thành phố Nha Trang ra quyết định thu hồi đất của hộ gia đình tôi.
Và nếu có thu lại QSD đất yêu cầu chủ đầu tư phải hiệp thương, thỏa thuận trưng thu tài sản nhà và đất.
3/ Căn cứ Điều 38 của Luật đất đai năm 2013, có 12 nhóm để nhà nước thu hồi đất thì khu nhà đất của gia đình tôi do Công ty cổ phần dịch vụ hàng không làm chủ đầu tư thì phải căn cứ theo quyết định 2406 QĐ-UB ngày 01/08/2003 của UBND tỉnh, kèm theo quyết định có thông báo như sau:
Theo thông báo số 266 TB-UB ngày 23/4/2004 nội dung nói rõ: Do quy hoạch chi tiết khu dân cư Ba Làng đã được phê duyệt nên chủ đầu tư cần thỏa thuận với các hộ dân để mua lại QSD đất.
Theo thông báo số 445 TB-UB ngày 19/8/2014 do Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Vinh (nay là chủ tịch UBND tỉnh) đã chủ trì và ghi rõ: “Đối với các trường hợp còn lại chưa có quyết định thu hồi đất, chưa có quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ”, chủ đầu tư phải xây dựng phương án bồi thường trên cơ sở thỏa thuận với các hộ dân theo quy định hiện hành, thông qua UBND Thành phố Nha Trang trước ngày 05/09/2014.
4/ Căn cứ Điều 61 và Điều 62 của Luật đất đai năm 2013 và Nghị định 43 đã nói rõ những nhóm thuộc đối tượng nhà nước thu hồi đất và thu lại QSD đất, chế độ đền bù đã ghi rõ: Qua các đơn khiếu nại của tôi ngày 20/07/2017 ; ngày 01/08/2017 và ngày 27/10/2017 tôi đã khiếu nại đến các cơ quan tỉnh Khánh Hòa, UBND Thành phố Nha Trang.
Cty Dịch vụ hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (năm 2015, đổi thành Công ty Cổ Phần Dịch vụ hàng không Sân bay Tân sơn Nhất) đã quá xem thường luật pháp đối với chính quyền nơi có dự án đầu tư (?). Và với quyền hạn của mình, UBND tỉnh Khánh Hòa hình như cũng “bất lực” trước sự “nhờn luật” của dự án xây dựng khách sạn Sasco- Nha Trang? Điều này chúng tôi đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa có sự trả lời sớm cho các hộ dân trong khu vực.
Mặt khác, trong Báo cáo số 117/BC-HĐND tỉnh Khánh Hoà, ngày 06/12/2017, kết quả giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khoá VI cũng có đề đạt lên chính quyền các cấp về Dự án SASCO như sau: Cử tri kiến nghị việc nhà nước thu hồi đất của dân để giao cho chủ đầu tư xây dựng dự án căn hộ cao cấp trên địa bàn phường Vĩnh Hoà, nhưng tiến độ triển khai quá chậm, nhất là dự án SASCO, tỉnh đã gia hạn nhiều lần và đã kéo dài hơn 17 năm, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Đề nghị tỉnh cho biết có tiếp tục thực hiện dự án hay không, nếu không thực hiện thì thu hồi dự án và trả lại đất cho dân sử dụng.
GĐ&PL
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.