Hẻm 117 đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, TP.HCM nằm sát bên hồ Văn Thánh. Thế nhưng, mỗi lần trời mưa, nước từ mặt đường chảy rất chậm xuống cống thông ra sông Sài Gòn, trong khi hồ gần đó có sức chứa 40.000 m3 thì mực nước vẫn rất thấp.
Nằm kế bên hồ vẫn ngập
Tương tự, hễ trời mưa, người dân sống tại phường Tân Quy, quận 7, TP HCM lại thở ngắn than dài bởi nước tràn vào nhà. Chỉ tính riêng địa bàn phường này đã có 3 hồ nước tự nhiên, trong đó hồ Song Tân quy mô hơn 20.000 m3.
Đường Hồ Học Lãm, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM chỉ cần mưa nhỏ đã ngập. Đoạn từ khu dân cư Ehome 3 đến Bến Phú Định có thời điểm nước ngập nửa bánh xe. Hệ thống ống cống nơi đây đấu nối trực tiếp ra kênh Đôi. Vào thời điểm mưa, nước thoát chậm nhưng mỗi đợt triều cường lên thì nước bị tống ngược lại, trong khi cách đó không xa, hồ tự nhiên thuộc cụm dân cư Ehome 3 có sức chứa hơn 20.000 m3 bị bỏ hoang, không được kết nối với hệ thống ống cống thu nước mưa. Sự nghịch lý này đang diễn ra nhiều nơi khi hồ điều tiết vẫn đang tồn tại nhưng không có hệ thống đấu nối vào các ống thu gom nước mưa.
Ao Sông Tân (quận 7, TP HCM) có khả năng trữ nước cao nhưng không được kết nối với hệ thống thoát nước để làm hồ điều tiết
Một kỹ sư thuộc Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP HCM cho biết nếu tính toàn bộ, TP có hơn 100 hồ tự nhiên và nhân tạo không được tận dụng để kết nối vào các hệ thống ống cống. Đơn cử như hồ Kỳ Hòa (quận 10), hồ thuộc Khu Du lịch Đầm Sen (quận 11), hồ nước Công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), hồ nước Công viên Lê Thị Riêng (quận 10)...
"Sở dĩ tồn tại nghịch lý này là vì nhiều đơn vị quản lý hồ lo lắng việc thu gom nước mưa xen lẫn nước thải sẽ làm thay đổi môi trường nước gây ô nhiễm. Việc này từng được đề xuất và gây ra nhiều ý kiến trái chiều khiến công tác quy hoạch và xây dựng hồ điều tiết gặp nhiều khó khăn" - kỹ sư này nêu.
Nhiều ý kiến hiến kế
Trước kia, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP HCM đã trình đồ án quy hoạch chống ngập cho thành phố với 103 hồ điều tiết. Các vị trí xây dựng thuộc TP Thủ Đức, các quận 4, Tân Bình, Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vấp và các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè. Tuy nhiên, thời gian qua, dự án chậm hoặc khó triển khai.
Mới đây, UBND TP HCM đồng ý phê duyệt thêm đề án chống ngập và xử lý nước thải, trong đó có giải pháp về hồ điều tiết. Trước mắt, thành phố sẽ đẩy mạnh công tác xây dựng 7 hồ điều tiết. Việc xây dựng các hồ điều tiết này dựa trên cơ sở nghiên cứu, rà soát những khu vực trũng thấp có thể tận dụng để làm hồ điều tiết giảm ngập, tăng dung tích trữ nước, tạo cảnh quan đô thị.
Trong khi đó, không ít tòa nhà, chung cư xây dựng xong bán cho khách hàng và nhiều năm không thực hiện hồ điều tiết như cam kết. Đơn cử, chung cư Riviera Point (quận 7) tự ý lấn rạch, các cơ quan chức năng yêu cầu phải xây hồ cảnh quan để thay thế. Dù đã giải tỏa được khu đất nhưng nhiều năm chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện, gây ra cảnh ngập sau mưa ở cụm dân cư phường Tân Phú hơn 5 năm nay.
PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, Viện Môi trường Tài nguyên - ĐHQG TP HCM, cho biết mạng lưới hồ điều tiết rất quan trọng. Bối cảnh đô thị hóa với mảng
bê-tông và tòa nhà ngày càng nhiều thì những hồ nước giảm bớt việc nắng nóng, tạo cảnh quan đẹp. Để giảm bớt chi phí, cần tận dụng một số cảnh quan của khu dân cư hiện hữu để kết nối đồng bộ hệ thống thoát nước. Đối với các đô thị mới, khi xây dựng bắt buộc phải làm hồ điều tiết để tránh tình trạng làm xong dự án "bỏ quên" công trình này.
Theo ThS Nguyễn Như, Hội Cầu đường cảng TP HCM, thành phố cần nhiều hồ điều tiết hơn nữa bởi tình trạng sụt lún nền đất do thiếu nước ngầm và việc bê-tông hóa ngày càng nhiều. Hơn 10 năm trước, nhiều chủ đầu tư chưa ý thức vai trò quan trọng của hồ, ao và kênh rạch, sẵn sàng san lấp để mở rộng diện tích đất xây được nhiều công trình hơn. Nhưng giờ đây mọi thứ đã thay đổi, chỉ cần một dự án nhà ở có kênh hoặc ao hồ nằm kế bên, giá trị bán ra khả năng cao gấp đôi.
"Người dân mua nhà ngoài việc quan tâm đến nơi ở còn quan tâm rất nhiều các tiện ích xung quanh. Hơn nữa, việc yêu cầu chủ đầu tư làm nhà phải làm hồ cảnh quan có tính năng điều tiết sẽ giảm chi phí ngân sách cho TP HCM " - ông Nguyễn Như nhận định.
3 tháng, 10 đợt mưa gây ngậpTừ ngày 30-4 đến nay, ứng dụng UDI Maps của Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP HCM đã ghi nhận gần 10 đợt mưa to gây ngập nhiều tuyến đường ở các quận Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Phú và TP Thủ Đức. Phần lớn nguyên nhân gây ngập là do hệ thống thu gom nước không đủ so với nước mưa. Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ cho biết biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng làm ảnh hưởng lớn đến đô thị tại TP HCM. Ngoài ra, tình trạng sụt lún nền đất do nước ngầm bị thâm hụt cũng dễ dẫn đến việc ngập sau mưa. |
-
TP.HCM triển khai 20 dự án chống ngập 'đón' mùa mưa, triều cường
Dự thảo kế hoạch 2021 đề ra chỉ tiêu trong năm nay sẽ triển khai, hoàn thành 10 dự án giảm điểm ngập do mưa và 10 dự án giảm ngập do triều cường.