12/01/2017 1:11 PM
Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án đầu tư xây dựng công trình tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đến nay vẫn chưa hoàn thành, nên việc triển khai thi công dự án gặp nhiều khó khăn dẫn đến chậm tiến độ.
Nhiều trường hợp lấn chiếm
Theo tìm hiểu của ĐTTC, công tác GPMB tại các quận, huyện đã cơ bản hoàn tất bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công, nhưng tại quận Bình Tân hiện vẫn còn 3 doanh nghiệp, 8 hộ dân giải tỏa một phần chưa bàn giao mặt bằng, và 145 hộ dân đã bàn giao mặt bằng nhưng kiến nghị về lãi suất do chậm gửi sổ tiết kiệm.
Qua rà soát, UBND quận Bình Tân cho biết có phát sinh 3 doanh nghiệp ngoài danh sách thống kê chưa thực hiện công tác bồi thường, bàn giao mặt bằng. Các trường hợp này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ).
Riêng trường hợp CTCP Sản xuất thương mại dược phẩm Đông Nam đã được cấp GCN sở hữu công trình tài sản gắn liền với đất. Do đó, kiến nghị UBNDTP, Hội đồng Thẩm định bồi thường TP chấp thuận bồi thường, hỗ trợ đối với phần vật kiến trúc như đối với 22 doanh nghiệp theo danh sách thống kê.
Đối với 8 hộ giải tỏa một phần, địa phương đang tập trung tạo điều kiện thuận lợi và vận động các hộ dân dân nhanh chóng sửa chữa nhà, tháo dỡ vật kiến trúc bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư dự án thi công.
Bên cạnh đó, 145 hộ đã bàn giao mặt bằng nhưng chậm gửi sổ tiết kiệm số tiền bồi thường, hỗ trợ vào ngân hàng, kiến nghị thống nhất tính bổ sung lãi suất ngân hàng trong khoảng thời gian từ khi ban hành quyết định bồi thường, hỗ trợ đến thời điểm gửi sổ tiết kiệm.
Báo cáo mới đây của Sở Nội vụ TP cho thấy trên phần đất thực hiện dự án trước đây đã xảy ra nhiều trường hợp lấn chiếm, san lấp, phân lô, chuyển nhượng trái phép. Điển hình như trường hợp bà Nguyễn Thị Mèo. Năm 1998, bà Mèo làm đơn gửi UBND xã Bình Hưng Hòa xác nhận tình trạng sử dụng đất của 4 thửa đất, thuộc tờ bản đồ số 8, xã Bình Hưng Hòa theo GCN QSDĐ 1143/QSDĐ ngày 2-6-1995, do UBND huyện Bình Chánh cấp với nội dung đề nghị xác nhận “không có tranh chấp, không bị quy hoạch giải tỏa”. Lý do: “Bổ túc hồ sơ xin quy hoạch dân cư”.
Tương tự, trường hợp của ông Lê Trung Tính và Nguyễn Văn Lực cũng có hành vi san lấp, lấn chiếm phần đất thuộc kênh Nước Đen với tổng diện tích của 3 trường hợp là 5.771m2, sau đó phân lô chuyển nhượng giấy tay cho nhiều người. Nguyên nhân phát sinh vụ việc do trong thời gian dài từ năm 1998 đến năm 2003, UBND xã, phường và các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền liên quan đã để xảy ra tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất kênh rạch không có biện pháp ngăn chặn xử lý.
Kênh Tham Lương tiếp tục ô nhiễm.
Hết hạn điều tra!
UBND quận Bình Tân cho rằng do quận mới thành lập, sự luân chuyển cán bộ tại các cơ quan tham mưu, sự việc vi phạm đã xảy ra từ trước khi thành lập quận, chờ kết quả xử lý hình sự của cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bình Tân, nên UBND quận đã không báo cáo kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cho UBND TP.
Theo Công văn 2732/CSĐT ngày 28-5-2015 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bình Tân, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm của ông Nguyễn Văn Lực và Lê Trung Tính đã hết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bình Tân đã làm thủ tục đình chỉ điều tra vụ án.
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa đã có chỉ đạo liên quan đến xử lý việc lấn chiếm kênh rạch, san lấp, phân lô, mua bán đất trái pháp luật trong dự án Kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên trên địa bàn quận Bình Tân.
Theo đó, TP yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện thực hiện nghiêm việc nâng cao trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu, tăng cường công tác quản lý nhà nước, nhắc nhở và kịp thời ngăn chặn trước những hành vi sai trái của người dân, không để xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm sử dụng đất công. Nếu vẫn tiếp tục xảy ra, người đứng đầu phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Được biết, dự án tiêu thoát nước và cải thiện kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên có chiều dài 33km, đi qua 7 quận gồm quận 12, 8, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân và huyện Bình Chánh, do Ban Quản lý dự án xây dựng công trình thuộc Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập TPHCM làm chủ đầu tư. Dự án được chia làm 2 giai đoạn với Tổng mức đầu tư là 9.571 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA khoảng 400 triệu USD, phần còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách.
Quy mô xây dựng gồm nhiều hạng mục, các công trình ưu tiên giảm ngập gồm xây dựng cống điều tiết kết hợp âu thuyền (nơi cho tàu neo đậu) rạch Nước Lên; xây dựng cống điều tiết kết hợp âu thuyền trên sông Vàm Thuật, nạo vét kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên dài 32,7km; gia cố mái kênh, xây dựng cống bao chính...
Mục tiêu của dự án là nâng cao năng lực quản lý, phòng chống ngập úng, kết hợp cải thiện vệ sinh môi trường TP, phối hợp với các công trình liên quan để ngăn triều, thoát nước, giải quyết ngập vùng trung tâm TP do biến đổi khí hậu.
Minh Tuấn (SGĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.