Tín dụng năm 2014 tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên
Năm 2014, ngành ngân hàng định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng 16-18%, tín dụng tăng 12-14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế. Tổ chức thực hiện các giải pháp về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) trong việc tiếp cận tín dụng, góp phần tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất- kinh doanh. NHNN cũng đã yêu cầu các ngân hàng thương mại thực hiện các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn cho DN, hợp tác xã, hộ sản xuất.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2014, Thống đốc đã yêu cầu các TCTD cố gắng giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ DN. Thực thế, với kỳ vọng lạm phát năm 2014 có thể ở dưới mức mục tiêu 7% nên khả năng lãi suất huy động khó có thể giảm thêm. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành ngân hàng cho rằng, vẫn cần giảm tối thiểu 1-2% lãi suất cho vay để hỗ trợ sản xuất- kinh doanh. Vì thế, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng thương mại xây dựng và thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2014 phù hợp với các giải pháp của Chính phủ và của NHNN về điều hành tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng. Trong đó chú ý tới việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất các khoản vay cũ; xem xét miễn giảm lãi vốn vay. Các TCTD phải tập trung nguồn vốn cho các lĩnh vực ưu tiên và không được thu các loại phí liên quan đến khoản vay trừ những khoản phí đã được quy định. Ngoài ra, cần triển khai các gói sản phẩm tín dụng dựa trên các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nhằm nâng cao hiệu quả và giảm chi phí cho vay, hỗ trợ khách hàng vay vốn đầu tư, sản xuất- kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm như cho vay theo chuỗi người nuôi, thu mua, chế biến thủy sản xuất khẩu; cho vay chuỗi liên kết 4 nhà trong lĩnh vực xây dựng bao gồm ngân hàng- chủ đầu tư- nhà thầu- nhà cung cấp.
Không được giấu nợ xấu
Theo yêu cầu của NHNN, các giải pháp tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng phải phù hợp với khả năng huy động vốn và kiểm soát chất lượng tín dụng cũng như nợ xấu. Trong năm 2014, việc xử lý nợ xấu cũng như thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng sẽ được làm quyết liệt. Theo lãnh đạo NHNN, cơ quan này đã yêu cầu các đơn vị chức năng tiếp tục rà soát, đánh giá đầy đủ thực trạng, tình hình và mức độ nợ xấu của các TCTD để chỉ đạo xử lý kiên quyết và đồng bộ. Việc mua - bán nợ xấu qua Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cũng sẽ được đẩy mạnh; đặc biệt sẽ nâng cao vai trò của VAMC trong xử lý nợ xấu và tạo điều kiện cho công ty hoạt động hiệu quả.
Đối với các ngân hàng thương mại, bên cạnh việc thực hiện tốt các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động, NHNN cũng đã yêu cầu phải chủ động triển khai các giải pháp tự xử lý nợ xấu. Cụ thể như đánh giá lại chất lượng và khả năng thu hồi của các khoản nợ; bán nợ xấu cho VAMC; triển khai các giải pháp hạn chế nợ xấu mới và đặc biệt là không được thực hiện cơ cấu lại nợ cũng như áp dụng các biện pháp nghiệp vụ khác để che dấu nợ xấu hay làm sai lệch chất lượng tín dụng. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại phải thực hiện đánh giá, xác định các khoản nợ xấu đủ điều kiện để bán cho VAMC.