Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.Hồ Chí Minh vừa thông báo kết quả đấu giá bán cổ phần của Tổng Công ty Tín Nghĩa được tổ chức vào ngày 1/4. Theo thông tin công bố, trong đợt chào bán cổ phiếu (IPO) lần đầu ra công chúng sáng 1/4, Tín Nghĩa chào bán hơn 14,897 triệu cổ phần, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu với mức giá khởi điểm mỗi cổ phần là 10.200 đồng. Có 28 nhà đầu tư đăng ký đấu giá với khối lượng hơn 30,260 triệu cổ phần, cao gấp đôi số lượng cổ phần chào bán.
Kết quả, toàn bộ số cổ phần chào bán được 12 nhà đầu tư mua hết. Mức giá đấu thành công cao nhất là 14.000 đồng/cổ phiếu. Giá đấu bình quân là 11.885 đồng/cổ phiếu. Tổng số tiền thu được từ đợt đấu giá là 177 tỷ đồng.
Điều gì hấp dẫn nhà đầu tư và khiến cổ phiếu của doanh nghiệp này đắt như tôm tươi?
Theo tìm hiểu, Tín Nghĩa là doanh nghiệpNhà nước của tỉnh Đồng Nai, có vốn điều lệ 1.558 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 50% vốn. Doanh nghiệp này có hoạt động chính là đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp (KCN) và bất động sản, chế biến, kinh doanh xuất nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu,… Trong đó, đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN và bất động sản đang được công ty đầu tư phát triển nhưng vẫn còn nhiều tiềm năng chưa khai thác, một phần do nguồn vốn.
Theo thông tin công bố trong phương án cổ phần hóa, Tín Nghĩa đang quản lý, sử dụng và triển khai đầu tư hơn 2.000 ha đất, trong đó đất đang quản lý và sử dụng hơn 814 ha và đất triển khai đầu tư 1.391 ha. Các khu đất này chủ yếu nằm ở tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng.
Phối cảnh một dự án do Tin Nghia Corp đầu tư xây dựng ở Đồng Nai
Tín Nghĩa cũng cho biết, sau khi cổ phần hóa Công ty sẽ tiếp tục quản lý sử dụng các khu đất này. Cụ thể, tại Đồng Nai là 31 khu đất với tổng diện tích hơn 814 ha.Trong đó, có 6 khu đất sẽ được chuyển nhượng cho khách hàng và đối tác có nhu cầu. Riêng đối với khu đất 17,2 ha tại xã Hiệp Hòa, Biên Hòa đã được Công ty nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với các hộ dân để chuẩn bị đầu tư dự án Khu dân cư và tái định cư tại đây.
Công ty cũng sẽ triển khai thực hiện đầu tư dự án tại 18 khu đất có diện tích 1.391 ha. Hiện nay, có 4 khu đất đang trong giai đoạn chuẩn bị công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Khu đất hơn 5,5 ha ở Lâm Đồng cũng sẽ được tiếp tục được sử dụng là nơi thu mua, chế biến cà phê của nhà máy chế biến cà phê xuất khẩu Tín Nghĩa.
Theo thông tin từ Tín Nghĩa, hiện nay Công ty đang đầu tư nhiều dự án và cần nguồn vốn đầu tư lớn. Đợt cổ phần hóa lần này nhằm tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp để hợp tác phát triển.
Trong giai đoạn 2016 – 2020, Tín Nghĩa cho biết cần nguồn vốn khoảng 3.398 tỷ đồng để xây dựng, hoàn thiện hạ tầng KCN và xây dựng hoàn tất tổng kho xăng dầu. Một số dự án mà công ty sẽ tập trung bồi thường giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng thời gian tới là KCN An Phước (200 ha), KCN Ông Kèo (823 ha), Cảng tổng hợp Tín Nghĩa (40,3 ha), đều nằm ở Đồng Nai.
Bảng kế hoạch đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 của Tin Nghia Corp (ĐVT: tỷ đồng)
Đợt IPO sáng 1/4, cổ phiếu của Tín Nghĩa bất ngờ đắt hàng khi giá bán được khá cao và lượng đăng ký mua vượt gấp đôi lượng chào bán cho thấy, các nhà đầu tư đang nhìn thấy nhiều cơ hội phát triển của doanh nghiệp này. Trong đó, ưu điểm về quỹ đất lớn và tiềm năng bất động sản trong tương lai gần có thể là lý do chính hấp dẫn nhà đầu tư.
Về kết quả kinh doanh và tình hình tài chính, theo thông tin công bố trong phương án cổ phần hóa, trong năm 2011 và 2012 do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế những năm trước đó nên Công ty Tín Nghĩa bị thua lỗ. Từ 2013 – 2015 tình hình có cải thiện. Riêng năm 2015, lợi nhuận sau thuế công ty đạt 192 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện chi phí xây dựng cơ bản, hàng tồn kho cũng như nợ phải trả của doanh nghiệp cũng còn khá cao. Theo kế hoạch của Công ty trong giai đoạn 2016 – 2020, quy mô tài sản của Tín Nghĩa sẽ tăng từ 6.276 tỷ đồng lên 9.739 tỷ đồng.