Tốc độ cải tạo chung cư cũ vẫn rất chậm. Ảnh: Phạm Quang Vinh
Tốc độ cải tạo vẫn… ì ạch
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 1.579 nhà chung cư cũ, bao gồm 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư (trong đó có 34 khu có quy mô sử dụng đất từ 2ha trở lên và 42 khu có quy mô sử dụng đất dưới 2ha) và 306 chung cư cũ độc lập có quy mô từ 2 - 5 tầng. Phần lớn các tòa nhà chung cư đều được xây dựng từ thập niên 70, đều đã xuống cấp và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cư dân sống tại chung cư. Mặc dù mục tiêu cải tạo chung cư cũ đã được nhà quản lý đưa ra từ chục năm trở lại đây, song đến giờ tiến trình cải tạo các chung cư cũ ở cả nước, không chỉ riêng Hà Nội, vẫn chưa có nhiều chuyển biến.
Tại Hà Nội, nhiều chung cư cũ được “liệt” vào mức độ nguy hiểm cấp độ D – cấp độ cao nhất. Trong đó phải kể đến nhà C1 Thành Công, Nhà B6 Giảng Võ, chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng… Hiện nay, các khu chung cư này đã được UBND TP. Hà Nội giao các chủ đầu tư thực hiện dự án cải tạo xây dựng mới. Tuy nhiên, về tiến độ thực hiện cải tạo chưa được như kỳ vọng. Tính đến năm 2016, toàn TP. Hà Nội mới hoàn thành xây dựng lại 14 nhà chung cư cũ theo hai mô hình đầu tư là sử dụng nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn xã hội hóa, con số này chỉ đạt mức 1% so với tổng số hơn 1.500 chung cư cũ phải cải tạo tại Hà Nội hiện nay.
Nhiều tòa nhà, khu tập thể xập xệ, xuống cấp trầm trọng nằm cạnh những tòa nhà cao ốc khang trang, hiện đại khiến cho bộ mặt thủ đô luôn ở tình trạng chắp vá. Chúng tôi đến khu tập thể Viện Tư liệu phim Việt Nam số 22 Liễu Giai, một trong những khu chung cư thuộc diện cải tạo, song gần hai năm qua, khu này vẫn chưa hoàn thành xong việc giải phóng mặt bằng. Hiện nay, hầu hết các hộ dân ở khu tập thể này đã dời đi song vẫn còn lại một vài hộ kiên quyết không dời do chưa thống nhất được giá đền bù với chủ đầu tư.
Thực tế, khu tập thể Viện Tư liệu phim Việt Nam chỉ là một trong hàng loạt các khu chung cư cũ thuộc diện cải tạo vẫn đang ở tình trạng dở dang, như Dự án cải tạo xây dựng lại các chung cư D3, D4 khu tập thể Giảng Võ (Ba Đình), L1, L2 tại số 93 Láng Hạ (Đống Đa)… cùng nhiều khu tập thể khác ở trên địa bàn Hà Nội. Nêu lên nguyên nhân của sự chập trễ này, giới chuyên gia ngành bất động sản cho rằng, vướng về cơ chế chính sách trong đền bù, giải phóng mặt bằng, chủ yếu nhà đầu tư thỏa thuận với hộ dân, trong khi chưa có hướng dẫn cụ thể về thỏa thuận, hệ số chuyển đổi diện tích cũng như việc xử lý nếu hộ dân cố tình chây ỳ … khiến nhà đầu tư mệt mỏi, nản với các dự án cải tạo chung cư cũ.
Nhà quản lý nỗ lực vào cuộc
Nói rõ hơn về câu chuyện cải tạo chung cư cũ tốc độ “rùa bò”, TS. Đào Ngọc Nghiêm, nguyên KTS Trưởng TP. Hà Nội cho hay, việc cải tạo chung cư cũ là bài toán nan giải lâu nay, và điểm nghẽn lớn nhất là làm sao để đảm bảo hài hòa quyền lợi của ba nhà: Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Vấn đề về quyền lợi khi bồi thường giải phóng mặt bằng luôn gây bức xúc đối với người dân và đây cũng là vấn đề khó khăn đối với chủ đầu tư từ trước đến nay. Do đó, cân bằng, hài hòa được lợi ích của các bên là cái mà chúng ta phải làm bằng được mới có thể “thông” điểm tắc của mục tiêu cải tạo chung cư cũ.
Tại cuộc họp báo Quý IV được Bộ Xây dựng tổ chức mới đây, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản cũng nêu lên ba vấn đề nổi cộm khiến cho tiến độ cải tạo chung cư cũ bị chậm. Cụ thể, theo ông Ninh, đó là câu chuyện về giải phóng mặt bằng, “nhất là đối với các hộ kinh doanh tại các khu tập thể, khu chung cư cũ vô cùng khó trong việc thỏa thuận, thương thảo để họ di dời.
Thứ hai là chỉ định nhà đầu tư và cuối cùng là quy định về chiều cao của các tòa nhà” – ông Ninh nói và cho biết thêm, tới đây Bộ sẽ đề nghị các thành phố, địa phương lập các tổ công tác và Bộ Xây dựng trực tiếp tham gia để rà soát và thúc đẩy tiến độ cải tạo chung cư cũ. Bên cạnh đó, Bộ cũng đưa ra kiến nghị sử đổi các Nghị định liên quan đến tính pháp lý của nhà chung cư…
Được biết, mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 702/QĐ – UBND thành lập Tổ chuyên gia để nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách đặc thù của UBND thành phố, hoàn thiện Đề án về cải tạo xây dựng mới các nhà chung cư cũ. Theo ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, UBND TP. Hà Nội đã giao cho 19 nhà đầu tư triển khai lập nghiên cứu, lập ý tưởng trong quy hoạch cải tạo, xây dựng lại 30 chung cư cũ trên địa bàn thành phố.
Để thực hiện quy hoạch, đảm bảo quy trình, thành phố đã giao các sở, ngành, UBND các quận cung cấp số liệu về hiện trạng đất đai, dân số, chỉ giới, ranh giới nghiên cứu làm cơ sở để nhà đầu tư được giao nghiên cứu lập quy hoạch. Hiện có 5 khu đã lập xong quy hoạch chi tiết 1/500 đang được Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội thẩm định để trình UBND thành phố phê duyệt.
Giới chuyên gia trong ngành kỳ vọng, với những động thái của nhà quản lý trong việc đưa ra những giải pháp mạnh mẽ hơn, tốc độ cải tạo các dự án chung cư cũ của Hà Nội cũng như các địa phương khác trên cả nước sẽ có những tiến triển mới, thoát cảnh “ỳ ạch” như đã diễn ra hơn một thập kỷ qua.