29/06/2015 4:13 PM
Tạm thời đóng cửa mọi ngân hàng và áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn là 2 động thái được Hy Lạp lên kế hoạch thực hiện từ ngày 28-6 để chống đỡ hệ thống tài chính rệu rã.

Người dân xếp hàng chờ rút tiền bên ngoài chi nhánh Ngân hàng Quốc gia trên đảo Crete – Hy Lạp hôm 28-6. Ảnh: REUTERS

Sau khi các cuộc đàm phán giữa Athens và bộ 3 chủ nợ quốc tế đổ vỡ cuối tuần qua, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) từ chối tăng tín dụng khẩn cấp cho các ngân hàng Hy Lạp.

Không còn lựa chọn nào khác, Hy Lạp tuyên bố đóng cửa toàn bộ ngân hàng trong tuần này và chỉ mở lại vào ngày 6-7.Song song đó là việc áp đặt mức trần 60 euro/ngày/người có thể rút ra từ các máy ATM. Hệ thống ATM sẽ được mở lại hôm 30-6 sau khi đóng cửa một ngày vào hôm 29-6. Tương tự là sàn giao dịch chứng khoán Athens. Chưa rõ các biện pháp kể trên kéo dài bao lâu.

Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Alexis Tsipras trấn an các tài khoản ngân hàng sẽ an toàn và lương vẫn được chi trả. “Càng ứng phó bình tĩnh, chúng ta càng nhanh hồi phục và càng đỡ thiệt hại" - ông nói.

Tuy nhiên, mặc kệ lời thủ tướng, người dân Hy Lạp xếp hàng dài trước các trạm xăng, máy ATM còn tiền mặt… Theo đài CNN, hàng tỉ euro đã được rút ra trong vài tuần qua khi cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp trở nên nặng nề hơn.

Sau 6 năm chịu đựng khủng hoảng nợ, kịch bản vỡ nợ của Hy Lạp hiển hiện hơn bao giờ hết nếu không trả được khoản nợ 1,6 tỉ euro cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vào ngày 30-6. Tiếp sau phá sản, Hy Lạp sẽ trượt dài trên con đường ra khỏi khu vực các nước sử dụng đồng euro (Eurozone), đe dọa không chỉ tổn hại Athens mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến hệ thống tài chính toàn cầu. Theo Reuters,đồng euro giảm giá mạnh so với đồng USD sau những diễn biến mới liên quan đến Hy Lạp.

Ngày 27-6, Thủ tướng Tsipras bất ngờ bác bỏ các yêu cầu của chủ nợ - trong đó có cắt giảm lương hưu và tăng thuế - và kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý vào ngày 5-7. Một ngày sau, đến lượt các bộ trưởng tài chính của Eurozone lắc đầu trước đề nghị kéo dài chương trình cứu trợ Hy Lạp hiện thời thêm 1 tháng, tính từ ngày 5-7, của ông Tsipras.

Cùng ngày 28-6, Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi điện cho Thủ tướng Đức Angela Merkel trong khi các quan chức cấp cao Mỹ hối thúc châu Âu và IMF nỗ lực duy trì đồng tiền chung cũng như giữ Hy Lạp ở lại Eurozone.

Các chính phủ của Đức và Pháp cũng thông báo họp khẩn. Trả lời phỏng vấn trên đài Europe 1, Thủ tướng Pháp Manuel Valls kêu gọi Hy Lạp nhanh chóng quay lại bàn đàm phán, đồng thời cho rằng EBC không nên cắt viện trợ cho các ngân hàng của Hy Lạp. Ông cũng cảnh báo các cử tri Hy Lạp rằng lá phiếu phản đối trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 5-7 có thể đồng nghĩa với quyết định rời khỏi Eurozone.

Hải Ngọc (NLĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.