Với gần 700 km đường cao tốc hiện có, Việt Nam còn ít so với nhiều nước trong khu vực. Nguồn lực dành cho xây dựng đường cao tốc rất lớn, nếu chỉ trông vào ngân sách thì phải rất lâu mới hoàn thành được mục tiêu 2.500 km cao tốc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang phải huy động mọi nguồn lực để có thể hoàn thành mục tiêu này trong năm 2020.

Hàng loạt tuyến cao tốc mới sẽ được xây dựng

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT) Nguyễn Hoằng cho biết: Cả nước hiện có khoảng 600 km đường cao tốc đã được đưa vào khai thác. Cuối năm nay, hai dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Lào Cai - cửa khẩu Kim Thành hoàn thành, sẽ nâng tổng số chiều dài đường cao tốc của Việt Nam lên khoảng 700 km.

Hiện các tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành, Hòa Lạc - Hòa Bình, Thái Nguyên - Bắc Kạn, Hà Nội - Bắc Giang, tuyến cao tốc nối Hải Phòng - Quảng Ninh và Trung Lương - Mỹ Thuận cũng đang được khẩn trương thi công, sẽ bổ sung thêm gần 460 km đường cao tốc nữa. Ngoài ra, ba dự án cao tốc Mai Dịch - Nam Thăng Long, Dầu Giây - Phan Thiết, Tân Vạn - Nhơn Trạch, với tổng chiều dài 120 km đã xác định được nguồn vốn để thực hiện. Bên cạnh đó, các đoạn tuyến cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa, Thanh Hóa - Hà Tĩnh, Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cam Lộ - La Sơn, Bắc Giang - Lạng Sơn, Nội Bài - Bắc Ninh đã có nhà đầu tư quan tâm hoặc cam kết về vốn, với tổng chiều dài 508 km.

Những tuyến cao tốc hiện đại như đoạn Cầu Giẽ - Ninh Bình sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu 2.500 km cao tốc vào năm 2020.


Các dự án cao tốc: Quảng Ngãi - Quy Nhơn, Biên Hòa - Phú Mỹ - Cái Mép, Nha Trang - Phan Thiết, Dầu Giây - Tân Phú, Hạ Long - Mông Dương, Mông Dương - Móng Cái, Phú Mỹ - Vũng Tàu, Tân Phú - Liên Khương, Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, với tổng số 891 km hiện chưa kêu gọi được nhà đầu tư, Bộ GTVT đang “trải thảm đỏ” về cơ chế, pháp lý để sớm thu hút xã hội hóa nguồn vốn xây dựng. Nếu có nhà đầu tư cam kết hoàn thành các đoạn tuyến cao tốc này, thì đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 2.600 km đường cao tốc được đưa vào khai thác.

Trao đổi về vấn đề này, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho hay: VEC đang đề xuất để tham gia đầu tư xây dựng các dự án cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, Ninh Bình - Bãi Vọt… bằng hình thức BOT. Dự kiến, đến năm 2020, chiều dài cao tốc do VEC thực hiện sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác khoảng 1.000 km. Còn đối với các dự án cao tốc ở khu vực phía Nam, ông Dương Tuấn Minh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long đang kiến nghị Bộ GTVT bổ sung thêm các đoạn tuyến: TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Bạc Liêu - Hà Tiên, Sóc Trăng - Châu Đốc... vào hệ thống đường bộ cao tốc đến năm 2020. Khi đó, mục tiêu cán đích 2.500 km cao tốc sẽ hiện thực hóa.

Tạo mọi điều kiện xã hội hóa nguồn vốn

Tại cuộc họp mới đây của Bộ GTVT xung quanh nội dung hiện thực hóa mục tiêu 2.500 km đường cao tốc vào năm 2020, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhận định: Để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có việc đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc, không thể trông chờ vào nguồn vốn ngân sách, vốn Trái phiếu Chính phủ ngày càng hạn hẹp, mà phải huy động những nguồn lực xã hội hóa nguồn vốn đầu tư bằng các hình thức, phương thức khác nhau. Đây là yêu cầu bắt buộc xuất phát từ thực tiễn. Những việc gì tư nhân, doanh nghiệp làm được thì để họ làm, còn cơ quan quản lý Nhà nước chỉ thực hiện những chỗ tư nhân không làm được.

Theo đó, về mặt thể chế chính sách, Bộ GTVT đang khẩn trương hoàn thiện và triển khai nghị định về quản lý, khai thác và các quy định đầu tư phát triển hệ thống đường cao tốc theo hướng áp dụng các tiêu chuẩn, quy định tiên tiến của quốc tế. Các dự án cao tốc đã, đang và sắp triển khai phải được khảo sát kỹ lưỡng các yếu tố: Thiết kế, hướng tuyến, địa chất… đảm bảo hợp lý, khoa học, tránh các khu dân cư và những vùng đất yếu. Do đó, Bộ GTVT sẽ ưu tiên những nhà đầu tư trong nước tham gia đầu tư, nhằm phát huy nội lực, đồng thời chấp thuận cơ chế chỉ định nhà đầu tư. Điều này sẽ góp phần làm giảm ảnh hưởng đến nợ công hiện nay cho các dự án cao tốc.

Bộ GTVT đã giao Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) xây dựng đề án tổng thể dựa trên cơ sở quy hoạch phát triển đường cao tốc quy hoạch đã được duyệt. Trong đề án này, Bộ GTVT yêu cầu TEDI cần ưu tiên kết nối hệ thống cao tốc Bắc - Nam, khu vực Tây Nguyên và bổ sung thêm một số tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài, tuyến hành lang ven biển phía Nam… vào hệ thống đường cao tốc chung của cả nước.

Tiến Hiếu (Tin tức)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.