27/06/2017 4:38 PM
Theo VBF giữa kỳ 2017, Việt Nam không dễ huy động được nguồn vốn 68 tỷ USD vốn FDI cho xây dựng cơ sở hạ tầng 5 năm tới nếu không gỡ nhiều vướng mắc.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 5 năm tới Việt Nam cần khoảng 68 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài cho xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhóm Công tác Cơ sở hạ tầng tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2017 cho rằng, Chính phủ Việt Nam cũng nhận thấy không dễ dàng để huy động được nguồn vốn này.
Trong 5 năm tới Việt Nam cần khoảng 68 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài cho xây dựng cơ sở hạ tầng.(ảnh minh họa: KT)
Việt Nam đang nỗ lực cải thiện các quy định pháp luật liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, theo Nhóm Công tác này, hiện có 2 vướng mắc quan trọng về pháp lý cần tháo gỡ, đó là quy định pháp luật về xã hội hóa lĩnh vực hàng không, điện và năng lượng và các quy định về đầu tư về hợp tác công - tư (PPP).
Giá bán cổ phần cần xác định trên giá trị doanh nghiệp
Theo phân tích của Nhóm Công tác, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định thoái vốn Nhà nước trong nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng của Việt Nam. Trong giai đoạn 2016-2020, Nhà nước có kế hoạch giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần của mình trong các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Trong đó, các doanh nghiệp khai thác cảng hàng không, khai thác khoáng sản và thăm dò khai thác dầu khí (sở hữu nhà nước trên 65%). Các doanh nghiệp trong lĩnh vực hóa chất, hàng không, DNNN với thị phần từ 30% trở lên về sản phẩm dầu mỏ, viễn thông (có hạ tầng mạng) và bán lẻ điện (sở hữu nhà nước từ 50% - 65%).
Các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực cấp thoát nước, sản xuất, bất động sản, nông nghiệp, lâm nghiệp, sản xuất điện, viễn thông và xây dựng (sở hữu nhà nước có thể giảm xuống dưới 50% hoặc có thể bán toàn bộ)...
Theo Nhóm Công tác, có một vấn đề hiện đang gây khó khăn cho quá trình cổ phần hoá và làm hạn chế đầu tư nước ngoài dài hạn vào Việt Nam – đó là giá bán cổ phần. Giá bán cổ phần thường không phải là một nội dung mang tính pháp lý, tuy nhiên vì ở đây do bên bán là Nhà nước nên giá bán cổ phần phải tuân thủ các quy định có liên quan của luật.
Hiện nay, quan điểm của Chính phủ là giá bán cổ phần phải là giá thị trường. VBF giữa kỳ 2017 đặt vấn đề: Liệu giá niêm yết hay giá giao dịch trên Upcom (thị trường giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng chưa được niêm yết) có thực sự là giá thị trường đối với một nhà đầu tư dài hạn mua một lượng cổ phần lớn chứ không chỉ một vài cổ phiếu như giao dịch trên thị trường chứng khoán?
Nhóm Công tác cho rằng, trong các giao dịch trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư thường là các tổ chức tài chính và những người đầu cơ. Những nhà đầu tư này sẽ không thể tạo ra giá trị hoặc cung cấp những lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp giống như các cổ đông chiến lược. Những vấn đề về áp dụng và thực thi pháp luật này đã ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình cổ phần hoá, dẫn đến các cuộc đàm phán bị kéo dài với kết quả không thỏa đáng cho cả phía chính phủ.
Vì thế, Nhóm Công tác tin rằng quá trình cổ phần hóa chỉ có thể được thực hiện hiệu quả nếu giá bán cổ phần được thỏa thuận dựa trên giá trị thị trường của các DNNN. Do đó, giá bán cổ phần của DNNN cho cổ đông chiến lược trong bối cảnh cổ phần hoá không nên dựa trên giá giao dịch trên thị trường chứng khoán. Thay vào đó, giá phải được xác định dựa trên định giá trị của doanh nghiệp, có tính đến tất cả các quyền và tài sản của doanh nghiệp, sự phát triển trong tương lai và các yếu tố thị trường khác.
“Trong trường hợp không rõ ràng, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước có thể chấp thuận việc miễn áp dụng các điều kiện giao dịch chứng khoán bằng cách cho phép thực hiện giao chuyển nhượng cổ phần theo thỏa thuận ngoài thị trường như thường xảy ra tại Việt Nam”- Nhóm Công tác khuyến nghị.
Mô hình PPP vẫn thiếu ưu đãi hấp dẫn
Đối với vấn đề đầu tư theo hình thức PPP, Nhóm Công tác đánh giá: Sau 2 năm thực hiện Nghị Định 15/2015/NĐ-CP về PPP mà không có dự án lớn nào được đấu thầu thành công.
Một trong nhiều nguyên nhân, theo Nhóm Công tác, do việc thiếu các ưu đãi đầu tư mạnh mẽ và hấp dẫn của mô hình PPP để thúc đẩy các ngân hàng thương mại ngoài quốc doanh (cả trong và ngoài nước) cho vay cũng gây ra quan ngại về tính thiết thực của chương trình PPP trong việc phát tiển và huy động vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng.
Bên cạnh đó, các hạn chế về bảo lãnh của nhà nước và nguyên tắc về bù đắp thiếu hụt về tài chính cho các dự án PPP là một trong những vấn đề chính cần được giải quyết trước để có thể bắt đầu thực hiện chương trình PPP một cách toàn diện. Những vấn đề này có thể được giải quyết theo từng dự án, nhưng chi phí của việc chuẩn bị các đề xuất dự án mà không có hướng dẫn về các hỗ trợ có thể có được sẽ làm cho việc chuẩn bị trở nên khó khăn hơn.
Vì thế, Nhóm Công tác đề xuất Chính phủ nên tập trung nguồn lực để thực hiện một số dự án tiêu biểu được các bên cho vay đồng ý cấp vốn để chứng minh tính khả thi của mô hình đầu tư này. Chỉ khi có một số thành công nhất định, cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các nhà đầu tư mới có thể có động lực theo đuổi PPP. Việc thực hiện thành công một số dự án như vậy cũng sẽ giúp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các nhà đầu tư có được những kinh nghiệm và bài học thực tiễn từ việc tự thực thi pháp luật…/.
Xuân Thân (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.