Đơn đặt hàng mới ở các thị trường mới nổi trong tháng 1/2013 đạt mức tăng cao nhất suốt 22 tháng qua.

Chỉ số phát triển kinh tế tại các thị trường mới nổi (EMI) của ngân hàng HSBC mới công bố cho thấy, EMI đã tăng từ 53 điểm vào tháng 12/2012 lên 53,9 điểm trong tháng 1/2013. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 2.2012 và chỉ thấp một chút so với mức 54,2 điểm - số điểm trung bình trong 7 năm.

HSBC: Các nhà sản xuất ở Indonesia và Việt Nam thể hiện sự lạc quan nhất

HSBC đánh giá số liệu được phân tích chứng tỏ rằng tăng trưởng đã có trên diện rộng ở cả lĩnh vực dịch vụ và sản xuất, theo đó khối sản xuất đã có tháng thứ 3 tăng trưởng liên tục và đạt tốc độ tăng nhanh nhất kể từ tháng 5/2011. Trong khi đó khối dịch vụ lại tăng trưởng mạnh nhất trong 4 tháng.

Đơn đặt hàng mới ở các thị trường mới nổi trong tháng 1/2013 đạt mức tăng cao nhất suốt 22 tháng qua. Đơn đặt hàng sản xuất mới tăng nhanh nhất kể từ tháng 4/2011 và đều khắp các nền kinh tế. Chỉ Ai Cập, Hàn Quốc, Cộng hoà Czech và Phần Lan giảm đơn đặt hàng mới trong tháng 1/2013.

Trong tháng 1, các thị trường mới nổi có áp lực giá cả mạnh nhất trong 3 tháng qua. Mức lạm phát giá cả đầu vào ở lĩnh vực dịch vụ giảm nhẹ trong khi ở lĩnh vực sản xuất đạt mức cao 15 tháng qua.

Việc làm trong tháng 1 vẫn duy trì đà tăng kể từ tháng 8/2009. Lĩnh vực sản xuất tăng nhân công tháng thứ hai liên tiếp, lần đầu tiên tăng liên tục trong 17 tháng.

Cũng theo HSBC, chỉ số sản lượng tương lai tổng hợp (CFOI) là một chỉ số mới, khảo sát kỳ vọng của các doanh nghiệp trong khoảng thời gian 12 tháng. Chỉ số này trong tháng 1/2013 đã cải thiện đạt đỉnh cao của 2 tháng, biểu hiện các doanh nghiệp ở các thị trường mới nổi có mức độ lạc quan chung mạnh mẽ. Các nhà sản xuất kỳ vọng về tăng trưởng mạnh mẽ nhất kể từ tháng 4/2012 (tháng đầu tiên thu thập số liệu trong lĩnh vực này), mở đường cho việc cải thiện niềm tin ở các nhà cung cấp dịch vụ.

Giám đốc Toàn cầu Khối Nghiên cứu các thị trường mới nổi của HSBC-Pablo Goldberg, đánh giá: “Sau năm 2012 đầy khó khăn, các điều kiện kinh tế ở các thị trường mới nổi bắt đầu cải thiện kể từ tháng 8 vừa qua. Kết quả ngành sản xuất và dịch vụ đều cho thấy hoạt động kinh tế không chỉ được hỗ trợ bởi các điều kiện nội địa đang phục hồi, mà còn nhờ vào sự hồi sinh của các đơn đặt hàng xuất khẩu mới. Các chỉ số phụ về đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã trên ngưỡng 50 điểm ở 11 trong 16 nền kinh tế được khảo sát, một kết quả chưa từng thấy kể từ tháng 4/2012.

Chỉ số phát triển kinh tế tại các thị trường mới nổi (Emerging Markets Index – EMI) của ngân hàng HSBC - một chỉ số công bố hằng tháng trích xuất từ khảo sát Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (Purchasing Managers Index PMI).

Các thị trường mới nổi được HSBC khảo sát: Trung Quốc, Brazil, Mexico, Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam, Đài Loan, Hàn Quốc, Phần Lan, Cộng hoà Czech, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Arabia Saudi, Ai Cập, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.

Trong khi các kết quả tốt nhất tiếp tục đến từ khối dịch vụ chứng tỏ khối này đã tương đối phục hồi trong bối cảnh bên ngoài đang có nhiều thử thách, tin tốt lành là hoạt động sản xuất cũng đang hồi phục. Hơn nữa, lĩnh vực sản xuất hồi phục dường như có nhiều giai đoạn vì kỳ vọng kinh doanh cho một năm cũng ở mức cao nhất trong vòng chín tháng. Trung tâm của điều này là sự thay đổi hoàn toàn về triển vọng kinh tế Trung Quốc vốn đang từ từ vực dậy nền kinh tế của các nước châu Á. Tuy nhiên, các quốc gia lân cận khu vực đồng tiền chung châu Âu hiện đang gặp nhiều khó khăn cũng vẫn còn phải nỗ lực nhiều”.

Pablo Goldberg cũng cảnh báo: “Sự phục hồi nào cũng đi cùng những nguy cơ. Chỉ số PMI tháng 1 đã cho thấy giá cả đầu vào tăng ở khắp các nền kinh tế khi gần đây có sự chạy đua giá dầu. Điều này cần phải được theo dõi cẩn thận. Áp lực này dường chưa được chuyển sang cho người tiêu dùng. Giá xuất xưởng vẫn được kiềm hãm giúp cho các ngân hàng nhà nước ở các thị trường mới nổi duy trì lập trường nới lỏng từ trong hiện tại”.

Theo HSBC, trong tháng 1, tình hình sản xuất ở khu vực Đông Nam Á đang ở trong tình trạng không tốt bằng các thị trường mới nổi khác. Indonesia lần đầu tiên trong 7 tháng qua đã giảm sản xuất mặc dù với tốc độ thấp và các doanh nghiệp đã sa thải nhân viên tháng thứ ba liên tiếp do đơn đặt hàng mới giảm sút. Trong khi đó, Việt Nam có sản lượng sản xuất tăng rất nhẹ và đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm 9 tháng liên tiếp. Các nhà sản xuất ở Indonesia và Việt Nam thể hiện sự lạc quan nhất.

Xuân Thân (VOV online)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.