Thị trường bất động sản đã có sự sụt giảm khoảng hai năm trở lại đây
Thông tin trên được ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), đưa ra tại hội thảo Diễn đàn Đầu tư và Phát triển Kinh doanh 2020: “Cơ hội tăng tốc & bứt phá” diễn ra tại TP.HCM sáng 6/1.
Theo ông Châu, kết thúc năm 2019, trong số 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Chính phủ đặt ra, TP.HCM chỉ có một chỉ tiêu không đạt. Đó là số doanh nghiệp thành lập mới của thành phố chỉ đạt 44.000 doanh nghiệp trong khi chỉ tiêu là hơn 46.000 doanh nghiệp.
Còn theo số liệu của Bộ kế hoạch đầu tư, số doanh nghiệp bất động sản giải thể trong năm 2019 là 686, còn số công ty dừng hoạt động là 596. Trong đó, lĩnh vực bất động sản dẫn đầu trong số các doanh nghiệp dừng hoạt động và giải thể trong năm 2019.
Riêng thị trường bất động sản TP.HCM, trong năm 2019 có 126 dự án có quỹ đất hỗn hợp, 158 dự án liên quan đến đất công nằm trong diện rà soát, thậm chí có dự án nằm trong diện điều tra, khởi tố.
Cả năm 2019 chỉ có một dự án được chấp thuận đầu tư, giảm 12 dự án so với năm 2018; chỉ có bốn dự án được chấp thuận đầu tư, giảm 80% so với 2018.
Những con số này cho thấy quy mô thị trường bất động sản cả nước sụt giảm, từ đó quy mô sản phẩm nhà ở sụt giảm. Tuy nhiên, trong một số phân khúc có tình trạng cung vượt cầu, chẳng hạn như condotel và bất động sản cao cấp ở một số vị trí.
Dù vậy, theo ông Châu, bản chất thị trường không xấu, có chăng là do những yếu tố chủ quan về hệ thống pháp luật, về thực thi pháp luật, quy trình thủ tục hành chính.
“Tại sao có những doanh nghiệp lớn vẫn tăng trưởng được, nhưng có những doanh nghiệp không thể tháo gỡ được khó khăn”, ông Châu đặt vấn đề và cho rằng vấn đề lớn nhất của doanh nghiệp bất động sản hiện nay là cần minh bạch môi trường kinh doanh. Có như vậy, thị tường mới phát triển được.
Bên cạnh đó, theo ông Châu, cũng cần minh bạch thị trường trái phiếu để đây trở thành bệ đỡ cho doanh nghiệp bất động sản phát triển.
Đồng tình với quan điểm này, tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cho rằng thị trường bất động sản không chỉ khó khăn ở TP.HCM mà cả thị trường Hà Nội thời gian cũng sụt giảm.
Nguồn cung năm 2019 tại TP.HCM giảm 52% và tại Hà Nội cũng giảm 26%. Do đó, giá bất động sản đã bị đẩy lên trong bối cảnh thị trường giao dịch trầm lặng hơn năm trước.
Cụ thể, giá bất động sản ở TP.HCM đã tăng 12%, và tại Hà Nội cũng tăng 6% trong năm qua, tùy từng phân khúc và địa bàn. Ở một số tỉnh khác như Quảng Ninh và Bình Thuận trong năm qua, bất động sản lại tăng trưởng rất tốt, nhà đầu tư tập trung nhiều vào các tỉnh này.
“Bất động sản 2020 tiếp tục sàng lọc theo hướng lành mạnh hơn chứ không đến mức độ bi quan. Một trong những nguyên nhân chính là do thể chế, chính sách không theo kịp sự phát triển của bất động sản và những vấn đề liên quan đến rà soát, thanh tra kiểm tra”, ông Lực nói.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Đại Phúc Land, cho rằng trong năm qua, trong khi bức tranh kinh tế vĩ mô có nhiều màu sáng nhưng thị trường bất động sản vẫn giữ gam màu xám. Đó là do lệch pha trong cung cầu, làm cho giá tăng lên nhưng thanh khoản kém.
“Bất động sản là sản phẩm không dành cho người yếu tim vì nó chịu rất nhiều rủi ro. Những rủi ro này nằm ngoài tầm kiểm soát, hoạch định của doanh nghiệp”, bà Hương nói.
Theo bà Hương, các doanh nghiệp bất động sản nên chú ý đến nhu cầu nhà ở tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Đây là nhu cầu thực và luôn lớn, bên cạnh nhu cầu đầu tư. Từ đó, doanh nghiệp cần xác định sẽ hướng đến đối tượng nào.
Cũng theo bà Hương, bức tranh 2020 là sáng hay xám là do người vẽ nên bức tranh, trong đó có trách nhiệm hành động của doanh nghiệp. Do vậy, doanh nghiệp cần tăng cường năng lực đầu tư, đầu tư cho nhân sự và bắt kịp xu hướng của người dân.
“Năm 2020 là năm chúng tôi mong muốn có một thông điệp mạnh mẽ hơn từ phía Chính phủ và Nhà nước về ngắn hạn và dài hạn để doanh nghiệp bất động sản có thể vạch ra được một chiến lược đầu tư đúng hướng và bền vững”, bà Hương đề xuất.