Hầu hết các vụ tranh chấp liên quan đến hợp đồng xây dựng, khi đưa ra tòa đều bị tuyên vô hiệu, dẫn đến hệ quả là các bên bị thiệt hại nặng về kinh tế do dự án “đắp chiếu” không triển khai được…

Khó giải quyết do không rõ ràng

Tại Hội thảo “Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng sửa đổi - Tranh chấp trong các hoạt động xây dựng”, vừa diễn ra tại TP. HCM, các luật sư thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, tranh chấp trong hợp đồng xây dựng diễn ra thời gian qua có muôn hình vạn trạng, nhưng chung quy lại là do những điều khoản không rõ ràng trong hợp đồng được ký kết giữa các bên tham gia.

Theo một thống kê nghiên cứu của VIAC, có đến trên 60% trường hợp bị tòa án tuyên vô hiệu. Đa số các vụ việc này đều liên quan đến các nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp FDI.

Luật sư Châu Huy Quang, Công ty Luật Rajah & Tann LCT, đưa ra dẫn chứng, một nhà đầu tư nước ngoài liên doanh với một doanh nghiệp Việt Nam đầu tư dự án bất động sản tại quận 9. Tuy nhiên, trải qua gần chục năm, dự án này vẫn không triển khai xây dựng được vì hai bên đã xảy ra tranh chấp và chưa giải quyết được chuyện bồi thường.

Theo như hợp đồng đã ký kết giữa hai bên, nội dung có quy định về mức giá đền bù giải phóng mặt bằng là một mức giá cụ thể nhưng không rõ ràng về thời điểm hay tính theo thời giá. Chính vì vậy, sau nhiều năm chậm tiến độ, giá cả tăng lên chóng mặt nên đến khi thực hiện công tác đền bù giải tỏa, giá đất đã tăng lên gấp 2 lần so với con số trong hợp đồng.

Hai bên sau nhiều lần thương lượng vẫn không giải quyết được vấn đề và đã đưa vụ việc ra tòa. Kết quả, tòa tuyên hợp đồng này vô hiệu lực và quyền lợi của bên nào bên đấy được hưởng, bồi thường thiệt hại căn cứ theo sự xác định của các cấp có thẩm quyền.

“Chi phí đầu tư, hay còn gọi là tổng vốn đầu tư thay đổi luôn là yếu tố quan trọng nhất tạo ra các vụ tranh chấp loại này. Để giải quyết được vấn này không hề đơn giản vì ai cũng có cái đúng của họ, nhưng khi ký kết hợp đồng thì không bên nào chịu cụ thể hóa thành các quy định, điều khoản”, luật sư Quang cho biết.

Đồng tình với quan điểm này, một số chuyên gia cũng cho rằng, nhiều vụ tranh chấp sau khi ký hợp đồng xây dựng “dính” đến yếu tố nhà đầu tư nước ngoài nên khi giải quyết gặp rất nhiều vướng mắc do bất đồng ngôn ngữ, cách hiểu về quy định, luật pháp mỗi bên khác nhau.

Ngoài ra, không ít trường hợp, hợp đồng xây dựng viết tùy tiện, không có tính ràng buộc, chế tài rõ ràng theo kiểu “hai bên tự thương lượng nếu có những phát sinh sau hợp đồng…”.

Do vậy, nếu có tranh chấp xảy ra thì hai bên sẽ thỏa thuận nhưng không tự thỏa thuận để đi đến thống nhất được thì cuối cùng vẫn phải đưa nhau ra tòa. Song kết cục căn cứ để phân xử rất thiếu và gây bất lợi cho cả hai bên, thậm chí có thể bị tuyên vô hiệu do không có điều khoản cụ thể về giải quyết, đền bù thiệt hại cho các bên liên quan.

Tìm phương án phù hợp

Thực trạng trên đây còn kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội, bởi theo như PGS. TS. Trần Trịnh Tường, Trọng tài viên VIAC phân tích, qua khảo sát hơn 2.000 dự án xây dựng, đa số là các dự án bất động sản, tại 42 tỉnh, thành trong cả nước và 30 dự lớn do các Bộ, ngành và các Tập đoàn, Tổng Công ty thực hiện, cho thấy các khoản chi phí đều vượt giá hợp đồng sau khi trúng thầu hoặc được chỉ định thầu.

Và đây là nguyên nhân chính dẫn đến mọi tranh chấp phát sinh giữa các bên, dự án đình trệ, lãng phí tiền của vô cùng lớn.

Hiện nay, có trên 20 yếu tố làm tăng tổng mức đầu tư của dự án, từ khâu quyết định đầu tư đến khâu khảo sát, thiết kế, thi công, bàn giao, đưa dự án vào khai thác sử dụng.

Cùng một dự án xây dựng, độ dài thời gian thi công khác nhau dẫn đến chi phí khác nhau. Nhưng các chủ dự án khi tính toán, xác định chi phí thì thiếu yếu tố xác định dự phòng trong giá hợp đồng, nên khi có sự biến động giá trên thị trường thì luôn phải điều chỉnh hợp đồng.

Vì vậy, theo chuyên gia này, khi lựa chọn hình thức hợp đồng, các chủ dự án phải dựa trên những điều kiện và tính chất cụ thể của từng gói thầu, tránh áp đặt chủ quan mà thiếu tính toán tường tận gây hậu quả tiêu cực cho chủ đầu tư và các nhà thầu.

Một số chuyên gia nước ngoài cho rằng, hiện tại Việt Nam có rất nhiều bộ luật ở hầu hết mọi lĩnh vực, nhưng chưa có Luật Hợp đồng. Đây là yếu tố mà các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư dự án tại Việt Nam đều hỏi đến và mong muốn trong tương lai sẽ có một bộ luật như vậy, để giải quyết mọi mâu thuẫn trong quá trình thực hiện hợp đồng giữa các bên liên quan. Bởi vì một khi đưa vụ việc ra tòa đối với một dự án có yếu tố nước ngoài, phải đợi tòa xin ý kiến các bên liên quan, chờ thẩm định rất mất thời gian…

Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM khẳng định, tranh chấp phổ biến hiện nay vẫn nằm ở các dự án liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài nhiều hơn các nhà thầu trong nước. Trong đó, có nhiều tranh chấp của các dự án ODA, FDI.

Hiện nay, Việt Nam đã có Hội đồng trọng tài để dung hòa các tranh chấp này thay vì cứ kéo nhau ra tòa. Vì vậy, các bên liên quan có thể sử dụng hình thức này để tránh lãng phí, kéo dài, bởi đây là mô hình phù hợp với thông lệ quốc tế, giúp các bên liên quan nhanh chóng đạt được thỏa thuận.

Minh Tâm (Báo Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.