Theo báo cáo của Bộ Xây dựng gửi Quốc hội, hiện đã có 54 dự án nhà ở thương mại xin chuyển đổi sang nhà ở xã hội. Ngoài ra, có 84 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai xây dựng.

Nhiều Tổng lớn tham gia nhà ở xã hội

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng gửi Quốc hội, tính đến nay, trên toàn quốc đã có 84 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai xây dựng (kể cả các dự án đang hoàn thiện thủ tục và các dự án đã động thổ, khởi công) với quy mô xây dựng khoảng 51.895 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 23.822 tỷ đồng; 39 dự án dự án nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đang triển khai thực hiện, quy mô xây dựng trên 26.837 căn hộ, tổng mức đầu tư trên 6.800 tỷ đồng.

Trong đó, Tổng công ty Becamex IDC thực hiện Đề án nhà ở xã hội tại tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015, gồm 37 dự án với tổng mức đầu tư 10.830 tỷ đồng, quy mô 64.000 căn hộ, diện tích xây dựng hơn 2,7 triệu m2 sàn, đáp ứng chỗ ở cho trên 125.000 người, hiện đã hoàn thành 4.700 căn.

Tổng công ty IDICO - Bộ Xây dựng triển khai Dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp Nhơn Trạch, Đồng Nai với tổng mức đầu tư 758 tỷ đồng, quy mô gần 3.500 căn hộ, diện tích xây dựng hơn 170.000 m2 sàn, đáp ứng chỗ ở cho hơn 8.000 công nhân; mục tiêu đến năm 2020 dự kiến đầu tư khoảng 20.000 căn hộ.

Yêu cầu công bố thông tin chi tiết về các dự án nhà ở xã hội

Tổng công ty HUD đã triển khai Dự án Khu nhà ở xã hội Tây Nam Linh Đàm với tổng mức đầu tư 710 tỷ đồng, quy mô trên 1.000 căn hộ, diện tích xây dựng hơn 75.815 m2 sàn; đang nghiên cứu triển khai các dự án nhà ở xã hội tại các dự án khu đô thị: Nam Linh Đàm, Thanh Lâm - Đại Thịnh 2, Nam An Khánh mở rộng khu 3, Giang Biên, Tân Lập, Kiến Hưng, Đại Áng… với mục tiêu giai đoạn 2013-2015 xây dựng trên 4.950 căn hộ và giai đoạn 2016-2020 xây dựng trên 20.000 căn hộ nhà ở xã hội.

Tổng công ty Viglacera đã triển khai Dự án Khu nhà ở xã hội tại Khu đô thị mới Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội với tổng mức đầu tư 436 tỷ đồng, quy mô 1.139 căn hộ, diện tích sàn xây dựng khoảng 84.000 m2 sàn, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 4.000 người, dự kiến sẽ hoàn thành, bàn giao nhà từ Quý I năm 2014.

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2013 đến nay đã có 15 dự án nhà ở xã hội được triển khai xây dựng mới, trong đó thành phố Hà Nội khởi công 06 dự án, thành phố Đà Nẵng 03 dự án...). Ngoài ra, còn nhiều dự án nhà ở xã hội đang trong giai đoạn hoàn tất thủ tục chuẩn bị đầu tư để triển khai trong thời gian tới.

Tính đến nay đã có 56 chủ đầu tư dự án đăng ký xin chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội, với quy mô 34.533 căn hộ (trong đó thành phố Hà Nội đã có 21 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 11.408 căn với tổng mức đầu tư khoảng hơn 9.000 tỷ đồng; Thành phố Hồ Chí Minh đã có 24 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 14.800 căn với tổng mức đầu tư khoảng 8.800 tỷ đồng). Đến nay, đã có 22 dự án đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ, với số lượng căn hộ ban đầu là 5.917 căn hộ xin điều chỉnh thành 8.318 căn hộ. Tuy nhiên, việc cho phép chuyển đổi dự án và điều chỉnh cơ cấu căn hộ đạt tiến độ chậm, tại Hà Nội mới có 15 dự án được chấp thuận chủ trương và 3 dự án có quyết định chính thức, riêng Thành phố Hồ Chí Minh mới có 01 dự án được chính thức chuyển đổi.

Gói tín dụng giải ngân chậm

Thống kê của Bộ Xây dựng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã có các văn bản chấp thuận cho 6 doanh nghiệp vay vốn với tổng số vốn vay dự kiến là 860,5 tỷ đồng, đã giải ngân cho 02 doanh nghiệp với số tiền là 54,798 tỷ đồng.

Đối với hộ gia đình, cá nhân: Đã cam kết cho vay 619 khách hàng cá nhân với số tiền là 203,049 tỷ đồng; trong đó, đã giải ngân cho 590 khách hàng với dư nợ 142,47 tỷ đồng. Hiện các Ngân hàng đã nhận được nhiều hồ sơ xin vay và đang tiến hành thẩm định để cho vay.

Đến nay đã cơ bản xác định nhu cầu về nhà ở xã hội của các địa phương. Các cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội được các ngành, các cấp, các địa phương, doanh nghiệp và người dân rất quan tâm, ủng hộ. Hàng loạt các dự án phát triển nhà ở xã hội được triển khai thời gian qua không chỉ mang ý nghĩa kinh tế, chính trị, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, hướng tới người nghèo, tạo điều kiện để người nghèo có nhà ở, mà còn góp phần quan trọng tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh như: chuyển mạnh sang phát triển nhà ở xã hội; chia nhỏ căn hộ, sử dụng vật liệu hoàn thiện trong nước để giảm giá thành; bán hạ giá để cắt lỗ; hỗ trợ cho người mua nhà bằng nhiều hình thức như hỗ trợ vay ngân hàng, khuyến mại. Thị trường bất động sản đã hướng tới bộ phận đa số người mua, cung cấp các hàng hóa phù hợp với nhu cầu thực và khả năng thanh toán của thị trường.

Anh Đào (VnMedia)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.