Công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng Hội An (gọi tắt DIC Hội An) - một doanh nghiệp xây dựng được xem là có tầm cỡ nhất nhì Quảng Nam. Trong nhiều năm qua, dư luận gọi DIC Hội An là "sân sau" trúng thầu hàng loạt dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Mới đây, các thành viên Hội đồng quản trị DIC Hội An đã bị cổ đông chiến lược đâm đơn kiện ra TAND tỉnh Quảng Nam vì bị “lật kèo”. Đây là vụ kiện thu hút dư luận, giới đầu tư quan tâm vì họ đang xúc tiến đầu tư vào Quảng Nam. Vụ kiện của cổ đông chiến lược đang gây đau đầu cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam.
Khi cổ đông bị "lật kèo"
Theo nội dung đơn khởi kiện của ông Lê Quốc Kỳ Quang hôm 15/10 gửi cho TAND tỉnh Quảng Nam và báo chí, ông Quang đang là cổ đông nắm giữ 500.000 cổ phiếu, tương đương 17,15% tổng số cổ phần của DIC Hội An.
Tuy nhiên, điều ông Quang cùng với các cổ đông chiến lược của mình không nghĩ đến là bị các thành viên Hội đồng quản trị DIC Hội An “phong tỏa” làm mất quyền lợi sở hữu cổ phần tại doanh nghiệp này.
Đơn khởi kiện của ông Lê Quốc Kỳ Quang kiện các thành viên Hội đồng quản trị DIC Hội An
Trong đơn khởi kiện của mình ra Tòa án nhân dân Quảng Nam, Ông Quang yêu cầu TAND tỉnh Quảng Nam buộc DIC Hội An xác nhận công khai phần góp vốn của ông tại công ty; Hủy bỏ Nghị quyết số 26 ngày 5/10/2018 của HĐQT DIC Hội An; Hủy bỏ Nghị quyết số 10 ngày 27/4/2018 của Đại hội cổ đông DIC Hội An để phát hành cổ phần riêng lẻ.
Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Nam Trương Trọng Tiến cho biết ngay sau khi tiếp nhận đơn, hôm ngày 26/10, TAND tỉnh Quảng Nam đã có thông báo thụ lý vụ án kinh doanh thương mại về việc “Tranh chấp giữa cổ đông công ty với công ty và các thành viên Hội đồng quản trị công ty”.
Ngày 17/10 ông Quang có đơn yêu cầu TAND tỉnh Quảng Nam áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để ngăn chặn kịp thời việc HĐQT chào bán cổ phần riêng lẻ cho các nhà đầu tư
Ngay sau khi nộp đơn khởi kiện, ngày 17/10 ông Quang có đơn yêu cầu TAND tỉnh Quảng Nam áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để ngăn chặn kịp thời việc HĐQT chào bán cổ phần riêng lẻ cho các nhà đầu tư thì sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng như: cổ phiếu của các cổ đông bị pha loãng dẫn đến các cổ đông lớn bị mất quyền kiểm soát công ty; không có được các nhà đầu tư chiến lược có chất lượng có thể hỗ trợ tốt nhất cho công ty.
Để bảo đảm quyền lợi cho cổ đông, đến ngày 19/10, TAND tỉnh Quảng Nam đã quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc DIC Hội An và các thành viên HĐQT của công ty gồm ông Trần Đình Lợi (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc), ông Bùi Văn Sự, ông Trần Văn Việt, ông Trần Minh Toàn tạm dừng việc phát hành cổ phiếu mới của DIC Hội An.
Văn bản của TAND tỉnh Quảng Nam quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc DIC Hội An và các thành viên HĐQT của công ty
Cùng ngày TAND tỉnh Quảng Nam có quyết định yêu cầu ông Quang phải gửi tài sản bảo đảm số tiền là 1 tỷ đồng vào tài khoản phong tỏa tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Quảng Nam. Ông Quang đã thực hiện đề nghị này của Tòa.
Đồng thời, ông Quang gửi nhiều đơn cầu cứu, khiếu nại gửi đến Ủy ban chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đề nghị bảo đảm quyền lợi sở hữu 17,15% cổ phần tại DIC Hội An bằng việc cấm cho DIC Hội An phát hành cổ phiếu bán lẻ trong thời gian TAND tỉnh Quảng Nam đã thụ lý vụ án.
"Vòng xoáy" tố tụng và sự khó hiểu trong giải quyết của tòa án
Tưởng mọi việc sẽ được Tòa án nhân dân thụ lý giải quyết theo đúng qui định của pháp luật. Thế nhưng, vụ việc bắt đầu rắc rối và "vòng xoáy" tố tụng bắt đầu khi xuất hiện đơn khiếu nại ngày 23/10 của ông Trần Đình Lợi (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc DIC Hội An) yêu cầu TAND tỉnh Quảng Nam hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã ban hành ngày 19/10.
Điều khó hiểu là ngay trong ngày 23/10 ngay sau nhận đơn, TAND tỉnh Quảng Nam đã chấp nhận đơn khiếu nại của ông Trần Đình Lợi, với lý do là khi ông Quang thỏa thuận mua cổ phiếu của DIC Hội An và trở thành cổ đông của công ty từ ngày 6/7/2018. Trước khi ông Quang xác lập quyền sở hữu tại DIC Hội An thì công ty đã ban hành Nghị quyết số 10 ngày 27/4/2018 (đã được Đại hội cổ đông thông qua), trong đó có quy định về phương án tăng vốn điều lệ và thời gian phát hành cổ phiếu mới. Việc HĐQT DIC Hội An thông qua Nghị quyết số 26 ngày 5/10/2018 để triển khai phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ theo Nghị quyết số 10 ngày 27/4/2018.
TAND tỉnh Quảng Nam ban hành quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời được Tòa này ban hành trước đó vào ngày 19/10
Trong quyết định giải quyết khiếu nại “siêu tốc” cho ông Lợi của TAND tỉnh Quảng Nam khẳng định: “Hơn nữa, nếu không thực hiện được phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư, DIC Hội An sẽ không thực hiện được các dự án xây dựng mới theo kế hoạch kinh doanh đã được thông qua, sẽ dẫn đến gây thiệt hại lớn cho các thành viên HĐQT cũng như các cổ đông của công ty. Do đó, để đảm bảo hoạt động bình thường của công ty, tránh thiệt hại đáng tiếc xảy ra thì thấy rằng việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nêu trên là không cần thiết”.
Chỉ sau một đêm, đến sáng ngày 24/10, TAND tỉnh Quảng Nam ban hành quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời được Tòa này ban hành trước đó vào ngày 19/10.
Trước quyết định “siêu tốc” của TAND tỉnh Quảng Nam đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình tại DIC Hội An nên ngày 24/10, ông Quang có đơn khiếu nại TAND tỉnh Quảng Nam về việc bất ngờ hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời, và cho rằng theo Nghị quyết số 10 thì tiêu chí để HĐQT lựa chọn nhà đầu tư là “Các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài; Có năng lực tài chính, có cam kết gắn bó lâu dài với công ty; Có năng lực chuyên môn hoặc hiểu biết trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh của công ty”, chính tiêu chí này dẫn đến việc danh sách được mua cổ phiếu đợt bán lẻ sắp tới được DIC Hội An lựa chọn nhà đầu tư là cán bộ nhân viên công ty là không hợp lý và sẽ không tìm được nhà đầu tư chiến lược đóng góp vào sự phát triển cho công ty.
Ông Quang cho biết, theo Thông tư 162 của Bộ Tài chính quy định trong vòng 12 tháng thì việc phát hành cổ phiếu cho cán bộ công nhân viên không được vượt quá 5% tổng số cổ phần đang lưu hành của công ty. Trong khi, Nghị quyết của HĐQT thì không giới hạn số cổ phần mà cán bộ công nhân viên được mua.
Thực tế, theo danh sách các đối tượng được chào bán thực tế, số cổ phiếu chào bán cho các cán bộ nhân viên công ty là 5,94%, lớn hơn 5% tổng số cổ phần đang lưu hành của công ty. Điều này ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của công ty cũng như của các cổ đông hiện hữu nói chung là không đúng quy định hiện hành.