Quảng Nam sẽ xây dựng và phát triển thành phố Hội An đạt các tiêu chí của đô thị loại II và đô thị du lịch quốc gia, mang tính đặc thù về sinh thái, di sản văn hóa, cảnh quan, môi trường, hiện đại, có bản sắc riêng với đô thị cổ Hội An và khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An là hạt nhân.

Tài nguyên lớn nhất của Hội An là sự kết nối khu di sản văn hóa thế giới với khu dự trữ sinh quyển thế giới trong một chỉnh thể đa dạng và nổi trội về các giá trị tự nhiên, lịch sử, văn hóa, nhân văn. Ảnh: L.B

Hội An có đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa’’

Tỉnh ủy Quảng Nam vừa phê duyệt đề án xây dựng và phát triển Hội An theo định hướng thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch.

Theo đề án, tài nguyên lớn nhất của Hội An là sự kết nối khu di sản văn hóa thế giới với khu dự trữ sinh quyển thế giới trong một chỉnh thể đa dạng và nổi trội về các giá trị tự nhiên, lịch sử, văn hóa, nhân văn. Nơi này hội đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để xây dựng và phát triển theo định hướng thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch.

Hội An là một địa phương có rất nhiều tiềm năng, lợi thế về cảnh quan, sinh thái; văn hóa, xã hội; du lịch, dịch vụ.

Thành phố này còn là đầu tàu du lịch của Quảng Nam, điểm đến du lịch hấp dẫn của Miền Trung – Tây Nguyên. Địa phương nằm trên “Con đường di sản văn hóa miền Trung”, có ưu thế là điểm đến là một điểm đến hấp dẫn của tam giác di sản văn hóa thế giới Huế - Hội An – Mỹ Sơn.

Chưa hết, Hội An còn nằm trong chuỗi đô thị ven biển dài hơn 500 km vùng duyên hải miền Trung. Đặc biệt là trục đường biển “5 sao” nối dài từ phía Nam đèo Hải Vân dọc theo vành đai bờ biển Liên Chiểu – Thuận Phước, qua bán đảo Sơn Trà, xuôi theo bãi biển Non Nước về phố cổ Hội An và kết nối với các vùng ven biển phía Nam dọc theo sông Trường Giang vào đến Quảng Ngãi.

Thành phố cũng nằm trên hành lang kết nối liên vùng giữa thành phố Đà Nẵng, Khu đô thị Điện Nam – Điện Ngọc, Khu du lịch Nam Hội An với Khu kinh tế mở Chu Lai cả về đường bộ (quốc lộ 1A, tỉnh lộ Hội An – Non Nước – Sơn Trà, đường chiến lược ven biển miền Trung), đường sông (sông Thu Bồn, sông Trường Giang, sông Cổ Cò), đường biển (cảng Tiên Sa – Cù Lao Chàm – Cửa Đại - Kỳ Hà), đường không (sân bay Đà Nẵng, sân bay Chu Lai).

Khách du lịch quốc tế tham gia trải nghiệm trồng rau tại làng rau Trà Quế, Hội An. Ảnh: L.B

Xây dựng Hội An trở thành đô thị loại II và đô thị du lịch quốc gia

Việc đầu tư xây dựng và phát triển theo định hướng thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có, hình thành vùng động lực, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ và gắn kết với phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương của các địa phương liên quan trong quá trình phát triển.

Theo Đề án, mục tiêu đến năm 2030 xây dựng và phát triển thành phố Hội An đạt các tiêu chí của đô thị loại II và đô thị du lịch quốc gia, mang tính đặc thù về sinh thái, di sản văn hóa, cảnh quan, môi trường, hiện đại, có bản sắc riêng với đô thị cổ Hội An và khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An là hạt nhân.

Bên cạnh đó, tiếp tục giữ vai trò là trung tâm giao lưu văn hóa, đối ngoại, thành phố sự kiện – lễ hội của tỉnh; xác định vai trò động lực trong phát triển du lịch – dịch vụ của khu vực duyên hải miền Trung và cả nước, vươn tầm ra khu vực Châu Á, là điểm đến hấp dẫn của thế giới.

Cùng với đó, xây dựng khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An trở thành khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia và khu du lịch quốc gia.

Đề án còn đặt ra mục tiêu kết nối “hệ sinh thái di sản” đa dạng và lan tỏa; bảo tồn và phát triển đô thị theo kiểu mẫu cấu trúc “phố - làng”; đảm bảo các giá trị lâu dài đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với vùng đô thị thông minh của tỉnh và mạng lưới đô thị thông minh của cả nước.

Hội An tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO, “Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu” của thế giới, phấn đấu theo mô hình đô thị kiểu mẫu ''thịnh vượng, hấp dẫn, sống tốt''.

Đề án còn hướng đến mục tiêu xây dựng Hội An trở thành thành phố đảm bảo phúc lợi, an sinh xã hội, an toàn, sức khỏe, hạnh phúc cho người dân.

Về mục tiêu cụ thể, phấn đấu chuyển dịch cơ cấu kinh tế đô thị Hội An sẽ theo hướng dịch vụ - công nghiệp – nông nghiệp; tăng trưởng GRDP bình quân mỗi năm từ 13,5% - 14%.

Đề án cũng đặt ra mục tiêu giá trị sản xuất ngành du lịch tăng bình quân trên 10%/năm; tổng lượt khách du lịch đến Hội An đạt khoảng 3 – 4 triệu lượt/năm, tổng lượt khách lưu trú tăng bình quân 7%/năm;…

Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, cần thiết phải đẩy mạnh công tác quy hoạch; đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng đô thị và nông thôn, quản lý hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Song song với đó, cần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản; xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hội An “nhân tình, thuần hậu”; đổi mới tư duy, cơ cấu ngành du lịch phù hợp với đặc điểm thời kỳ mới;…

Mật độ dân số Hội An gấp 40 lần so với mật độ chuẩn trên thế giới

Quá trình phát triển của Hội An luôn chịu sự tác động mạnh mẽ, liên tục cả về mặt tích cực lẫn tiêu cực đến những giá trị nhân văn, sinh thái, cảnh quan, môi trường.

Thành phố Hội An có quy mô dân số không lớn, song mật độ dân số là 1.582 người/km2, gấp 4,9 lần so với cả nước, gấp 11 lần so với mật độ dân số toàn tỉnh và gấp khoảng 40 lần so với mật độ chuẩn trên thế giới (riêng phường Minh An có khu phố cổ, mật độ dân số 7.774 người/km2).

Lưu Bang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.