Tháo chạy khỏi bất động sản
Vào tháng 8/2016, những cổ đông của HAGL nhận được một cú sốc thật sự khi doanh nghiệp này công bố lỗ gần 1.000 tỷ đồng trong quý 2. Nguyên nhân chính là từ việc thanh lý bất động sản (BĐS) và đánh giá lại giá trị tài sản. Cụ thể, việc thanh lý tài sản làm cho HAGL lỗ hơn 397 tỷ đồng và lỗ từ đánh giá lại các tài sản không hiệu quả 530 tỷ đồng. Bên cạnh đó, với khoản nợ vay khổng lồ doanh nghiệp này cũng phải hoạch toán chi phí lãi vay tăng gấp đôi lên 500 tỷ đồng. Cùng với việc thua lỗ này, lợi nhuận biên từ hoạt động kinh doanh trong quý 2 của HAGL cũng sụt giảm mạnh.
Việc HAGL thua lỗ không phải là điều quá bất ngờ nhưng cũng gây ra cú sốc lớn đối với không ít nhà đầu tư. Đặc biệt là việc thua lỗ này đến chủ yếu từ mảng BĐS. Trước đó, năm 2013, HAGL đã tái cấu trúc lại mảng hoạt động kinh doanh BĐS tại Việt Nam qua việc đưa phần lớn mảng này vào công ty con là Công ty An Phú. Tiếp theo, An Phú được tách ra khỏi HAGL bằng cách bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu của HAGL. Tuy nhiên, cổ đông cũng không phải bỏ ra đồng nào vì tiền mua cổ phiếu An Phú bằng đúng số tiền nhận được từ cổ tức HAGL. Với việc tái cấu trúc này, phần lớn mảng kinh doanh BĐS của HAGL ở Việt Nam đã tách ra khỏi HAGL. Tuy nhiên, để cho An Phú hoạt động thì HAGL vẫn phải cho An Phú vay hơn 3.000 tỷ đồng.
Nhiều người cho rằng, đây chính là một trong những thủ thuật để HAGL che dấu mảng kinh doanh BĐS ở Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn. Ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng đây là cách tối ưu để HAGL tái cấu trúc lại mảng hoạt động kinh doanh BĐS ở Việt Nam, bởi khi không còn chịu ràng buộc quy định của một doanh nghiệp niêm yết thì An Phú có thể năng động trong quá trình tái cấu trúc hơn. Thực tế cho thấy, An Phú cũng đã tái cấu trúc mạnh mẽ bằng cách bán bớt các dự án của mình, trong đó điển hình là dự án Đông Nam tại Thủ Đức, TP.HCM có quy mô khoảng 35ha bán cho Tập đoàn Him Lam (bán phần lớn cổ phần Công ty Đông Nam). Đây là dự án HAGL đã đầu tư khoảng 1.119 tỷ đồng và chuyển nhượng lại cho An Phú bằng chính giá trị sổ sách.
Nói về sự tháo chạy khỏi thị trường BĐS trong nước của HAGL, cách đây hơn 2 năm, tại buổi tiếp xúc các nhà đầu tư vào ngày 19/08/2013 tại TP.HCM, Chủ tịch tập đoàn, ông Đoàn Nguyên Đức, đã công bố kế hoạch tái cấu trúc HAGL bằng cách dần thoái vốn và thu hẹp các ngành khai khoáng, thủy điện, BĐS tại Việt Nam và đầu tư vào hai mảng chính là nông nghiệp và BĐS tại Myanmar. Theo ông Đức, “thị trường BĐS trong nước không ai nói được khi nào mới có dấu hiệu phục hồi” và “càng làm càng lỗ”. Vào thời hoàng kim, các dự án BĐS của HAGL mọc lên khắp nơi. Hầu hết trong số đó là chung cư, khách sạn, khu đô thị, văn phòng cho thuê hoặc các khu phức hợp. HAGL từng được xem là “đại gia” trong giới BĐS Việt Nam với rất nhiều dự án lớn. Từ năm 2012 trở về trước, phần lớn tài sản, doanh thu và lợi nhuận chính của tập đoàn này đến từ lĩnh vực BĐS. Tuy nhiên, theo đánh giá của những người trong ngành thì phần lớn dự án của HAGL lại khá bình dân và thiếu hấp dẫn do thiết kế thiếu tinh tế và đẳng cấp.
Trong lúc ở trong nước HAGL tìm cách thoát khỏi BĐS, thì tại Myanmar tập đoàn này đầu tư vào một số dự án, trong đó có dự án tọa lạc tại khu “đất vàng” rộng 7,3ha tại thủ đô Yangon. Tổng mức đầu tư của dự án này khoảng 440 triệu USD gồm các hạng mục như trung tâm thương mại, văn phòng hạng A, khách sạn 5 sao, căn hộ dịch vụ… Hiện nay dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 gồm 2 cao ốc văn phòng cho thuê, 1 trung tâm thương mại và 1 khách sạn 5 sao đã đi vào hoạt động. Theo công bố của HAGL, cao ốc văn phòng thuộc tổ hợp này đã cho thuê đạt công suất 60%, phần trung tâm thương mại cho thuê được 95% và khách sạn 5 sao đã chính thức hoạt động từ tháng 8/2016.
Khách sạn 5 sao Melia Yangon tại Myanmar của HAGL
Dự án Myanmar Center của HAGL dự kiến sẽ mang đến cho doanh nghiệp này hàng tỷ USD, song HAGL cũng đang phải đối mặt với không ít thử thách khi mới đây Myanmar đã ban hành sắc thuế mới đánh vào các giao dịch mua bán BĐS. Theo đó, đối với giao dịch có giá 30 triệu Kyat trở xuống sẽ chịu mức thuế 15%, từ hơn 30 triệu cho đến 100 triệu Kyat sẽ chịu mức 20%, và các giao dịch trên 100 triệu Kyat (tương đương 130 tỷ đồng) sẽ bị đánh thuế 30%. Mức thuế này cao gấp 5 lần so với cuối năm 2015 và cao hơn nhiều so với mức 2% ở Việt Nam. Ngoài ra, khả năng chuyển nhượng dự án cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi thuế thu nhập hiện rất cao, lên tới 40%. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến thương vụ chuyển nhượng 50% cổ phần Công ty phát triển dự án HAGL Myanmar Center cho tập đoàn BĐS Rowsley của HAGL không thành công. Xem ra dù muốn “rũ bỏ” khỏi mảng BĐS ở Việt Nam nhưng cũng không dễ dàng với HAGL, thậm chí khi Công ty An Phú không còn là công ty con và vẫn nợ HAGL đến 2.716 tỷ đồng (tính đến cuối tháng 9/2016). Trong khi đó BĐS nước ngoài của tập đoàn này được đánh giá nhiều tiềm năng nhưng lại bị ảnh hưởng bởi thuế thu nhập và thuế chuyển nhượng BĐS đang rất cao ở Myanmar.
Chật vật với nông nghiệp
Chăn nuôi bò hiện là mảng kinh doanh hiệu quả nhất của HAGL
Tiền thân từ nghề gỗ và sau nhiều năm chuyển sang BĐS, HAGL lại xác định mảng nông nghiệp là mảng chính yếu của tập đoàn này trong giai đoạn mới. Bầu Đức đã mạnh tay rót hàng chục nghìn tỷ đồng để đầu tư vào trồng cao su, cây chà là, mía đường, ngô, chăn nuôi bò... Trong đó, diện tích tích trồng cao su, chà là tại Lào và Campuchia đã lên tới hàng trăm nghìn ha. Đây từng được xem là những dự án rất tiềm năng bởi HAGL có một quỹ đất rất lớn với giá rẻ mà không phải ai cũng có thể có được. Không chỉ vậy, HAGL còn đầu tư vào nông nghiệp một cách khá bài bản đồng bộ. Hiện hoạt động kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp của HAGL thuộc Công ty Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai. Công ty này đang niêm yết với mã cổ phiếu là HNG và HAGL chiếm tỷ lệ sở hữu 70%. Giá cổ phiếu HNG liên tục lao dốc và chỉ còn giao dịch quanh mức 6.000 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 80% so với thời điểm niêm yết cách đây hơn 1 năm. Ba trong 4 quý gần nhất HNG đều thua lỗ. Đặc biệt quý 2 và quý 3 năm 2016 lỗ lần lượt 600 và 125 tỷ đồng.
Được biết, hiện HAGL đã trồng được hơn 42.000 ha cao su tại Lào và Campuchia. Con số này khá lớn khi so sánh với tổng diện tích trồng cao su ở Việt Nam khoảng hơn 800.000 ha. HAGL kỳ vọng loại cây này sẽ mang lại giá trị kinh tế cao khi giá cao su đạt đỉnh lên tới hơn 50.000 đồng/kg mủ tươi. Tuy nhiên, giá cao su đã giảm đến 60-70%, chỉ còn quanh mức 7.000 đến 12.000 đồng/kg mủ tươi. Điều này đồng nghĩa với số diện tích cao su có giá trị hàng chục nghìn tỷ đồng cũng giảm sút đáng kể. Doanh thu từ bán mủ cao su của HAGL trong 9 tháng đầu năm 2016 chỉ đạt 51 tỷ đồng, giảm 62% so với cùng kỳ năm trước.
Thêm một lĩnh vực khác trong nông nghiệp được HAGL kỳ vọng là xây dựng nhiều nhà máy mía đường tại Lào. Tổng diện tích nguyên liệu mía đường của HAGL tại Lào hơn 10.000 ha. Nhiều người vô cùng ngạc nhiên khi năm 2014, HAGL tuyên bố giá thành sản xuất đường của công ty này chỉ khoảng 4.000 đồng/kg, mức này chỉ bằng 1/2 so với nước sản xuất đường lớn nhất thế giới và cũng là hiệu quả nhất thế giới là Brazil và bằng 1/3 so với Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế hiện nay hiệu quả ngành mía đường của HAGL đã giảm sút đáng kể. Doanh thu và lợi nhuận biên từ đường của HAGL liên tục sụt giảm trong năm qua. Cụ thể, năm 2014 doanh thu lên tới 1.042 tỷ đồng và lợi nhuận biên 53%, con số này năm 2015 sụt giảm tương ứng là 756 tỷ đồng và 40,1%. Kết quả kinh doanh ngành đường tiếp tục sụt giảm mạnh trong 9 tháng đầu năm 2016 với doanh thu chỉ đạt 462 tỷ đồng (giảm 39% so với cùng kỳ) và lợi nhuận biên chỉ đạt 27,7%. Gần đây có thông tin cho rằng HAGL đang đàm phán bán lại cổ phần Công ty mía đường tại Lào cho Tập đoàn Thành Thành Công. Cuộc “phiêu lưu” mía đường của HAGL có lẽ sắp đi vào hồi kết.
Cho đến nay, chăn nuôi bò được đánh giá là hiệu quả nhất mà HAGL có được. Dù mới phát triển trong vòng 3 năm trở lại đây nhưng mảng chăn nuôi bò của HAGL lại chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu và lợi nhuận. HAGL đã chi hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư chuồng trại, trồng cỏ, trồng bắp để chăn nuôi bò thịt và bò sữa. Doanh thu từ bò thịt năm 2015, của HAGL đạt 2.541 tỷ đồng, lợi nhuận biên 29%. Trong 9 tháng đầu năm 2016, doanh thu từ bò đạt 2.631 tỷ, tăng khá mạnh so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận biên thì chỉ còn 12,3%.
Nước cờ nào cho Bầu Đức?
Đầu năm 2016, giới đầu tư xôn xao trước thông tin HAGL phải xin Ngân hàng Nhà nước tái cấu trúc các khoản nợ. Đồng thời trong khoảng thời gian này, nhiều cổ phiếu HNG cũng bị một số ngân hàng giải chấp để thu hồi nợ. Rõ ràng vị thuyền trưởng Đoàn Nguyên Đức của HAGL đã không thể tự làm chủ con tàu của mình. Số phận của HAGL đang nằm trong tay những chủ nợ là các ngân hàng. Trước đó, không ít lần HAGL giảm cơ cấu nợ bằng cách “bán sỉ” các dự án BĐS, thoái vốn khỏi ngành khoáng sản, thủy điện… Mới đây HAGL tuyên bố dự kiến sẽ bán hàng chục nghìn ha cao su tại Lào, Campuchia cho Trung Quốc, bán mảng kinh doanh mía đường cho Tập đoàn Thành Thành Công. Như vậy, sau một khoảng thời gian dài gây dựng HAGL buộc phải bán dần các tài sản để thoát khỏi khó khăn.
Từ một doanh nghiệp được xem là tiên phong trong các doanh nghiệp tư nhân với tốc độ tăng trưởng nhanh và đầu tư mạnh mẽ ra nước ngoài, doanh nhân Đoàn Nguyên Đức không ít lần được báo chí, chuyên gia ca ngợi hết lời. Nay HAGL đang chìm ngập trong khó khăn. Các chuyên gia cho rằng, ngoài “vận đen” do giá cao su, giá đường… sụt giảm thì điểm chính yếu xuất phát từ các vấn đề quản trị của doanh nghiệp này.
Về tài chính, HAGL đã chơi một ván bài rất rủi ro khi sử dụng đòn bẩy tài chính cao và vay vốn ngắn hạn đi đầu tư dài hạn. Các khoản vay của HAGL đều có lãi suất rất cao và thời gian ngắn trong khi đó đầu tư vào những lĩnh vực có rủi ro cao và thời gian thu hồi vốn dài như cao su, dầu cọ, thủy điện… Điều tất yếu là dòng tiền tạo ra không đủ để trả lãi suất và các khoản nợ đến hạn. Theo Báo cáo tài chính hợp nhất cuối tháng 9-2016, tổng nợ vay ngắn hạn của HAGL lên tới 12.270 tỷ đồng, nợ vay dài hạn 13.578 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ có 17.410 tỷ đồng. Nợ vay ngắn hạn đang vươt xa nhiều lần doanh thu khiến HAGL mất cân đối tài chính trầm trọng.
Về kinh doanh, HAGL cũng phạm những sai lầm lớn trong chiến lược và quản trị. HAGL đã không thành công trong đầu tư vào khoáng sản, thủy điện. Tập đoàn phải tháo chạy khỏi BĐS trong nước, còn mảng BĐS ở Myanmar được kỳ vọng nhiều cũng khó khăn cũng không ít. Việc đầu tư vào mía đường, hay bò sữa không thành công như mong đợi. HAGL đầu tư một cách dàn trải vào nhiều lĩnh vực, trong đó có những lĩnh vực mà những nhà lãnh đạo doanh nghiệp này hoàn toàn thiếu kinh nghiệm khiến mức độ rủi ro càng tăng lên. Đến nay, sau gần 1 năm bắt đầu thực hiện tái cấu trúc nợ, con đường phía trước của Bầu Đức vẫn chưa rõ ràng. Trong khi đó có nhiều dấu hiệu cho thấy các mảng kinh doanh của HAGL đang gặp khó khăn.
Việc kêu gọi vốn đầu tư để giảm bớt gánh nặng tài chính là không dễ bởi giá cổ phiếu HAG, HNG đang quá thấp và niềm tin vào khả năng quản trị đối với ban lãnh đạo doanh nghiệp đang bị sụt giảm. Biện pháp khả dĩ nhất là HAGL phải bán dần tài sản để trả nợ. Tuy nhiên, bán cho ai, bán giá nào cũng là một bài toán không dễ dàng. Vị thuyền trưởng Đoàn Nguyên Đức đã lèo lái con thuyền HAGL đi quá nhanh nhưng chính tốc độ nhanh này đã khiến cho con tàu rơi vào tình trạng quá nguy hiểm.
Nói đến Hoàng Anh Gia Lai người ta nghĩ ngay đến Bầu Đức, người đã gầy dựng và là Chủ tịch HĐQT của công ty. Bầu Đức là cái tên thường gọi của ông Đoàn Nguyên Đức, bởi ngoài là một doanh nhân ông cũng là một ông “bầu” trong bóng đá. Chính bóng đá đã đưa tên tuổi của ông Đức và Tập đoàn HAGL đến với đông đảo công chúng. Cũng từ bóng đá gần đây tên tuổi của ông lại nổi “như cồn” cùng với các cầu thủ được công chúng yêu thích như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường. Ngoài ra, tên tuổi của ông Đức còn gắn liền với việc mua sắm máy bay riêng để tiện đi công tác. Đó là những hình ảnh của ông Đoàn Nguyên Đức được công chúng biết đến nhiều nhất. Còn trong giới kinh doanh hay giới đầu tư tài chính thì hình ảnh của ông gắn liền với Tập đoàn HAGL. Đây từng là một trong những doanh nghiệp lớn nhất trên thị trường chứng khoán, từng đưa ông Đức vào top người giàu nhất trên thị trường chứng khoán. Ngày nay, HAGL không còn là một doanh nghiệp gỗ nữa mà đã là một doanh nghiệp đa ngành với 2 mảng hoạt động chủ lực là nông nghiệp và BĐS, trong đó nông nghiệp được xem là mảng chủ lực, còn BĐS chỉ còn tập trung vào dự án ở Myanmar. Ông Đoàn Nguyên Đức đã đưa Tập đoàn HAGL phát triển rất nhanh ở nhiều lĩnh vực, nhưng với tốc độ phát triển đó đang khiến HAGL rơi vào tình trạng khó khăn. |