Dự án Minh Tuấn mang lại bao nhiêu tiền cho HAG?
Theo thông tin từ HAG, Dự án Minh Tuấn do Công ty TNHH TMDV Minh Tuấn (Minh Tuấn) làm chủ đầu tư. Theo thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất Quý 1/2012, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai chỉ sở hữu 64,61% cổ phần của Minh Tuấn.
Khu dân cư Minh Tuấn có vị trí khá tốt với 2 mặt tiền đường (Đỗ Xuân Hợp 60m và đường Liên Phường) cùng 1 mặt rạch Ông Cày, đối diện sân Golf Rạch Chiếc đang thi công, cách cao tốc Long Thành - Dầu Giây 500m, hầm Thủ Thiêm 7km, và trung tâm Quận 1 khoảng 10km.
Dự án Minh Tuấn nằm liền kề với hàng loạt dự án có cùng loại hình như: Nam Long, Kiến Á, Mẫu Giáo Trung Ương 3, KDC Phước Long B Phú Nhuận,… Đây vừa là 1 lợi thế của KDC Minh Tuấn khi thừa hưởng được lợi thế về hạ tầng đồng bộ cũng vừa là thử thách lớn khi phải cạnh tranh với các dự án trên.
Được biết, Dự án Minh Tuấn có tổng diện tích toàn khu là 161.846 m2 trong đó đất ở là 72.676 m2, đất công trình công cộng là 13.597 m2, diện tích đất công viện cây xanh là 34.108 m2, khu A có diện tích là 44.033 m2. Dự án Minh Tuấn có tổng cộng 207 đất nền căn nhà liền kề và 74 đất biệt thự. Giá đất được rao bán 10-12 triệu/m2. Với mức giá này thì doanh thu tối đa khi bán hết số đất nền của dự án cũng chỉ tầm khoảng 500 tỷ đồng.
Với tỷ lệ sở hữu công ty là 64,61% thì doanh thu mang lại cho HAG cũng chỉ vào khoảng 320 tỷ đồng. Con số này thấp hơn nhiều so với con số 560 tỷ đồng mà ông Võ Trường Sơn đưa ra.
HAG khó thoát khỏi “bản án” “tiêu cực”
S&P giữ nguyên mức tín nhiệm “B-“ và triển vọng “tiêu cực” của HAG khi dự báo tình hình hoạt động và thanh khoản của HAG sẽ tiếp tục yếu kém trong vòng 6-12 tháng tới. S&P đánh giá mảng bất động sản sẽ tiếp tục gặp khó khăn và HAG đang chậm trễ trong việc xin được giấy phép khai thác quặng sắt tại Lào và Campuchia. Bên cạnh đó, S&P cũng đánh giá kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh sang trồng cây cao su và các dự án thủy điện đòi hỏi chi phí đầu tư cơ bản rất lớn và chịu nhiều rủi ro.
Trước đó, Tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings cũng đã hạ triển vọng tín nhiệm của HAGL từ mức “ổn định” trước đây xuống mức “tiêu cực” và cảnh báo, sẽ có thể hạ xếp hạng với HAGL nếu số dư tiền mặt cuối quý II giảm so thời điểm cuối quý I. Ngược lại, nếu công ty đưa cán cân tiền mặt về đến 3.000 tỷ đồng thì hãng xếp hạng này sẽ vẫn tiếp tục duy trì xếp hạng với HAGL.
Được biết, theo Báo cáo tài chính quý 2 của công ty mẹ thì HAG đang có số dư tiền mặt là 2.153 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 1.433 tỷ đồng của quý I, nhưng lại thấp hơn so với hồi đầu năm. Tính trong 6 tháng vừa qua công ty đã phát hành trái phiếu huy động thêm 1.600 tỷ đồng, tăng tổng nợ của công ty gần 7.848 tỷ đồng. So với đầu năm nợ vay của công ty tăng thêm 1.500 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính riêng lẻ thì doanh thu của công ty trong 6 tháng đầu năm đạt 625 tỷ đồng, còn lợi nhuận gộp chỉ đạt 102 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm của công ty chỉ đạt 49 tỷ đồng, giảm 77% so với cùng kỳ. Còn theo báo cáo hợp nhất trong quý 1 công ty đạt mức lợi nhuận sau thuế là 78 tỷ đồng, giảm 79% so với cùng kỳ.
Những con số đó cho thấy rõ ràng kết quả kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai kém hơn rất nhiều so với năm trước. Hiện tại, hàng tồn kho bất động sản của HAG (Báo cáo hợp nhất) lên tới gần 5.000 tỷ đồng. Với bối cảnh thị trường bất động sản hiện nay thì khó có thể hi vọng HAG sớm giải phóng được mớ hàng tồn kho này. Trong khi đó, doanh thu từ các mảng khác như thủy điện, khai thác cao su, sản xuất mía đường, khai khoáng vẫn chưa nhìn thấy trong tương lai gần.
Việc bán Dự án Minh Tuấn thuộc một công ty F3 (công ty cháu) của HAG với số tiền thu về khiêm tốn khó mà giúp cải thiện đáng kể tình hình tài chính của HAG. Vì vậy, việc HAG bị S&P đánh giá triển vọng “tiêu cực” có lẻ không oan. Không những vậy HAG có thể còn phải chịu “Bản án” tiêu cực dài dài.