Tranh cãi điều tra chống bán phá giá thép HRC Trung Quốc
Tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra ngày 29/3 của Bộ Công Thương, một trong những vấn đề nóng được nhiều người quan tâm là việc một số doanh nghiệp đã gửi hồ sơ đề nghị tới Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương điều tra chống bán phá giá thép cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc.
Họp báo thường kỳ Bộ Công Thương quý 1/2024
Cụ thể, Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh và Tập đoàn Hòa Phát nộp đơn đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc. Nguyên nhân là do sản lượng thép nhập khẩu thép tăng đột biến cũng như giá thép HRC từ Trung Quốc giảm mạnh.
Ngay sau đó, có 7 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép đồng loạt lên tiếng chưa có cơ sở để điều tra chống phá giá. Các doanh nghiệp này gồm: Tập đoàn Hoa Sen, Công ty CP Thép TVP, Công ty CP Tôn Đông Á, Công ty CP Sản xuất Thép Vina One, Thép Nam Kim, Tôn Phương Nam, Tôn Pomina.
Tranh cãi giữa các doanh nghiệp đang nóng. Mỗi công ty có quan điểm và số liệu dẫn chứng khác nhau.
Tại văn bản gửi cơ quan chức năng, các doanh nghiệp tôn mạ cho biết hiện nay, sản phẩm thép HRC tại Việt Nam chỉ có Formosa và Hòa Phát sản xuất, chiếm tới 80% ngành HRC nội địa. Trong khi đó, chỉ khoảng 20% còn lại là hàng nhập khẩu của các công ty thương mại.
Được biết, HRC là nguyên liệu thượng nguồn sản xuất các sản phẩm tôn thép mạ kẽm, mạ lạnh, mạ màu, ống thép, các sản phẩm thép khác được sử dụng trong nhiều ứng dụng của ngành xây dựng, cơ khí và các ngành công nghiệp khác.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, thép là mặt hàng có lượng nhập khẩu lớn, lại là ngành công nghiệp xương sống, do vậy chất lượng thép tác động đến nhiều ngành kinh tế khác nhau.
Theo đó, bất kỳ diễn biến bất lợi nào xảy ra với nguồn nguyên liệu HRC cũng có thể gây ra ảnh hưởng cực kỳ trầm trọng đến toàn ngành thép.
Nhóm 7 doanh nghiệp lập luận sản phẩm HRC từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam chỉ 1,26%, không vượt quá 2% nên không thể coi là bán phá giá.
Cách tính biên độ phá giá là giá trị thông thường tại nhà xưởng trừ giá xuất khẩu tại xưởng, chia cho giá trị xuất khẩu. Tính toán của doanh nghiệp tôn mạ, ống thép trong đơn kiến nghị đưa ra kết quả biên độ không vượt quá 2%.
Lãnh đạo một công ty tôn mạ cho biết, đối với mặt hàng thép cán nóng cung không đủ cầu dẫn đến Hòa Phát và Formosa luôn luôn bán giá cao hơn giá thép cán nóng nhập khẩu từ 10-20 USD/tấn, cao điểm có thể chênh lệch tới 40-50 USD/tấn và duy trì chênh lệch trong thời gian dài.
Từ việc mua hàng HRC nội địa, theo các doanh nghiệp, hàng hóa luôn trong tình trạng cung không đủ cầu. Các doanh nghiệp tôn mạ vẫn phải nhập vì có một số quốc gia xuất khẩu có yêu cầu đặc biệt về nguồn nguyên liệu.
Theo đó, việc khởi xướng điều tra chống bán phá giá chỉ có lợi cho một số doanh nghiệp, lo ngại khả năng độc quyền và chi phối giá cả dẫn đến giá nguyên liệu bị đẩy lên quá cao khiến toàn ngành tôn mạ và ống thép gặp khó.
“Khi sản phẩm thép HRC tăng, giá thành phẩm tăng tương ứng, người tiêu dùng sẽ gánh khoản chênh lệch này”, lãnh đạo doanh nghiệp tôn mạ nói.
Nhiều doanh nghiệp phản đối đề xuất áp thuế chống bán phá giá thép cán nóng Trung Quốc
Trước đó, lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát cho biết Formosa và Hòa Phát đã nộp đơn đến Bộ Công Thương yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng HRC có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Theo số liệu của Tổng Cục hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 1,8 triệu tấn sắt thép từ Trung Quốc, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ và chiếm 70% tổng lượng nhập khẩu sắt thép.
Phía Hòa Phát cho rằng hoàn toàn có khả năng cạnh tranh trên thế giới nhờ có giá thành sản xuất tốt. Tuy nhiên, doanh nghiệp này cũng bày tỏ lo ngại về sự cạnh tranh không lành mạnh, bao gồm bán dưới giá thành của một số đơn vị nước ngoài.
“Chúng tôi thấy có dấu hiệu bán phá giá nên kiến nghị lên cơ quan nhà nước, mong có sự đánh giá công bằng và chính đáng, làm sao để ngành sản xuất trong nước phát triển. Việc áp thuế hay không phải dựa trên số liệu và các cơ quan nhà nước sẽ đánh giá và quyết định”, lãnh đạo Hòa Phát nêu ý kiến.
Bộ Công Thương lên tiếng
Liên quan đến vấn đề này, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết Bộ Công Thương đã nhận được yêu cầu của một số doanh nghiệp sản xuất thép HRC trong nước đề nghị áp dụng biện pháp chống bán phá giá sản phẩm thép HRC nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc và Ấn Độ.
Ông Trung cho hay, căn cứ theo quy định của Luật Quản lý Ngoại thương, khi các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước nhận thấy có hành vi phá giá, có dấu hiệu gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước, đều có quyền nộp hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền.
Căn cứ theo quy định, thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá, cơ quan điều tra (Cục Phòng vệ thương mại) sẽ thông báo cho bên yêu cầu về tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hợp lệ, cơ quan điều tra sẽ thông báo cho bên yêu cầu nộp hồ sơ bổ sung.
“Chúng tôi hiện đang tiến hành thẩm định tính đầy đủ hợp lệ của hồ sơ này. Khi hồ sơ hợp lệ, sẽ tiến hành thẩm định trong 45 ngày. Trên cơ sở đó, sẽ kiến nghị Bộ Công Thương xem xét tiến hành khởi xướng hoặc không khởi xướng điều tra chống bán phá giá thép cán nóng”, đại diện Cục Phòng vệ thương mại cho hay.
Phía Cục Phòng vệ thương mại cũng cho biết, thời hạn điều tra sau khi khởi xướng sẽ kéo dài từ 2 đến 6 tháng (tối đa là 8 tháng). Trong quá trình đó, cơ quan điều tra sẽ thông báo cụ thể và yêu cầu các bên liên quan phải cung cấp toàn bộ chứng cứ để xem xét một cách toàn diện, khách quan, công bằng. Toàn bộ quá trình này sẽ được đưa ra công khai, minh bạch.
Bổ sung thêm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, vụ việc này hiện đang có hai luồng ý kiến. Một luồng ý kiến ủng hộ việc điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá, luồng ý kiến khác của các doanh nghiệp trong ngành thép lại có quan điểm đề nghị không nên áp dụng.
Bộ Công Thương sẽ thực hiện theo đúng quy định của Luật Quản lý Ngoại thương và các quy định liên quan. Theo đó, phải trải qua đầy đủ từ các khâu tiếp nhận hồ sơ, nghiên cứu hồ sơ, yêu cầu bổ sung hồ sơ, đánh giá tính hợp lệ đầy đủ thì mới áp dụng điều tra. Trong điều tra phải thực hiện các quy trình rất chặt chẽ và kết quả điều tra cũng có thể là áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp chống bán phá giá.
“Phải có đầy đủ các cơ sở, bằng chứng để minh chứng cho việc nên hay không nên áp dụng điều tra chống bán phá giá. Chúng tôi đang xem xét và tiếp tục yêu cầu các bên cung cấp, bổ sung thêm hồ sơ, chưa đưa ra quyết định hay kết luận cuối cùng là có điều tra hay không”, Thứ trưởng Bộ Công Thương thông tin.
-
Formosa và Hòa Phát đề xuất khởi xướng điều tra chống bán phá giá sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc, bảo vệ sản xuất trong nước. Ngược lại, các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ, ống thép tỏ ra quan ngại nếu điều này xảy ra sẽ ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong ngành.
-
Thép cuộn cán nóng HRC là nguyên liệu đầu vào quan trọng cho nhiều ngành sản xuất công nghệ cao khác như sản xuất ô tô, đóng tàu, tôn mạ, ống thép... Hiện nay ngoài Formosa, Hòa Phát là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất sản xuất được loại thép này với sản lượng đạt 9 triệu tấn.
-
Chung cư Chí Linh Center Vũng Tàu
Chí Linh Center có vị trí nằm tại Khu trung tâm đô thị Chí Linh, đường 2/9, phường Nguyễn An Ninh, thành phố Vũng Tàu. Dự án với phía Bắc giáp khu dân cư Bắc sân bay và cảng dầu khí, phía Nam giáp khu công viên thể tha...
-
Hãng thép 36 năm tuổi tại TP.HCM LÊN TIẾNG về việc liên tiếp thua lỗ, sẽ tiếp tục bán tài sản để duy trì hoạt động?
Kinh doanh thua lỗ cộng thêm khoản công nợ tồn đọng khó đòi từ các chủ đầu tư, Đầu tư Thương mại SMC cho biết sẽ tiếp tục tái cấu trúc doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2024 để khắc phục việc âm lợi nhuận sau thuế chưa phân phối....
-
Vừa đệ đơn xin từ nhiệm, lãnh đạo một công ty thép top đầu liên tục bán ra lượng lớn cổ phiếu khi thị giá tăng 60%
Bà Nguyễn Thị Nhi - Thành viên HĐQT Công ty CP Ống thép Việt Đức VG PIPE (Mã: VGS) đăng ký bán hơn 1,5 triệu cổ phiếu VGS vì nhu cầu tài chính cá nhân. Đáng chú ý, bà Nhi vừa có đơn xin từ nhiệm vai trò Thành viên HĐQT VGS nhiệm kỳ 2022-2026 từ ngày ...