Nhiều vi phạm giao kết trong hợp đồng khoán, sử dụng đất không đúng mục đích… (Ảnh minh họa)
Hàng chục ngôi nhà xây trái phép lấn chiếm đất rừng
Trong quá trình thực hiện, Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Sông Đà quản lý đất đai chưa chặt chẽ để lấn chiếm, sử dụng đất không đúng mục đích. Cụ thể, tại lô số 51, tờ bản đồ số 2 trên địa bàn xã Phúc Sạn, huyện Mai Châu có một hộ dân lấn chiếm khoảng 2000m2 để làm nhà sàn, trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ.
Đáng chú ý, trong tổ chức thực hiện hợp đồng giao khoán rừng và đất lâm nghiệp, BQL rừng phòng hộ Sông Đà chưa kịp thời rà soát để ký lại hợp đồng giao khoán sử dụng đất theo Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 8/11/2005 của Chính phủ và chưa có biện pháp xử lý 3 trường hợp vi phạm giao kết trong hợp đồng khoán, sử dụng đất không đúng mục đích tại địa bàn xã Thung Nai, huyện Cao Phong.
Trong đó, hộ ông Trần Đức Duy, mặc dù chưa được cho thuê đất thực hiện dự án, chưa làm đầy đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật nhưng đã xây dựng 05 nhà sàn gỗ, nhà xây với tổng diện tích khoảng 400m2 để phục vụ kinh doanh du lịch; hộ ông Nguyễn Đức Sỹ xây dựng 09 nhà sàn, nhà xây tổng diện tích khoảng 320m2 và các hạng mục phụ trợ kinh doanh du lịch nhưng cũng chưa thực hiện quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về xây dựng; hộ ông Lê Như Quỳnh xây dựng nhà cột bê tông cốt thép kiểu nhà sàn 02 tầng 104m2, 02 nhà tôn lắp ghép tổng diện tích 50m2.
Các tồn tại, khuyết điểm nêu trên có trách nhiệm của Trưởng BQL rừng phòng hộ Sông Đà trong việc quản lý, sử dụng đất được giao và Phó Trưởng BQL về việc thực hiện nhiệm vụ được phân công tại các thời điểm để xảy ra vi phạm.
Không mở sổ địa chính, sổ theo dõi biến động đất đai
Qua kiểm tra hồ sơ giao khoán, rà soát thửa đất trên bản đồ và kiểm tra ngẫu nhiên tại thực địa, đoàn thanh tra đã phát hiện 32,68 ha chưa giao khoán thuộc quản lý của Công ty TNHH MTV 2/9 (Cty 2/9). Trong đó, việc rà soát trên thực địa của Cty 2/9 chưa chặt chẽ dẫn đến bỏ sót diện tích đất, chưa theo dõi được đất trả ra dẫn đến chưa đưa vào giao khoán đất nhà nước không thu hồi; việc xác định vị trí, ranh giới, diện tích thửa đất đưa vào giao khoán chưa chính xác.
Ngoài ra, Cty 2/9 chưa xử lý kịp thời các trường hợp làm lán trại vượt diện tích, xây dựng trái phép trên đất nhận khoán 40 hộ làm lán trại vượt hạn mức 50m2 quy định trong hợp đồng; 06 hộ làm lán trại vượt hạn mức 50m2 quy định trong hợp đồng; 06 hộ làm nhà kiên cố.
Đặc biệt, Cty 2/9 không mở sổ địa chính, sổ theo dõi biến động đất đai theo quy định, việc quản lý, theo dõi nắm về quỹ đất sản xuất còn bị động, chủ yếu dựa vào số liệu báo cáo thống kê của các đội sản xuất. Diện tích ở đầu một số lô thửa khi giao khoán chưa được phục hóa để giao đất cho hộ nhận khoán.
Về hồ sơ giao nhận khoán thì một số thửa đất khi giao khoán ghi tăng hoặc giảm về diện tích nhưng hồ sơ không có tài liệu chỉnh lý theo hiện trạng. Một số hợp đồng giao khoán đã gộp thửa, chia thửa tùy tiện dẫn đến xáo trộn, diện tích đất ghi không chính xác…Trách nhiệm về các tồn tại, khuyết điểm nêu trên thuộc Giám đốc Công ty TNHH MTV 2/9.
Chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước
Đối với Công ty TNHH MTV Cao Phong (Cty Cao Phong), Thanh tra tỉnh Hòa Bình cũng nêu rõ, việc quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường và việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đối với Cty Cao Phong có nhiều sai phạm: Không mở sổ địa chính, sổ theo dõi biến động đất đai; chưa thực hiện điều chỉnh hợp đồng giao nhận khoán khi có thay đổi về diện tích sổ giao khoán sai khác với diện tích bản đồ; thay đổi loại cây trồng; thay đổi về định mức khoán sản lượng.
Tại thời điểm giao khoán chưa được đo đạc lập bản đồ chính quy, việc đo đất giao khoán bằng thủ công dẫn đến không chính xác. Sau khi có bản đồ đo đạc Cty Cao Phong không kịp thời điều chỉnh diện tích đất giao khoán theo bản đồ.
Việc quản lý đất đai cũng chưa chặt chẽ bị lấn chiếm. Ngoài ra, Cty không mở sổ địa chính, có 260 hộ đã chuyển đổi từ cây ngắn ngày sang trồng cam với diện tích 89,50ha nhưng không ký lại hợp đồng theo quy định. Thiếu kiểm tra việc hợp đồng giao khoán để ngăn chặn xử lý kịp thời 59 trường hợp làm lán trại vượt diện tích theo hợp đồng.
Ngoài ra, Cty Cao Phong chưa nộp tiền thuê đất nông nghiệp theo hợp đồng đã ký. Mặt khác, chưa thống nhất được về diện tích thuê đất là tổng diện tích đất được giao hay là tổng diện tích đất mà công ty giao khoán cho các hộ để sản xuất; nộp thiếu tiền thuê đất trụ sở trong 03 năm (2014 - 2016) với tổng số tiền 119.830.000.
Đối với công ty TNHH MTV Sông Bôi (Cty Sông Bôi), Cty này cũng không mở sổ địa chính, sổ theo dõi biến động đất đai theo quy định. Tại thời điểm giao khoán chưa được đo đạc lập bản đồ chính quy, việc đo đất giao khoán bằng thủ công dẫn đến không chính xác. Sau khi có bản đồ đo đạc, Cty Sông Bôi không kịp thời điều chỉnh diện tích các hợp đồng giao khoán theo bản đồ.
Chưa hết, Cty Sông Bôi chưa thực hiện ký hợp đồng thuê đất với nhà nước; chưa nộp tiền thuê đất nông nghiệp. Việc quản lý đất đai của Cty Sông Bôi cũng chưa chặt chẽ, dẫn đến bị lấn chiếm 0,45ha làm nghĩa trang; một số hộ nhận khoán trồng rừng sản xuất tự ý chuyển đổi sang trồng cây nông nghiệp với diện tích 55,94ha.
Còn một số hợp đồng giao khoán đã gộp thửa, chia thửa nhưng không theo quy định dẫn đến xáo trộn, diện tích ghi không chính xác. Ngoài ra, thiếu kiểm tra các hợp đồng giao khoán để ngăn chặn xử lý kịp thời 25 trường hợp làm lán trại xây kiên cố vượt quá diện tích 50m2 theo hợp đồng.
Trách nhiệm về các tồn tại, khuyết điểm nêu trên thuộc Giám đốc Cty Cao Phong và Giám đốc Cty Sông Bôi.