19/01/2024 11:21 AM
Giai đoạn 2023 – 2025, Lâm Đồng sẽ thực hiện sắp xếp nhiều đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Như vậy, hồ sơ địa chính của các địa phương thuộc diện sắp xếp sẽ có sự điều chỉnh, thay đổi, với tổng số khoảng 2.052 tờ bản đồ.

Hồ sơ địa chính của hơn 400.000 thửa đất sẽ được chỉnh lý

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng vừa báo cáo tình hình quản lý, bảo quản hồ sơ địa chính và phương án chỉnh lý hồ sơ địa chính sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, giai đoạn 2023 – 2025, Lâm Đồng sẽ thực hiện sắp xếp nhiều đơn vị hành chính cấp huyện, xã.

Cụ thể, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của huyện Đạ Huoai, huyện Đạ Tẻh và huyện Cát Tiên thành một huyện. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của huyện Lạc Dương vào thành phố Đà Lạt.

Điều chỉnh địa giới hành chính 5 xã (Lộc An, Lộc Tân, Lộc Nam, Lộc Thành và xã Tân Lạc) thuộc huyện Bảo Lâm vào thành phố Bảo Lộc.

Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Triệu Hải vào xã Quảng Trị thuộc huyện Đạ Tẻh. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Quảng Lập vào xã Pró thuộc huyện Đơn Dương.

Như vậy, hồ sơ địa chính trên địa bàn 35 xã, thị trấn và 8 huyện, thành phố sẽ có sự điều chỉnh, thay đổi, với tổng số khoảng 2.052 tờ bản đồ.

Cụ thể, huyện Đạ Huoai có 365 tờ bản đồ, với 128.637 thửa đất; huyện Đạ Tẻh có 284 tờ bản đồ, với 136.521 thửa đất; huyện Cát Tiên có 477 tờ bản đồ, với 93.483 thửa đất; huyện Đơn Dương có 58 tờ bản đồ; 5 xã thuộc huyện Bảo Lâm có 390 tờ bản đồ, với 22.842 thửa đất; huyện Lạc Dương có 478 tờ bản đồ, với 29.009 thửa đất.

Phương án chỉnh lý hồ sơ địa chính ra sao?

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng cho biết, đang chỉ đạo Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai các huyện có liên quan rà soát, tổng hợp, đánh giá chất lượng, số lượng cụ thể của từng loại hồ sơ địa chính trên địa bàn từng xã, thị trấn để phục vụ cho việc lập phương án kỹ thuật – dự toán chỉnh lý hồ sơ địa chính.

Qua đó, đảm bảo có thể triển khai thực hiện ngay sau khi Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, hồ sơ địa chính được thực hiện chỉnh lý theo từng đơn vị hành chính cấp xã trong huyện mới sau khi sắp xếp. Hồ sơ địa chính được lưu trữ ở cấp nào, cấp đó có trách nhiệm chỉnh lý hoặc thuê đơn vị có chức năng thực hiện.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng đã cho biết phương án chỉnh lý số thứ tự mảnh bản đồ địa chính.

Cụ thể, đối với trường hợp sáp nhập xã: Số thứ tự các mảnh bản đồ địa chính của xã sau khi sáp nhập mà có trụ sở UBND xã mới được giữ nguyên, số thứ tự các mảnh bản đồ ghép vào được đánh giá lại tiếp theo số thứ tự mảnh bản đồ lớn nhất.

Các yếu tố thông tin của bản đồ địa chính thuộc đơn vị hành chính xã cũ được ghi chú ngoài khung bản đồ; sổ mục kê và các tài liệu liên quan khác được chỉnh lý theo kết quả chỉnh lý bản đồ.

Đối với trường hợp sáp nhập giữ nguyên địa giới hành chính xã để thành lập đơn vị hành chính cấp huyện mới: Giữ nguyên số thứ tự mảnh bản đồ địa chính theo từng xã trong huyện mới, chỉ chỉnh lý tên huyện. Chỉnh lý các thông tin sổ mục kê và các tài liệu liên quan khác được chỉnh lý theo kết quả chỉnh lý bản đồ.

Việc chỉnh lý giấy chứng nhận đã cấp được thực hiện khi người sử dụng đất, tổ chức, cơ quan có yêu cầu, hoặc khi người sử dụng đất thực hiện các quyền của người sử dụng đất có liên quan đến giấy chứng nhận.

Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai theo kết quả chỉnh lý bản đồ địa chính. Việc bàn giao hồ sơ địa chính giữa các cấp, các đơn vị để sử dụng phải được thực hiện ngay sau khi Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực.

Lưu Bang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.