Các KCN, KKT có những đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng và phát triển của Việt Nam. Trong ảnh: Khu công nghiệp DEEP C tại Hải Phòng. Ảnh: Thanh Sơn
Nhiều bất cập, vướng mắc
Tại Hội thảo lấy ý kiến Báo cáo tổng kết 30 năm xây dựng và phát triển KCN, KKT được tổ chức cuối tuần qua tại TP.HCM, ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Ban Quản lý khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) khá hào hứng khi nói về những kết quả trong thu hút đầu tư của các khu chế xuất, KCN của Thành phố.
Tuy nhiên, ông Hưng cũng cho biết, đến nay, các quy định của pháp luật có những điều chỉnh, gây ảnh hưởng đến kết quả thu hút đầu tư vào các khu chế xuất, KCN. Chẳng hạn, từ tháng 7/2019, UBND TP.HCM, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận/huyện đã ngừng ủy quyền cho Hepza giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực môi trường. Hay trong lĩnh vực thương mại, theo quy định tại Thông tư số 19/2020/TT-BCT của Bộ Công thương ngày 14/8/2020, thì Ban Quản lý không thuộc danh mục các tổ chức cấp C/O mẫu D…
Ở góc độ doanh nghiệp đầu tư hạ tầng KCN, ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Công ty cổ phần KCN Đình Vũ (Hải Phòng) thẳng thắn, rất khó thu hút doanh nghiệp nước ngoài có thương hiệu toàn cầu đầu tư vào KCN khi không có dự án nhà ở cho chuyên gia, người lao động.
Trao đổi tại hội thảo trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhìn nhận, các KCN, KKT có những đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng và phát triển của Việt Nam thông qua việc thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bổ sung nguồn vốn quan trọng trong tổng vốn đầu tư xã hội. Tuy nhiên, việc phát triển KCN, KKT thời gian vừa qua cũng bộc lộ một số hạn chế nhất định.
Cụ thể, quy hoạch phát triển KCN, KKT chưa thể hiện rõ được tầm nhìn chiến lược, tổng thể. Tại một số nơi, quy hoạch và phát triển KCN, KKT chưa sát với nhu cầu phát triển và khả năng thu hút đầu tư, chưa bền vững và cân bằng về kinh tế, xã hội và môi trường. Việc tập trung các KCN tại một số địa phương, tuyến quốc lộ gây áp lực lớn về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu vực xung quanh KCN.
Bên cạnh đó, mô hình phát triển KCN, KKT còn chậm đổi mới; chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư và hiệu quả sử dụng đất tại KCN, KKT còn chưa cao; KCN, KKT phát triển chưa bền vững và cân bằng về kinh tế, môi trường và xã hội; hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội trong và ngoài KCN, KKT còn thấp so với nhu cầu…
Đề xuất các giải pháp, kiến nghị
Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, tại hội thảo lần này, có 3 nhóm vấn đề được tập trung trao đổi để phát triển KCN, KKT trong thời gian tới. Đó là: khung pháp lý cho phát triển KCN, KKT; phát triển mô hình mới; đổi mới bộ máy quản lý nhà nước đối với KCN, KKT. Đây là những vấn đề quan trọng, liên quan đến chủ trương, định hướng của Chính phủ trong thời gian tới.
Được biết, đây cũng là những chủ đề được trao đổi tại Hội nghị tổng kết 30 năm xây dựng và phát triển KCN, KKT do Thủ tướng Chính phủ chủ trì. “Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, phối hợp nghiên cứu của các bộ, ngành, địa phương liên quan, các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nói.
Ông Bruno Jaspaert chia sẻ, hiện có chuyện các dự án FDI có quy mô nhỏ, tầm vài chục triệu USD lại nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn các dự án có vốn lên tới hàng tỷ USD, ít nhất là trong làm thủ tục hành chính, xem xét việc cấp phép tăng vốn đầu tư… Điều này đi ngược xu thế chung, bởi ở các nước phát triển, các doanh nghiệp lớn, có thương hiệu toàn cầu luôn là đối tượng được ưu tiên.
Cũng theo ông Bruno, thực tế hiện nay, có nhiều doanh nghiệp hạ tầng có năng lực tài chính hạn chế, nên khó có thể đầu tư các hạng mục hạ tầng thiết yếu như cấp nước, xử lý chất thải, giao thông, nhà ở… “Việc cấp phép dự án hạ tầng KCN hiện khá dễ dàng, không có quy định về năng lực của nhà đầu tư, nhất là đảm bảo về nguồn tài chính để thực hiện dự án”, ông Bruno nói.
Theo ông Bruno, cần sớm có quy định về nghĩa vụ và trách nhiệm của doanh nghiệp hạ tầng. Tức là, cần đặt ra tiêu chuẩn cao cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng KCN, rồi mới xem xét, cấp phép cho dự án.
Trong khi đó, ông Hà Văn Cung, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Chính phủ điều chỉnh Nghị định số 82/2018/NĐ-CP theo hướng áp dụng thiết chế phân cấp cho ban quản lý KCN, KKT thay cơ chế ủy quyền hiện nay.
Đại diện các ban quản lý KCN, KKT ở nhiều địa phương kiến nghị, UBND cấp tỉnh trong thời gian chờ điều chỉnh các văn bản về quản lý các KCN, KKT, cần phân cấp ngay một số nhiệm vụ thuộc thẩm quyền nhưng chưa phân cấp hoặc đang phân cấp một phần hoặc đang thực hiện theo cơ chế ủy quyền đối với các lĩnh vực về quản lý môi trường, xây dựng, lao động…
Ngoài ra, để hoạt động của các ban quản lý ổn định, lâu dài, tương xứng với vị trí, vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, kiến nghị ngành chức năng tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua luật về quản lý KCN, KKT…
Ông Hà Văn Cung, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh chia sẻ, về cơ cấu tổ chức, ban quản lý khu kinh tế không phải cơ quan chuyên môn. Đồng thời, những quy định mới nhất lại không đề cập việc ủy quyền từ cơ quan hành chính nhà nước cho một cơ quan khác. Theo ông Cung, việc không phân cấp trực tiếp sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với KCN, KKT, cũng như hoạt động của các ban quản lý theo quy định tại Nghị định 82/2018/NĐ-CP và rất khó thực hiện cơ chế “một cửa tại chỗ” như hiện nay. |
-
Bùng nổ các khu công nghiệp ven biển
CafeLand - Hiện nay, nguồn cung đất công nghiệp sẵn sàng bàn giao ngay tại các khu công nghiệp tại cả hai miền đều trong tình trạng khan hiếm. Trong khi đó, các khu kinh tế, khu công nghiệp có vị trí gần biển đang có nhu cầu đầu tư rất lớn, đồng thời duy trì được mức giá và tỉ lệ lấp đầy vượt trội, theo ghi nhận của CBRE Việt Nam.