Cùng với quá trình đô thị hóa, việc sử dụng cần cẩu tháp trong thi công nhà cao tầng là điều không thể thiếu. Tuy nhiên, liên tiếp những sự cố liên quan đến cẩu tháp trong thời gian gần đây, khiến người dân lại dấy lên lo ngại về sự an toàn trong thi công các công trình, đặc biệt là công trình cao tầng trong các khu dân cư.

Sự cố liên tiếp

Mới đây, sáng 17.3, khi đang được vận hành, chiếc cẩu tháp tại công trình xây dựng khách sạn Đông Đô (146 Giảng Võ, phường Giảng Võ, quận Ba Đình – Hà Nội) đã bất ngờ đổ sập, kéo đứt hàng loạt dây điện, dây cáp sau đó nằm dựa vào khu tập thể Giảng Võ. Theo tìm hiểu, dự án trên vẫn đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục để được thi công thì đã xảy ra sự cố. Rất may, vụ tai nạn không có thiệt hại về người, nhưng các hộ dân trong khu vực bị thêm một phen hoảng loạn.

Những chiếc cẩu tháp lơ lửng trên đầu gây lo lắng cho người dân.

Cũng trong tháng 3, một chiếc tháp cẩu trong công trường trên đường Trương Định (phường Tân Mai, quận Hoàng Mai), cũng đã bất ngờ bị gãy sập thành 3 đoạn khi đang vận hành. Vụ việc xảy ra bất ngờ khiến hàng chục người dân ở gần đó đã phải tháo chạy ra khỏi nhà vì sợ hãi. Theo anh Tạ Quang An (ngõ 493 đường Trương Định, phường Tân Mai), dự án này được khởi công xây dựng từ hơn 1 năm nay. Thực tế không phải đến lúc xảy ra sự cố rồi thì người dân mới lo lắng, trước đó khi thấy cần cẩu được đặt quá sát nhà dân, tổ dân phố đã nhiều lần phản ánh trong cuộc họp, nhưng chưa nhận được phản hồi từ phía nhà thầu.

Kết quả là, sự lo lắng của bà con đã thành sự thật khi rạng sáng 3.3, chiếc cần cẩu nặng hàng chục tấn đã bị đổ sập, gây rung lắc như trận động đất cho những hộ dân gần đó. Thực tế tại hiện trường cho thấy, trong cả hai vụ tai nạn này, chiếc tháp cẩu đều được đặt ở ngoài rìa công trình, sát tường bao và ngay cạnh khu dân cư. Tuy nhiên, rất may là sự cố chỉ mới xảy ra trong phạm vi công trường, không ảnh hưởng sang các công tình lân cận xung quanh và cả hai công trình này đều đã được tạm dừng thi công để làm rõ nguyên nhân. “Chúng tôi chỉ mong muốn các ban ngành chức năng và chủ đầu tư sớm có phương án, để người dân được yên tâm” – anh An cho biết.

Trước đó, vụ sập thang máy cẩu nghiêm trọng khác đã xảy ra vào khoảng 10 giờ 30 ngày 4.12.2015, tại chung cư ở số 52 Lĩnh Nam, đã khiến 3 người tử vong... Như vậy, có thể dễ nhận thấy, tai nạn tháp cẩu công trình là một mối nguy hiểm luôn rình rập, treo lơ lửng và có thể buông xuống bất cứ lúc nào.

ATLĐ chưa được quan tâm đúng mức

Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong an toàn xây dựng do Bộ Xây dựng quy định: Các công trình đang thi công phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật (như rào chắn, đặt biển báo, hoặc làm mái che...) ở những vùng nguy hiểm nhằm tránh vật liệu rơi từ trên cao xuống. Riêng đối với cần trục tháp (cần cẩu) thì giới hạn vùng nguy hiểm từ chu vi xây dựng công trình xa ít nhất 5m, từ vị trí cần cẩu vận chuyển xa ít nhất 7m. Ngoài ra, đơn vị thi công cũng phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, công trình, phải có biển báo, rào chắn vùng nguy hiểm vật rơi ngoài phạm vi công trường xây dựng trong thời gian cẩu tháp vận hành… Tuy nhiên, nếu xét theo quy định trên thì có thể thấy nhiều công trình đang xây dựng tại Hà Nội đều đã vi phạm các quy định này.

Được biết, trước những sự cố đáng tiếc liên quan đến cẩu tháp, tháng 5.2015, đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Xây dựng Hà Nội chủ trì đã tiến hành kiểm tra đột xuất 2 công trình xây dựng nhà ở cao tầng đang sử dụng cẩu tháp nằm sát trục đường Lê Văn Lương (thuộc địa bàn quận Thanh Xuân) là công trình nhà ở kinh doanh kết hợp dịch vụ thương mại HACC1 Complex Buiding ở 26 Lê Văn Lương và công trình Tổ hợp khu nhà ở, dịch vụ thương mại Golden Palace ở ô đất C3, đường Lê Văn Lương. Kết quả kiểm tra cho thấy có sai phạm ở cả 2 công trình, chủ đầu tư sau đó đã được nhắc nhở và cam kết sớm khắc phục.

Tuy nhiên, từ sau đợt kiểm tra đó, thời gian qua, những vụ sập cần cẩu vẫn liên tiếp xảy ra, gây hoang mang cho người dân mà nguyên nhân chủ yếu là do các chủ đầu tư, vì tiến độ mà sẵn sàng bất chấp các quy định, chỉ thị của UBND thành phố và các cơ quan chức năng. Thậm chí, có công trình ngừng thi công lâu ngày, cẩu tháp hoen gì, nhưng vẫn quay phần đối trọng ra ngoài đường giao thông. Đặc biệt, theo quan sát của PV, trong suốt chiều 21.3.2016, chiếc cẩu tháp tại công trình xây dựng khách sạn Mercure Văn Miếu Hà Nội, do Tổng Công ty xây dựng Thanh Hóa làm chủ đầu tư, vẫn ngang nhiên hoạt động giữa ban ngày, bất chấp dòng phương tiện vẫn di chuyển tập nập bên dưới... Người dân thì không còn cách nào khác là phải tự “né” mỗi khi đi qua đây để bảo vệ chính mình.

Do đó, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, rất cần các cơ quan chức năng siết chặt công tác kiểm tra, giám sát việc thi công theo đúng kỹ thuật, đúng tải trọng, đặc biệt là những chiếc cẩu tháp thi công tại khu vực đô thị, nơi đông dân cư. Khi không vận hành cẩu tháp, đơn vị thi công phải tháo dỡ hoặc di chuyển cẩu tháp, đưa những khối bê tông đối trọng vào trong công trường, tránh để ra đường hoặc vào khu dân cư, gây lo lắng, nguy hiểm cho người dân.

Tuấn Trần (Lao Động TĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.