Sinh viên sử dụng thang máy tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM.
Cho tiền cũng không dám
Nếu đi thang máy, chỉ mất 30 giây để từ nhà xe lên đến căn hộ ở tầng 5, nhưng cả tuần qua, bà Nguyễn Thị Thảo (ở chung cư 4S, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TPHCM) vẫn phải lên xuống bằng thang bộ vì “ớn” thang máy. Bà Thảo cho biết, chỉ trong một tuần qua, hệ thống thang máy ở chung cư này 7 lần xảy ra sự cố.
“Lúc thì bấm hoài cửa thang vẫn không mở để ra ngoài, khi thì bấm nút lên lầu 5, nhưng thang lại chạy tới lầu 7, rồi xuống lầu 2, sau đó bất động. Lâu lâu thang máy lại bị tuột nhẹ. Mỗi lần như vậy sợ đến thót tim. Một ngày tôi lên xuống thang bộ 3 đến 4 lần, rất oải nhưng để tránh nguy hiểm thì không còn cách nào khác” - bà Thảo lo lắng. Một số cư dân khác cùng ở chung cư 4S kể, chuyện thang máy ở đây bị hỏng, bị kẹt là chuyện cơm bữa. Sau vài ngày được lực lượng bảo trì khắc phục, bệnh cũ của thang máy lại tái diễn. Dần dần số cư dân trong chung cư đi thang bộ nhiều hơn thang máy.
Ở các trường học, hệ thống thang máy còn nguy hiểm hơn. Trường Đại học Công nghiệp TPHCM hiện có hơn chục thang máy được lắp đặt ở các dãy nhà V, A, D, X… để sinh viên thuận tiện đi lại. Thế nhưng, theo ghi nhận của chúng tôi vào giờ tan học trưa 8-5, có rất ít sinh viên sử dụng thang máy lên xuống các tầng. Lý giải việc ngại đi thang máy, sinh viên Nguyễn H.N., khoa Tài chính, nói: “Sợ lắm! Hôm rồi suýt chút cả đám tụi em “giỗ cùng ngày”.
Trong khi đó, tại các bệnh viện như Gia Định, Mắt…, các sự cố kẹt cửa, tuột mạnh, mất điện vẫn thường xuyên xảy ra. Hiện nay, có rất nhiều cá nhân, tổ chức, đơn vị mua bán, lắp ráp và sử dụng thang máy xem thường vấn đề an toàn, bỏ qua các quy định, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, chết người. Giám đốc một công ty chuyên thiết kế, lắp ráp thang máy tại TPHCM cho biết, đối với thang máy sử dụng vào mục đích vận chuyển hàng tại các cơ sở sản xuất, nhà máy, công trình, theo quy định tuyệt đối không dùng cho người vì độ an toàn của loại thang này không cao.
Xử lý lỏng lẻo
Nói về nguyên nhân khiến hệ thống thang máy ở các tòa nhà không an toàn, ông Nguyễn Tân Vũ, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thang máy Thiên Nam, cho biết một trong những nguyên nhân khiến thang máy hư hỏng, dẫn đến tai nạn lo do cách vận hành, bảo trì của người sử dụng không đúng cách. Thêm nữa, công tác kiểm định, xử lý chất lượng thang máy của các cơ quan còn nhiều vấn đề. Trước đây, việc kiểm định chất lượng thang máy ở TPHCM thuộc thẩm quyền của một đơn vị nhà nước, trực thuộc Bộ LĐTB-XH. Để tránh sự độc quyền, phát sinh tiêu cực, mới đây Nhà nước đã cấp phép cho nhiều đơn vị, doanh nghiệp tư nhân hoạt động kiểm định.
Nhưng trên thực tế việc kiểm định chất lượng thang máy vẫn chưa khách quan, hệ thống thang máy ở các chung cư, bệnh viện, trường học vẫn tồn tại rất nhiều lỗi thiết bị, vận hành. Thêm nữa, đối với các thang máy nhập khẩu nguyên chiếc, không ít công ty đã “ăn bớt” hệ thống an toàn để chiếc thang giảm bớt thao tác vận hành, vừa giảm chi phí để dễ bán.
Ngoài việc kiểm định không khách quan, công tác kiểm định, thẩm định sự an toàn của thang máy cũng không thường xuyên. Thậm chí, có tổ chức sử dụng thang máy gần chục năm vẫn chưa một lần bị cơ quan có thẩm quyền kiểm định “hỏi thăm”. Trong khi đó, lãnh đạo một trung tâm kiểm định kỹ thuật an toàn ở TPHCM lại cho rằng, các quy định an toàn đã lạc hậu, trong khi công tác quản lý các nhà cao tầng lại không chuyên nghiệp.
Thực tế, mỗi năm xảy ra hàng chục vụ tai nạn thang máy nhưng nguyên nhân ra sao, ai chịu trách nhiệm thì gần như không được nhắc tới vì những lý do nào đó. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng phải làm rõ để nhà sản xuất, nhà quản lý và người sử dụng biết cách phòng tránh. Bỏ ngỏ các điều kiện an toàn ở các chung cư là một thực tế đang diễn ra nhiều nơi hiện nay và các tai nạn sẽ còn tiếp tục xảy ra khi đằng sau đó không ai chịu trách nhiệm.