06/01/2018 7:50 PM
Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đã và đang xảy ra tình trạng quy hoạch rồi “bỏ ngỏ” hoặc thi công dở dang, gây ra nhiều hệ lụy, khiến người dân “vướng” phải quy hoạch sống trong cảnh “dở khóc, dở cười”.
Khu vực đất quy hoạch Trung tâm Hành chính huyện Quảng Xương không sản xuất được từ năm 2011 đến nay.
Sống “mòn” trong quy hoạch “treo”
Những ngôi nhà, bờ tường có thể đổ sập xuống bất cứ khi nào. Gia đình nhiều thế hệ phải chen lấn trong căn hộ vài chục m2 ẩm thấp. Con cái đến tuổi dựng vợ, gả chồng không muốn lập gia đình do nhà cửa quá sập xệ mà không được phép cải tạo... Đó là tình cảnh điêu đứng mà hàng ngàn hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án Khu đô thị mới ven sông Hạc đang phải gánh chịu. Gia đình ông bà Đoàn Văn Xuyên - Lê Thị Trí ở khu phố Đội Cung 1, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa năm nay 78 tuổi, đã hơn 10 năm phải sống khốn khổ trong dự án “treo” này.
Trên diện tích đất ở gần 600m2 và có một ngôi nhà cũ đã được xây dựng từ năm 1985, ông bà phải cơi nới tạm bợ để đủ chỗ ở cho 4 người con. Trong nhà, nhiều mảng tường bị bong tróc, xiêu vẹo mà không thể làm gì được. Cách đó không xa là ngôi nhà của gia đình ông bà Lưu Tiến Bình, Bùi Thị Cẩn. Đợt mưa lũ tháng 10-2017, toàn bộ đồ đạc trong nhà bị ngập nước. Sau đợt lũ, ông bà không thể ở lại trong nhà mình mà phải dắt díu nhau đi ở nhờ nhà con cháu.
Bên kia sông Hạc, tình trạng cũng diễn ra tương tự. Chỉ tính riêng tại khu phố Thành Công đã có tới 230 hộ dân chịu ảnh hưởng bởi Dự án Khu đô thị mới ven sông Hạc đang phải “sống dở chết dở”, “đi không được mà ở cũng không xong”. Qua 2 lần kiểm kê để bồi thường giải phóng mặt bằng nhưng rồi người dân vẫn đang phải “dài cổ” ngóng trông dự án.
Thảm hại nhất là ở khu phố 6, cả một khu tập thể có tới 46 hộ dân với hơn 200 nhân khẩu hiện đang phải sinh sống trong những dãy nhà lụp xụp, dột nát, xây dựng cách đây đã hơn 30 năm (từ năm 1986). Ngày chúng tôi đến thăm khu tập thể này, cũng là ngày mà đoàn công tác của Sở Xây dựng hẹn xuống làm việc với khu phố để thẩm định xem người dân có tiếp tục sinh sống được không.
Nhưng, nếu phải di dời để bảo đảm an toàn cho cuộc sống, các hộ dân nơi đây cũng chưa biết sẽ đi đâu, về đâu? Ông Lê Văn Hồng, trưởng phố Thành Công, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa, cho biết: Đợt mưa lũ tháng 10-2017, nhiều ngôi nhà bị xuống cấp trầm trọng hơn. Hơn nữa, hai dự án Tiêu úng Đông Sơn và Khu đô thị ven sông Hạc chồng lấn lên nhau, khiến người dân khổ sở vì chờ đợi giải quyết các thủ tục liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng.
Nhân dân mong muốn chính quyền các cấp xem xét dự án có còn hiệu lực hay không? Nếu còn thì có giải pháp đôn đốc nhà đầu tư triển khai sớm. Nếu chủ đầu tư không đủ năng lực triển khai thì tỉnh sớm thu hồi dự án để nhân dân sửa chữa lại nhà ở, bảo đảm cuộc sống sinh hoạt.
Lãng phí đất nông nghiệp nghiêm trọng
Thôn Tân Đoài, xã Quảng Tân (Quảng Xương) trước kia có 36 ha đất sản xuất nông nghiệp. Do có vị trí địa lý “vàng” nên gần 1/3 diện tích đất nơi đây được quy hoạch vào việc thực hiện một số dự án. Tuy nhiên, đến thời điểm này, người dân cũng đang rất hoang mang không biết khi nào các dự án mới được triển khai thực hiện?
Ông Phạm Đức Thuận, trưởng thôn Tân Đoài dẫn chúng tôi đi khảo sát 1 vòng quanh các khu đất vốn là “bờ xôi ruộng mật” trước kia nay đang bị bỏ hoang. Ông Thuận cho biết, ở đây có 2 dự án đang bị ách tắc. 1 dự án quy hoạch mở rộng trung tâm văn hóa huyện. Nơi đây hiện có 11 hộ gia đình với hơn 4.000 m2 đất sản xuất nông nghiệp bị bỏ hoang từ năm 2011.
Nguyên nhân là do đất đã vào quy hoạch và khi thực hiện các dự án mở rộng đường giao thông và trung tâm văn hóa huyện, các hệ thống tưới tiêu đã bị phá vỡ hoàn toàn. Ông Phạm Hữu Việt, người dân có đất ở khu vực này, cho biết: Gia đình có 510 m2 đất nông nghiệp từ năm 2011 đến nay không tiến hành sản xuất được mà cũng không được bồi thường. Gia đình đã kiến nghị nhiều lần lên các cấp chính quyền nhưng chưa có câu trả lời?
Ngay cạnh khu đất sản xuất nông nghiệp nói trên là Dự án Xây dựng trung tâm dạy nghề và điều dưỡng quốc tế của Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ thương mại Sơn Thái Thành. Được chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2014 và hoàn thành kiểm kê bồi thường tháng 10-2015; tuy nhiên, đến nay, 5 ha đất sản xuất nông nghiệp được quy hoạch dự án nơi đây vẫn là những bãi đất hoang.
Tháng 10-2016, Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương đã có văn bản thông báo cho các hộ dân thuộc phạm vi dự án này sản xuất trở lại. Tuy nhiên, sau 2 năm bỏ hoang, mặt bằng sản xuất nơi đây đã bị phá vỡ, cỏ mọc um tùm. Hơn nữa, thời gian bàn giao hiện trạng mặt bằng cho dự án không có ai quản lý khiến nhiều khu vực bị đào bới, thay đổi hiện trạng, chi phí khá lớn khi cải tạo khôi phục sản xuất.
Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 6-2017, trên địa bàn tỉnh có 1.419 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong đó, có tới 315 dự án chưa được giao đất, cho thuê đất (có 139 dự án quá thời hạn theo quy định). Những dự án chậm tiến độ đã gây lãng phí tài nguyên đất đai, gây bất ổn, xáo trộn trong một bộ phận đời sống xã hội.
Vấn đề này cần được nhanh chóng chấn chỉnh một cách kịp thời, đồng bộ, nhất là việc kiên quyết xử lý, thu hồi các dự án “treo”, trả lại sự trong sạch cho môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh và ổn định cuộc sống, sản xuất của nhân dân.
Minh Hằng (Báo Thanh Hóa)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.